Kỳ 9: (tiếp theo)
6. Đẩy mạnh đấu tranh trên mặt trận thông tin, tuyên truyền
Trên mặt trận thông tin, tuyên truyền, đấu tranh dư luận, ta đã phát huy cơ chế phối hợp cung cấp thông tin, phát ngôn, tổ chức các cuộc họp báo quốc tế v.v… nhằm cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ cho báo chí, dư luận trong và ngoài nước về các diễn biến, vụ việc, chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta trên vấn đề Biển Đông, phản đối các hành động vi phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam. Các cơ quan báo chí và các cơ qua hữu quan Việt Nam tích cực đưa tin, bài, làm phim tư liệu, phóng sự v.v… khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phản đối những hoạt động vi phạm các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông; phản bác các thông tin, lập luận sai trái, vu cáo của Trung Quốc liên quan vấn đề Biển Đông. Lãnh đạo cấp cao trả lời báo chí nước ngoài về quan điểm của Việt Nam trên vấn đề Biển Đông tạo tiếng vang và hiệu ứng tốt trong dư luận quốc tế. Nhiều chuyên gia, học giả, nhà báo uy tín trong nước và nước ngoài có bài viết, bài phân tích tình hình thực tế ở Biển Đông, ủng hộ lập trường của Việt Nam đăng trên báo chí nước ngoài. Bên cạnh đó, ta cũng đã xuất bản nhiều ấn phẩm, tài liệu, đĩa phim về biển đảo (sách, đĩa DVD “Đường lưỡi bò-một yêu sách phi lý ở Biển Đông”, đĩa phim “Hoàng Sa-Trường Sa”, nơi ghi dấu hồn thiêng đất Việt” v.v…) phục vụ công tác đấu tranh, thông tin tuyên truyền đối nội và đối ngoại.
7. Bảo vệ và hỗ trợ ngư dân hoạt động trong vùng biển Việt Nam
Bên cạnh việc kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo và an ninh quốc gia trên biển, Đảng và Nhà nước luôn hết sức quan tâm đến việc bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản và hoạt động sản xuất bình thường của ngư dân ta trong vùng biển của Việt Nam. Chính phủ đã chỉ đạo các ngành hữu quan của ta triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, vừa để hỗ trợ ngư dân ta, vừa để bảo vệ hoạt động của ngư dân trong vùng biển Việt Nam. Khi có vấn đề phức tạp nảy sinh trên biển, ta đã kiên quyết đấu tranh với các bên liên quan để bảo vệ quyền lợi chính đáng của ngư dân ta.
Hiện nay, vẫn còn tình trạng ngư dân ta vi phạm vùng biển của các nước (In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Căm-pu-chia, Thái lan, Phi-líp-pin, Úc v.v…) khai thác hải sản trái phép và bị bắt giữ, xử lý. Đối với trường hợp tàu cá và ngư dân ta bị bắt giữ hoặc bị ngược đãi, Bộ Ngoại giao kịp thời triển khai các biện pháp bảo hộ ngư dân phù hợp, tiến hành giao thiệp ngoại giao, trao công hàm, cử ngay cán bộ ngoại giao đến gặp ngư dân nắm tình hình, đề nghị các bên đối xử nhân đạo đối với ngư dân ta v.v… Chỉ riêng Quý III/2014, Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã can thiệp, đấu tranh yêu cầu các nước trả tự do cho các ngư dân và tàu cá trên biển, đưa về nước khoảng 190 ngư dân; cử cán bộ đi thăm lãnh sự, yêu cầu các cơ quan chức năng nước sở tại đảm bảo các quyền và lợi ích chính đáng cho công dân ta. Cả năm 2014, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố liên quan bảo hộ 39 vụ/78 tàu/714 ngư dân bị các nước Đông Nam Á bắt giữ, xử lý; Quỹ bảo hộ công dân và pháp luật Việt Nam ở nước ngoài đã hỗ trợ việc mua vé phương tiện cho 390 ngư dân bị các nước trục xuất hoặc hết hạn tù về nước. Đáng chú ý, nổi bật lên 02 vụ việc: (i) sau khi Bộ Ngoại giao đề xuất, thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đề nghị, Thủ tướng Ma-lai-xi-a (tất cả các ngư dân này đã hồi hương về Việt Nam); và (ii) sau hàng loạt các biện pháp đấu tranh của Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán ta tại Bru-nây, ngày 07/7/2014, Bru-nây đã trả tự do cho tàu Qna 91946 cùng 38 ngư dân của tỉnh Quảng Nam bị giam giữ 1 tháng vì vi phạm vùng biển của nước này. Đối với phát biểu ngày 05/12/2014 của Tổng thống In-đô-nê-xi-a về việc “không cần bắt giữ, đánh chìm luôn” đối với các tàu cá nước ngoài vi phạm, ngày 08/12/2014, Bộ Ngoại giao đã mời đại diện Đại sứ quán In-đô-nê-xi-a lên làm việc, phản đối chính sách cứng rắn và cách làm vô nhân đạo này của In-đô-nê-a.
Đối với những trường hợp nước ngoài bắt giữ, xua đuổi, đập phá và tịch thu tài sản ngư dân ta bất hợp pháp, ta kiên quyết phản đối và đấu tranh dưới nhiều hình thức, ở nhiều cấp khác nhau, yêu cầu thả vô điều kiện tàu cá, ngư dân và chấm dứt hành động tương tự. Năm 2013, Bộ Ngoại Giao Việt Nam đã gửi 11 công hàm phản đối Trung Quốc bắt giữ trái phép, xua đuổi, uy hiếp, tịch thu tàu cá, tài sản của ngư dân ta tại khu vực quần đảo Hoàng Sa, yêu cầu phía Trung Quốc giải quyết ổn thỏa các vụ việc, đảm bảo lợi ích hợp pháp của ngư dân ta. Trong năm 2014, Bộ Ngoại giao đã gửi 08 công hàm phản đối, 05 lần mời đại diện Đại sứ quán Trung Quốc lên Bộ Ngoại giao giao thiệp phản đối, 03 lần Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao lên tiếng về các vụ việc liên quan đến tàu cá, ngư dân với tàu cá QNg 96697 cùng 13 ngư dân Việt Nam hoạt động tại khu vực đảo Phú Lâm (Hoàng Sa) bị tàu Trung Quốc khống chế, cho người lên tàu cá chặt cột cờ, đánh ngư dân bị thương, lấy tài sản; sau khi nhận được tin, Bộ Ngoại giao đã ngay lập tức tiến hành các biện pháp đấu tranh ngoại giao, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hành động gây nguy hiểm, khống chế tàu cá Việt Nam trong vùng biển Việt Nam, không đánh đập các ngư dân, có hình thức xử phạt đối với các nhân viên Trung Quốc và đền bù các thiệt hại mà lực lượng chức năng trên biển Trung Quốc đã gây ra cho ngư dân Việt Nam, đồng thời lên án mạnh mẽ hành động chặt cờ Việt Nam của lực lượng tuần tra Trung Quốc. Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao luôn phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc bảo vệ hoạt động nghề cá của ngư dân ta trên thực địa.
Chính phủ cũng chú trọng chính sách khuyến khích, hỗ trợ bà con ngư dân bám biển, đánh bắt hải sản xa bờ; tăng cường đầu tư nâng cao năng lực quản lý trên biển của các ngành chức năng để bảo vệ hoạt động đánh bắt cá của ngư dân ta trong vùng biển Việt Nam, kịp thời hỗ trợ ngư dân ta khi cần thiết; đồng thời, thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ đối với bà con ngư dân ta khi bị tai nạn trên biển và chỉ đạo Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thúc đẩy đàm phán với các nước liên quan về hợp tác song phương trong lĩnh vực nghề cá, cũng như xây dựng cơ chế xử lý vấn đề ngư dân bị nước ngoài bắt. Chúng ta đã thành lập lực lượng kiểm ngư với nhiệm vụ thực thi pháp luật trên biển, đồng hành cùng ngư dân vươn khơi xa bảo vệ chủ quyền biển đảo. Tháng 7 năm 2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định 67/2014/NĐ-CP về chính sách phát triển thủy sản nhằm tạo điều kiện thuận lợi để ngư dân ta tổ chức khai thác, đánh bắt xa bờ, phát triển sản xuất thủy sản hiệu quả, bền vững. Mặt khác, các Bộ, ngành ở Trung ương đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương tăng cường công tác giáo dục, phổ biến pháp luật để giúp ngư dân ta hiểu và tôn trọng pháp luật Việt Nam, luật pháp quốc tế, nhận biết và tôn trọng vùng biển của các nước láng giềng