Chuyến thăm đến quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 diễn ra từ ngày 18 đến 28/4. Hoạt động do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao, phối hợp với Bộ tư lệnh Hải quân tổ chức.
"Trước đây khi nhìn những chấm nhỏ trên bản đồ là các đảo ở Trường Sa, tôi thường lấy tay sờ lên, không ngờ có ngày được đặt chân đến, nước mắt chực trào ra", bà Lê Ánh Tuyết, một người sống ở bang Georgia, Hoa Kỳ. chia sẻ.
Vợ chồng bà Lê Ánh Tuyết và ông Lê Văn Minh tại đảo Đá Lớn C trong chuyến thăm giữa tháng trước. Ảnh: Việt Anh
Cách đây hơn 30 năm, sau khi rời TP HCM đi học và sống ở một số nước, bà Tuyết, 67 tuổi, đã cùng gia đình định cư ở Mỹ. Lần đầu tiên đến thăm Trường Sa trong tháng 4 vừa qua, bà được chồng là ông Lê Văn Minh đi theo "tháp tùng". Ông Minh tiết lộ gia đình tặng 12 máy lọc nước và các phần quà khác cho các chiến sĩ ở các đảo và điểm đảo, trị giá gần 90 triệu đồng.
Theo bà Tuyết, mặc dù sống ở khu vực có đến vài chục nghìn người gốc Việt, nhưng hai ông bà không tham gia hội nhóm nào. Bà cùng chồng chỉ tập trung làm ăn kinh doanh và thường xuyên trò chuyện để hai con trai không quên mình là người Việt.
"Những lúc rảnh rỗi tôi hay nói chuyện về quê hương cho các con nghe, về việc làm sao đất nước bị mất một số đảo ở Biển Đông, thậm chí khi chúng nói về những thay đổi trên thế giới, tôi cũng cố "lôi kéo" để liên hệ với Việt Nam", bà Tuyết nói với VnExpress.
Hơn thế, bà Tuyết còn thường xuyên thu thập các thông tin về Trường Sa và Hoàng Sa từ các nguồn trong nước, nhất là các cơ sở pháp lý, để cung cấp cho các con mình. Bà muốn các con khi gặp gỡ bạn bè, đồng nghiệp là người Mỹ, người nước ngoài, sẽ thay những những thế hệ lớn tuổi, có thể tranh luận về chủ quyền của Việt Nam.
Cũng mang theo tâm trạng bồi hồi khi đến thăm Trường Sa lần này, anh Hiệu Minh, một blogger có tiếng ở Washington DC, khi phát biểu tại đá Cô Lin, cho biết trước đây khi là người phụ trách IT khu vực Đông Nam Á của Ngân hàng thế giới (WB), anh thường xuyên đi công tác và bay qua Biển Đông mỗi năm vài lần trong suốt 11 năm, kể từ 2004.
Lần nào đi qua Trường Sa và Hoàng Sa, anh Minh cũng nhìn lên bản đồ hành trình của chuyến bay, trong lòng đầy băn khoăn về cuộc sống dưới đó và mơ một ngày được đặt chân lên một hòn đảo. May mắn thay chuyến đi giữa tháng 4 vừa qua đã giúp anh được tận mắt trông thấy hơn 10 đảo và điểm đảo thuộc chủ quyền của Tổ quốc, trò chuyện với các chiến sĩ và người dân ở đây.
Anh Minh cho biết, cộng đồng người Việt ở Washington DC, khoảng 110.000 người, có mối quan tâm rất lớn đến hai quần đảo này. Mọi người từng xuống đường biểu tình phản đối khi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam hồi giữa năm 2014.
Tuy nhiên, có khá nhiều người bức xúc, cho rằng chính quyền trong nước đã làm mất nhiều đảo. Vì vậy, anh Minh hy vọng sau chuyến đi, với việc đăng tải các tư liệu thu thập được trên trang cá nhân của mình, anh sẽ giúp mọi người hiểu hơn về cuộc sống nơi đảo xa, những gian nan mà các chiến sĩ đang đối mặt ngày đêm để giữ vững chủ quyền.
Chia sẻ về hai con mình, anh Minh thừa nhận chúng không quan tâm nhiều đến Biển Đông, một phần vì thế hệ trẻ ở Mỹ được giáo dục trong môi trường mang tính toàn cầu. Để "đối mặt" với điều này, mỗi khi cộng đồng có biểu tình phản đối các hoạt động phi pháp ở Trường Sa và Hoàng Sa, anh và các bậc cha mẹ khác lại rủ các con đi cùng.
Anh cũng cho rằng các ông bà, bố mẹ trong gia đình Việt cần đọc thêm các tư liệu, hiểu rõ hơn chủ quyền của Việt Nam và diễn biến trên thực địa để trao đổi với con. Nếu có điều kiện, các cháu cũng cần được về thăm Việt Nam nhiều hơn, thậm chí là đến thăm Trường Sa.
"Tôi cho rằng thế hệ sinh ra ở Mỹ có vai trò rất quan trọng trong tương lai, khi các bậc ông bà, cha mẹ mất đi, cộng đồng sẽ dần không còn những quan điểm trái chiều nữa. Nếu các thanh niên dành tình yêu cho đất nước, được trang bị kiến thức toàn cầu hóa, các cháu sẽ góp phần không nhỏ trong việc gìn giữ biển đảo của quê hương", anh Minh nói.
Với bà Trương Kim Anh, 66 tuổi, sống tại bang Texas, chuyến thăm quần đảo lần này giúp bà "hóa giải" được những mối nghi ngờ của bản thân bấy lâu nay về tình hình trên biển.
Từng là một người làm việc cho Bộ Ngoại giao Mỹ, cố vấn về châu Á cho Bộ Tư pháp nước này, bà Kim Anh luôn đặt ra nhiều câu hỏi "hóc búa" với các sĩ quan Hải quân. Và những gì bà nhận lại, đặc biệt là từ Chuẩn Đô đốc Đỗ Minh Thái, Phó tham mưu trưởng quân chủng Hải quân, đều khiến bà cảm thấy hài lòng.
Khi được hỏi về mức độ thông tin biển và đảo trong cộng đồng người Việt đang sống ở Texas, bà Kim Anh cho hay những người lớn tuổi rất quan tâm, người trung tuổi có thể có, nhưng thế hệ sinh ra và lớn lên ở Mỹ thì rất ít. Hai con bà, một trai một gái, cũng nằm trong số không biết nhiều về Trường Sa và Hoàng Sa.
"Điều đó khiến tôi cảm thấy mình chưa làm tròn bổn phận", bà Kim Anh chia sẻ.
Theo bà, để vấn đề Biển Đông được "khuếch trương" ở Mỹ, người Việt nên có các hoạt động chung, tiếp cận các dân biểu của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa. Từ đó họ có thể đưa ra tiếng nói ở Quốc hội Mỹ, góp phần tạo nên chính sách cứng rắn hơn của Washington với các hoạt động phi pháp ở khu vực này.
"Tuy hai con tôi, hiện là lập trình viên máy tính, không thể có được tình yêu đất nước lớn như cha mẹ, nhưng tôi tin rằng những cuộc tâm tình trong gia đình sẽ dần dần truyền lại tình cảm đó cho chúng", bà Tuyết nói.