Site banner

Hội nghị Tư lệnh Quốc phòng ASEAN bàn về Biển Đông

Hội nghị Không chính thức Tư lệnh Quốc phòng ASEAN 13 (ACDFIM-13) với chủ đề “Tăng cường hợp tác quốc phòng vì một cộng đồng ASEAN năng động”, vừa kết thúc thành công tại thủ đô Vientiane, Lào.

Tuyên bố chung của ACDFIM-13 do các trưởng đoàn ký kết đã đề cập đến nhiều vấn đề an ninh của khu vực, trong đó có việc cần thiết phải thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC, sớm hoàn thành xây dựng COC để duy trì môi trường hòa bình ở Biển Đông.

Đoàn đại biểu Việt Nam do Đại tướng Đỗ Bá Tỵ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam dẫn đầu, đã đóng góp tích cực vào thành công chung của Hội nghị.

Tư lệnh các nước ASEAN thể hiện tình đoàn kết. thống nhất trong vấn đề Biển Đông.

Hợp tác Quốc phòng ASEAN là cần thiết

Trung tướng Xuvone Luangbounmi, Tổng tham mưu trưởng QĐND Lào, Chủ tịch ACDFIM-13  trong phát biểu khai mạc Hội nghị, khẳng định ACDFIM-13 là sự kiện quan trọng bởi Hội nghị diễn ra ngay sau khi Cộng đồng ASEAN vừa chính thức được thành lập ngày 31/12/2015.

Trung tướng Luangbounmi nêu rõ, tình hình an ninh khu vực và quốc tế đang chuyển biến nhanh chóng, phức tạp và rất khó để dự đoán điều gì sẽ diễn ra. Điều này mang tới cả cơ hội lẫn thách thức. Chính vì vậy, hợp tác vì hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển là cấp thiết và phù hợp với nguyện vọng của người dân trong khu vực.

Các Trưởng đoàn cho rằng, sự phức tạp của các thách thức an ninh phi truyền thống như: thảm họa thiên tai, biến đổi khí hậu, tội phạm xuyên quốc gia, buôn bán người và ma túy, an ninh mạng, an ninh hàng hải, khủng bố… tiếp tục là những mối đe dọa đối với hòa bình, ổn định, an ninh và thịnh vượng của khu vực.

Để đối phó hiệu quả với các thách thức này, các trưởng đoàn khẳng định, cần tiếp tục thúc đẩy hợp tác quốc phòng giữa các quốc gia thành viên ASEAN trên nguyên tắc tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, quyết định dựa trên đồng thuận, tham gia trên cơ sở linh hoạt, tự nguyện và không ràng buộc.

Lần đầu tiên có tiếng nói chung về Biển Đông

Thiếu tướng Vũ Tiến Trọng-Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quân sự - Bộ Quốc phòng  Việt Nam cho rằng: Hội nghị không chính thức Tư lệnh quốc phòng ASEAN lần thứ 13 đã trao đổi tình hình một cách rất thẳng thắn, đánh giá khách quan về tình hình an ninh khu vực đặc biệt vấn đề nổi lên hiên nay như khủng bố trong khu vực, an ninh an toàn hàng hải ở Biển Đông.

Thiếu tướng Vũ Tiến Trọng nói: "Singapore đã nhấn mạnh Bộ Kju tức là bộ tránh va chạm ngẫu nhiên trên biển và tương lai sẽ ứng dụng cả trên bầu trời.

Các tư lệnh cũng thông qua một kế  hoạch hành động hai năm và nhấn mạnh các vấn đề an ninh phi truyền thống, tăng cường hợp tác giao lưu và diễn tập cứu hộ cứu nạn chống khủng bố rồi là bom mìn và tất cả các lĩnh vực gìn giữ hòa bình mà các bên cùng quan tâm.

Ngoài ra, các tư lệnh cũng đã ký một tuyên bố chung. Đây là lần đầu tiên giới quân sự của ASEAN đã đưa vấn đề Biển Đông với một lập trường chung trong tuyên bố chung đó là nhấn mạnh các bên phải cam kết thực hiện nghiêm DOC và hướng tới COC. Tôi cho rằng đây là cái quan điểm lập trường lần đầu tiên được giới quân sự của ASEAN thống nhất".

Tư lệnh các nước ASEAN ký tuyên bố chung.

Tại Hội nghị, đại diện Lực lượng quốc phòng các nước ASEAN cũng nhấn mạnh sự cần thiết về một môi trường hòa bình tại Biển Đông nhằm thúc đẩy hòa bình, sự ổn định, tăng trưởng kinh tế và thịnh vượng tại khu vực. Vì vậy, các bên cần phải thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm hoàn thành việc xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Trưởng đoàn Philippines, Trung tướng Romeo Tanago cho rằng, việc các quốc gia ASEAN có tiếng nói chung về vấn đề Biển Đông là hết sức cần thiết.

Việt Nam và những đóng góp tại ACDFIM

Phát biểu tại Hội nghị, Đại tướng Đỗ Bá Tỵ, Trưởng đoàn Việt  Nam cho rằng, tình hình an ninh khu vực thời gian tới, hòa bình vẫn là xu hướng chủ đạo, tuy nhiên, ASEAN đang phải đối mặt với với không ít thách thức. 

Thứ nhất, chủ nghĩa khủng bố, xung đột sắc tộc… tiếp tục có chiều hướng gia tăng.

Thứ hai, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông đang bị thách thức bởi những hành động không tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là việc thực hiện Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển  (UNCLOS) năm 1982, trực tiếp tác động tiêu cực đến cuộc sống mưu sinh của người dân và an ninh của khu vực.

Thứ ba, sự bất thường của thời tiết, biến đổi khí hậu dẫn đến thiên tai và thảm họa, ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống của người dân, sự ổn định và phát triển của những quốc gia bị ảnh hưởng.

Giải quyết các thách thức đó đã vượt ra ngoài khả năng của bất cứ một quốc gia đơn lẻ nào, đòi hỏi phải tăng cường hơn nữa sự hợp tác  của cả khu vực.

Đại tướng Đỗ Bá Tỵ cho rằng, cần tăng cường các hoạt động xây dựng lòng tin của các lực lượng quân sự hoạt động trên biển, trên không tại khu vực Biển Đông, trên cơ sở chuẩn mực quốc tế và các cam kết khu vực, đặc biệt là UNCLOS 1982 và DOC.

Trao đổi với giới báo chí sau cuộc họp báo kết thúc Hội nghị,  Thiếu tướng Vũ Tiến Trọng-Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quân sự - Bộ Quốc phòng  Việt Nam nhấn mạnh: "Việt Nam bao giờ cũng khẳng định là một thành viên tích cực của ASEAN.

Việt Nam tiếp tục tham gia với tất cả các sáng kiến của ASEAN với vai trò của một thành viên cũng như là dẫn dắt các sáng kiến của trước đây Việt Nam đề xuất, đặc biệt Việt Nam cũng nhấn mạnh về các vấn đề an ninh an toàn hàng hải ở Biển Đông và phải thượng tôn pháp luật và phải chấp hành nghiêm và tránh phá vỡ các nguyên trạng ở Biển Đông hiện nay để tránh  những đe dọa đến an ninh an toàn và phát triển ở trong khu vực. Phát biểu của đoàn Việt Nam được các đại biểu đánh giá cao. Trong tương lai Việt Nam và các quốc gia cũng hướng tới thực hiện Kju trên biển".

Trong phát biểu bế mạc ACDFIM-13, Trung tướng Luangbounmi, Tổng tham mưu trưởng QĐND Lào nhấn mạnh, tất cả các vấn đề được thảo luận tại hội nghị lần này có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác quốc phòng ASEAN nhằm đóng góp cho việc duy trì hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực.

Tại phiên bế mạc, Trung tướng Luangbounmi đã trao cờ biểu tượng của ADCFIM cho Trung tướng Romeo Tanago, chuyển giao chức Chủ tịch ACDFIM-14 cho Philippines.

Tư lệnh các nước ASEAN đánh giá cao đóng góp của nước chủ nhà Lào vào Hội nghị lần này, bởi Lào là một quốc gia không có biển nhưng đã chủ trì một hội nghị rất thành công. Trong đó vấn đề Biển Đông đã được đề cập tới và đã được đề xuất trong tuyên bố chung.

Các bên cho rằng, đây là lần đầu tiên trong lịch sử giới quân sự của ASEAN đã có một lập trường chung về vấn đề Biển Đông. Đây là nét mới nhất của Hội nghị không chính thức Tư lệnh Quốc phòng các nước ASEAN.

Nguồn Vietnam.vn