Tình hình Biển Đông đang rất căng thẳng khi Trung Quốc đã và đang quân sự hóa Biển Đông. Kênh Truyền hình Fox News (Mỹ) dẫn những hình ảnh từ vệ tinh “ImageSat International” cho thấy, có 2 khẩu đội gồm 8 bệ phóng tên lửa đất đối không (HQ-9) cùng 1 hệ thống radar trên đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Tình hình Biển Đông căng thẳng,Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Hạm đội 7 Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ tuyên bố, nếu Trung Quốc kéo tên lửa ra Hoàng Sa là đã đi ngược lại cam kết của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc. Bởi ông Tập Cận Bình từng nói rằng, Bắc Kinh sẽ không theo đuổi quân sự hóa Biển Đông.
Và đây là dấu hiệu rõ ràng về quân sự hóa. Đài Loan cũng xác nhận thông tin của Fox News rằng, Trung Quốc đã triển khai HQ-9 ở Hoàng Sa ít nhất từ ngày 14-2.
Đô đốc Harry Harris cho rằng, không bất ngờ trước việc Trung Quốc điều HQ-9 ra Hoàng Sa, nhưng đây sẽ là mối quan tâm của Mỹ.
Trung Quốc đưa tên lửa ra đảo Phú Lâm, thuộc Hoàng Sa của Việt Nam
Tờ The Sydney Morning Herald đưa tin, tại cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Australia Julie Bishop đang ở thăm Bắc Kinh, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã không xác nhận hay phủ định thông tin nước này đưa tên lửa ra quần đảo Hoàng Sa.
Thậm chí còn cho rằng, thông tin Bắc Kinh triển khai hệ thống tên lửa phòng không ở đảo Phú Lâm là sự “dựng chuyện” của báo chí phương Tây, nhưng không phủ nhận việc này. Ngoài ra, ông Vương Nghị còn nhấn mạnh, Trung Quốc có quyền tự vệ theo luật quốc tế, có quyền cài đặt các trang bị tự vệ giới hạn và cần thiết; và người ngoài không nên đặt câu hỏi về vấn đề này.
The Sydney Morning Herald cũng dẫn lời Giáo sư Carl Thayer đến từ Học viện Quốc phòng Australia - việc Trung Quốc triển khai hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến tới Hoàng Sa là phản ứng trước việc Mỹ tuần tra “khu vực 12 hải lý” đảo Tri Tôn hôm 31-1.
Học giả Rory Medcalf đến từ Đại học Quốc gia Australia cho rằng, Bắc Kinh điều tên lửa ra Hoàng Sa trong khi tìm cách né tránh đàm phán COC chứng tỏ, Trung Quốc không quan tâm đến giải pháp ngoại giao một cách nghiêm túc.
Giới quân sự cảnh báo, nếu thông tin Trung Quốc điều tên lửa đất đối không tới đảo Phú Lâm là thật, đây có thể khởi đầu cho những động thái quân sự dồn dập trong tương lai trên Biển Đông.
Theo bà Mira Rapp-Hooper, chuyên gia về Biển Đông tại Trung tâm An ninh Mỹ Mới (CNAS), đây không phải lần đầu tiên Trung Quốc đưa vũ khí tới Hoàng Sa, nhưng việc điều tên lửa đất đối không đến đảo Phú Lâm là “bước phát triển đáng chú ý”.
Bởi khi đi vào hoạt động, HQ-9 sẽ tạo ra mối đe dọa cho mọi loại phi cơ, dù là dân sự hay quân sự, bay gần khu vực. Quan sát viên Tyler Rogoway của trang Foxtrot Alpha cũng coi đây chỉ là khởi đầu cho những động thái quân sự hóa dồn dập hơn trong tương lai của Trung Quốc trên Biển Đông.
Học giả Felix Chang, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại ở Philadelphia, Mỹ cho rằng, việc Trung Quốc triển khai tên lửa đất đối không tới đảo Phú Lâm buộc thế giới phải hoài nghi về tuyên bố không tiếp tục quân sự hóa Biển Đông mà Bắc Kinh nhiều lần đưa ra trước đó.
Theo bình luận viên Daniel Hurst của tờ The Guardian, việc tên lửa và radar Trung Quốc xuất hiện ở Hoàng Sa một lần nữa thổi bùng lên căng thẳng vốn đã dâng cao trong các tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông. Bất chấp việc Tổng thống Barack Obama vừa có cuộc gặp với lãnh đạo 10 nước ASEAN, kêu gọi các bên liên quan giảm căng thẳng, dừng cải tạo đất, ngừng quân sự hóa khu vực có tranh chấp và giải quyết bất đồng bằng phương pháp hòa bình.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin đã lên án việc Trung Quốc điều tên lửa tới đảo Phú Lâm bởi việc này “sẽ thổi bùng căng thẳng trên Biển Đông”. Nhưng người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi lại ngang ngược tuyên bố, Bắc Kinh triển khai vũ khí quốc phòng cần thiết trên lãnh thổ đất nước!?
Chuyên gia Euan Graham của Viện Lowy (Australia) coi việc Trung Quốc điều tên lửa tới đảo Phú Lâm cùng thời điểm hội nghị cấp cao Mỹ - ASEAN diễn ra ở California cho thấy, Bắc Kinh muốn cảnh báo các nhà lãnh đạo ASEAN không nên quá thân với Washington.
Trong khi đó, tờ The Diplomat cũng cho biết, Trung Quốc đã mở rộng bồi đắp ở 2 điểm mới thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và thông tin này xuất hiện giữa lúc lãnh đạo Mỹ và ASEAN đang thảo luận về hành động phi pháp của Trung Quốc tại Biển Đông.
The Diplomat cho rằng, bên cạnh 2 điểm bồi đắp mới kể trên, Trung Quốc còn hút cát từ đáy biển để mở rộng 50% đảo Quang Hòa, cũng thuộc quần đảo Hoàng Sa, nhằm mở rộng một vịnh ở đây. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang xây dựng một căn cứ trực thăng tại đảo này.
Trước đó (13-2), tờ Đa Chiều đưa tin, Trung Quốc đã bí mật tăng quân đồn trú bất hợp pháp tại bãi đá Vành Khăn, quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Trong khi đó, Hãng Reuters cho biết, Trung Quốc sẽ gia tăng chi tiêu ngân sách quốc phòng cho hoạt động của quân đội tại Biển Đông và kế hoạch tăng 30% chi tiêu quốc phòng trong năm 2016 đã được bàn thảo trong giới quân sự dù mức tăng này là khó khả thi.
Việc gia tăng chi tiêu ngân sách quốc phòng của Bắc Kinh còn nhằm đối phó với Đài Loan trước chính sách cứng rắn của đảng đối lập vừa giành chiến thắng trong cuộc bầu cử hồi tháng 1-2016.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc từ chối bình luận về kế hoạch tăng ngân sách quốc phòng khi được hỏi. Ngân sách quốc phòng của Trung Quốc trong năm 2015 khoảng 886,9 tỉ NDT (136,4 tỉ USD), bằng 1/4 ngân sách quốc phòng Mỹ, nhưng tốc độ hiện đại hóa của quân đội Trung Quốc diễn ra rất nhanh, gia tăng 2 con số mỗi năm.
Giới quân sự cho rằng, hải quân chắc chắn sẽ đóng vai trò quan trọng hơn so với trước đây và hoạt động trên Biển Đông sẽ có tác động đến việc tăng chi tiêu quân sự của Trung Quốc. Tờ Thời báo Hoàn Cầu kêu gọi Trung Quốc phải đẩy nhanh tốc độ trong việc phát triển khả năng tấn công chiến lược, trong đó có cả khả năng tấn công hạt nhân.
Còn tờ The Washington Times vừa trích dẫn một nguồn tin từ Chính phủ Mỹ cho biết, lực lượng tên lửa Trung Quốc chuẩn bị thay thế đầu đạn đơn của DF-5A, tên lửa sử dụng nhiên liệu lỏng và phóng từ bệ phóng cố định, bằng 3 đầu đạn mới có khả năng dẫn hướng đến các mục tiêu khác nhau - mang được nhiều đầu đạn dẫn hướng độc lập.