Tuyên bố chung tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN lần thứ 10 (ADMM 10) tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hoà bình, ổn định và tự do hàng hải, hàng không tại Biển Đông.
Chủ tịch Hội nghị trao Tuyên bố chung cho Tổng Thư ký Lê Lương Minh tại buổi lễ. (Ảnh: Nguyễn Chiến/TTXVN)
Chiều 25/5, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN lần thứ 10 (ADMM 10) đã thành công tốt đẹp. Ngay sau khi kết thúc hội nghị, các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN thực hiện việc ký kết Tuyên bố chung ADMM 10. Dự lễ ký kết có Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh.
Tuyên bố chung tại ADMM 10 tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hoà bình, ổn định cũng như duy trì tự do hàng hải, hàng không tại Biển Đông theo các nguyên tắc đã được luật pháp quốc tế công nhận, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.
Tuyên bố nhấn mạnh cam kết của tất cả các bên trong việc thực thi đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), nguyên tắc 6 điểm của ASEAN trên Biển Đông và Tuyên bố chung tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN-Trung Quốc lần thứ 15 nhân kỷ niệm 10 năm DOC và tái khẳng định tầm quan trọng của việc tập trung hướng tới sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Văn kiện bày tỏ quan ngại trước tần suất, quy mô và sự phức tạp của các mối đe dọa phi truyền thống và tái khẳng định sự cần thiết, cam kết và trách nhiệm tập thể của ADMM trong việc đối phó với những thách thức này để thúc đẩy hòa bình, an ninh và thịnh vượng trong khu vực.
Tuyên bố chung cũng tái khẳng định vai trò và vị trí trung tâm của ASEAN là động lực chính trong hợp tác quốc phòng và an ninh với các nước đối tác trong một cấu trúc mở, minh bạch và dung nạp; kiên trì theo đuổi các cam kết về mục đích và nguyên tắc của Hiến chương ASEAN nhằm phục vụ vì mục tiêu của người dân các quốc gia thành viên ASEAN và nhằm bảo đảm người dân được sống trong hòa bình theo đúng tôn chỉ của ASEAN “Một Tầm nhìn, Một Bản sắc, Một Cộng đồng Quan tâm và Chia sẻ.”
Tuyên bố cũng thể hiện đánh giá cao của các Bộ trưởng trong việc ASEAN chính thức thành lập Cộng đồng ASEAN vào ngày 31/12/2015 bao gồm Cộng đồng Chính trị- An ninh ASEAN (APSC), Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN (ASCC), là thành quả của năm thập kỷ nỗ lực xây dựng Cộng đồng kể từ khi ký Tuyên bố Bangkok năm 1967.
Tuyên bố thừa nhận Hội nghị ADMM dấu mốc quan trọng lần đầu tiên tại Kuala Lumpur năm 2006 đã đặt nền móng quan trọng cho các cơ chế hợp tác quốc phòng giữa các quốc gia thành viên ASEAN và được khích lệ bởi thành tựu 10 năm của ADMM trong việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng trong khu vực; nhận thức được tầm quan trọng của những thành tựu và tiến triển trong hợp tác quốc phòng và quân sự đã dẫn tới việc thiết lập nhiều cơ chế hợp tác quan trọng khác, đó là hợp tác giữa các thực thể quốc phòng ASEAN và các tổ chức xã hội dân sự (CSOs) về an ninh phi truyền thống; sử dụng các tài sản và khả năng quân sự trong hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa (HADR), Mạng lưới Trung tâm gìn giữ hòa bình ASEAN (APCN), Hợp tác Công nghiệp quốc phòng ASEAN (ADIC), Khuôn khổ hỗ trợ hậu cần ADMM (ALSF), Chương trình giao lưu Quốc phòng ASEAN, Đường dây liên lạc trực tiếp Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (DCL), Nhóm thường trực quân sự ASEAN và Trung tâm Quân y ASEAN (ACMM).
Tuyên bố cũng hoan nghênh kết quả quan trọng của ADMM 10 tổ chức tại Vientiane, Lào với chủ đề “Thúc đẩy hợp tác quốc phòng vì một cộng đồng ASEAN năng động” nhằm củng cố một cộng đồng đoàn kết, bền vững và thịnh vượng; đồng thời hoan nghênh những hoạt động có ý nghĩa được tổ chức để kỷ niệm 10 năm ngày thành lập ADMM.
Tuyên bố hoan nghênh Philippines đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN, chủ tịch ADMM 11 và ADMM+ lần thứ 4 vào năm 2017.