Site banner

Đường lưỡi bò - Một yêu sách phi lý - Kỳ 14

Kỳ 14: Sự thật của “Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông”

Sau những năm 70, tranh chấp trên Biển Đông trở nên gay gắt và trầm trọng hơn bởi lẽ người ta cho rằng vùng biển này có rất nhiều nguồn năng lượng dầu mỏ. Những giả thiết này một phần đã trở thành hiện thực kể từ những phát hiện đầu tiên được Mobil Oil thực hiện trên thềm lục địa của Việt nam vào tháng Hai năm 1975. Kể từ đó trở đi, các hoạt động thăm dò – khai thác diễn ra rầm rộ, càng khẳng định chắc chắn những giả thiết ban đầu. Sau những biến cố quân sự khiến Việt Nam, kể từ năm 1974, phải rút lui trên toàn vùng biển và Phi-líp-pin phải chấp nhận sự có mặt của Trung Quốc trên Kalayaan, Bắc Kinh đã quyết định, kể từ tháng 7 năm 1992, xoa dịu tranh chấp.

Sau đó, thông qua Tuyên bố đơn phương về Biển Đông, Bắc Kinh đưa ra ý tưởng đề nghị các nước ASEAN giữ nguyên trạng bằng cách xây dựng một bộ luật “ứng xử cần tuân theo”. Khẩu hiệu mà Trung Quốc giương cao nhằm thúc đẩy ý tưởng của họ đó là các nước trong khu vực phải từ bỏ những tham vọng chủ quyền của mình và tránh những hành động có thể gây mất ổn định và làm phức tạp tình hình. Lo lắng trước việc Trung Quốc tăng cường sức mạnh quân sự, đặc biệt là hải quân và không quân, các nước ASEAN hoan nghênh đề nghị này và chấp nhận đàm phán theo hướng đó. Các cuộc đàm phán dẫn đến việc ký kết chung “Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông” vào ngày 04 tháng 11 năm 2002, tại Phôm Pênh. Cần lưu ý rằng văn bản này có tên gọi là “Tuyên bố”. Ngoài ra, mong muốn xây dựng một bộ luật ứng xử theo nghĩa hẹp cũng được nêu rõ ở cuối Tuyên bố ứng xử, đoạn 10. Tuyên bố liệt kê một loạt mục tiêu mà các nước liên quan cam kết tôn trọng thực hiện. Trong chừng mực nào đó, đây là một bản tuyên bố thuần túy về những nguyên tắc và cam kết đạo đức mà trên thực tế tùy mỗi bên diễn giải theo cách của mình. Hơn nữa, trong khuôn khổ tuyên bố này, các bên không tính đến việc nhờ cậy một cơ quan tài phán nào đó trong trường hợp bên này hoặc bên kia tố cáo có sự sai phạm. Tóm lại, một tuyên bố như vậy dường như thiếu tính bắt buộc. Chính tính không bắt buộc này dường như đã được Trung Quốc tận dụng, vào ngày 10 tháng 4 năm 2007, khi họ phản đối kịch liệt việc Việt Nam cho phép Tập đoàn đa quốc gia BP-Conoco Phillips-Petro Vietnam khai thác vùng có khí đốt Mộc Tinh và Hải Thạch, ở cực Tây Nam quần đảo Trường Sa, trên thềm lục địa của Việt Nam. Và theo hướng đó, hiện nay Bắc Kinh đang phản đối, từ đầu năm 2008, dự thảo thỏa thuận giữa Petro Vietnam và Exxon Mobil Oil về thăm dò và khai thác các vùng ngoài khơi bờ biển của Việt Nam.

Tranh chấp và khai thác tài nguyên biển

Nếu căng thẳng còn tồn tại, đó là vì dường như không bên nào thực sự sẵn sàng chấp nhận nhượng bộ về chủ quyền trên những vùng biển mà họ nhận là của mình. Tất cả các bên đều ý thức rằng chừng nào không tìm được giải pháp, dù là một phần, cho vấn đề Biển Đông, sẽ không thể hoặc khó khai thác nguồn tài nguyên nằm trong giới hạn vùng biển tranh chấp này. Và điều này không chỉ liên quan đến khí đốt, nguồn tài nguyên dồi dào và quan trọng nhất trong khu vực, mà còn ảnh hưởng đến cả nguồn tài nguyên cá, mặc dù không như khí đốt, cá di cư không phân biệt giới hạn lãnh thổ. Điều này đặt ra những vấn đề khác, liên quan đến hoạt động đánh bắt, những vấn đề mà Công ước Luật Biển mới giải quyết được một phần.

Về khoáng vật phốt phát, nguồn tài nguyên này được khai thác trong thời kỳ giữa hai thế chiến, bởi lẽ trong thời gian đó, trên các đảo có rất nhiều mỏ phân chim. Tuy nhiên, hiện nay, khoáng vật này dường như không còn mấy giá trị. Và việc khai thác phốt phát không thực sự trở thành tâm điểm tranh chấp. Những hạt đa kim loại được tìm thấy ở độ sâu nhất định của vùng biển này cũng cùng chung số phận. Tuy nhiên, trong tương lai, nếu được khai thác, loại khoáng sản này cũng còn rất ít vì những số liệu thống kê cho thấy điều đó. Vì thế giá trị lợi nhuận tiềm năng khi khai thác những nguồn tài nguyên này không rõ ràng.

Cuối cùng, mặc dù các bên đã gia nhập Công ước Luật Biển, nhưng vấn đề về tự do đi lại buôn bán thương mại và quân sự trong tương lai vẫn nên được đặt ra, ít nhất là trên một phần vùng biển này, bởi lẽ, đối với những gì dính dáng đến mình, Trung Quốc không công nhận quyền đi lại vô hại trên lãnh hải của họ.

Kỳ 14: Sự thật về điều hoang tưởng liên quan đến “đường lưỡi bò”

Vấn đề đặt ra đối với Trung Quốc trong bối cảnh hiện nay là phải biết cách làm cho những yêu sách ẩn chứa sau đường chín đoạn phù hợp với việc nước này tham gia Công ước Luật Biển với những đường ranh giới của các vùng đặc quyền và thềm lục địa.

Những cuộc thảo luận diễn ra tại Việt Nam và Trung Quốc cho thấy Chính quyền Trung Quốc chưa bao giờ đề cập một cách chính thức đến “đường lưỡi bò” như một ranh giới bất khả xâm phạm đối với chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông. Đây là một trong những yếu tố cơ bản đầu tiên cần được nhấn mạnh. Đúng là việc duy trì biểu thị “đường chín đoạn” trên các bản đồ do Bắc Kinh xuất bản gây ra tình trạng mập mờ về thực chất của những yêu sách của Trung Quốc, một tình trạng kéo dài xuất phát từ thực tế là hầu hết người dân Trung Quốc đều cho rằng đây đơn giản là sự khẳng định đối với “việc đã rồi” và vì thế không có gì phải bàn đi cãi lại.

“Đường lưỡi bò” xuất hiện lần đầu tiên vào khoảng năm 1947, trong một tập bản đồ tư nhân, chứ không phải do Nhà nước xuất bản, dưới dạng một đường nét liền, được vẽ bằng tay. Cần phải có những nghiên cứu cụ thể hơn để xác định được nguồn gốc chính xác của đường này. Trên thực tế, có vẻ như không tồn tại bất kỳ tọa độ nào của các điểm có thể xác định đường chín đoạn đó.

Sau khi xuất hiện, đường nét liền vẽ bằng tay thay đổi thành đường đứt khúc 11 đoạn, rồi thành đường chín đoạn kể từ năm 1950 tức là sau khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời. Ba giai đoạn như vậy tạo thành một yếu tố quan trọng cần được lưu ý nhằm phục vụ cho những tranh cãi về sau. Những tấm bản đồ về Biển Đông và “đường chín đoạn” được xuất bản tại thời điểm khác nhau mà chúng ta có thể tìm thấy đều ra đời sau năm 1950. Quả thật, trên những tấm bản đồ ấy, có ghi, hoặc bằng chữ Hán đơn giản, chứ không phải bằng chữ Hán cổ mà những người Hoa theo chủ nghĩa dân tộc vẫn sử dụng, hoặc bằng chữ Latinh được viết theo cách phiên âm, dạng viết được Nhà nước Trung Hoa Nhân dân chấp nhận, khác với hệ thống phiên âm mà Trung Hoa dân quốc đã sử dụng trước đó. Trong những điều kiện như vậy, có thể hiểu rằng “đường lưỡi bò” không phải là sự thể hiện chính thức ý chí thực hiện chủ quyền của Trung Quốc, sau đó mới là của các quốc gia khác, đối với những vùng đất nổi, và đôi khi cả những vùng đất chìm như trường hợp của bãi Macclesfield. Nếu đây chính là giới hạn mà Trung Quốc vạch ra cho “sân chơi” của mình.

Nếu phân tích kỹ thì có thể thấy được nhiều chi tiết. Thứ nhất, đó là những đường cơ sở thẳng mà Trung Quốc xác định xung quanh quần đảo Hoàng Sa. Phải nói rằng Trung Quốc diễn giải một cách quá lạm dụng Phần IV của Công ước Luật Biển khi gán cho Hoàng Sa quy chế “quốc gia quần đảo”. Trên thực tế, Hoàng Sa không thể có quy chế này vì không thỏa mãn các tiêu chuẩn được quy định tại Điều 46 của Công ước Luật Biển, mà theo đó, để có quy chế “Quốc gia quần đảo” thì lãnh thổ đó phải độc lập, chỉ bao gồm các hòn đảo và hoàn toàn không có mối liên hệ với lục địa. Kể cả khi Hoàng Sa thỏa mãn hai tiêu chuẩn cuối thì nó cũng không thỏa mãn tiêu chuẩn đầu tiên, tiêu chuẩn về sự độc lập, vì đang là đối tượng tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam và Trung Quốc. Về logic tổng thể, cần áp dụng quy chế của các đảo đối với Hoàng Sa, tùy thuộc vào việc tại đây con người có thể sinh sống hay không như quy định trong phần VIII của Công ước Luật Biển.

Ngoài ra, chúng ta thấy rằng các đường cơ sở thẳng được áp dụng đối với Hoàng Sa không trùng với “đường lưỡi bò” và ngược lại. Nếu Trung Quốc không muốn mâu thuẫn với chính mình, thì nhẽ ra họ không nên đặt ra những đường cơ sở thẳng xung quanh Hoàng Sa. Khi câu hỏi về mâu thuẫn này được đặt ra, người ta chỉ có được những câu trả lời mập mờ thay cho những lời giải thích có tính thuyết phục.

Chi tiết thứ hai, đó là việc Trung Quốc đưa ra định nghĩa về lãnh hải của họ trong Luật ban hành ngày 25 tháng 02 năm 1992. Trong luật này, Biển Đông không được nêu như là “biển lãnh thổ”. Chỉ có các quần đảo – một trong những bộ phận cấu thành của Biển Đông – được nêu một cách dứt khoát là lãnh thổ quốc gia của Trung Quốc. Như vậy, các khu đặc quyền kinh tế của Trung Quốc cũng cần được xác định trên cơ sở luật này.

Chi tiết thứ ba nảy sinh từ những phát biểu kỳ quặc của vị đại diện của một trong những viện nghiên cứu của Trung Quốc, theo đó, “đường lưỡi bò” không phải do thể chế cộng sản tạo ra mà là sự kế thừa của thể chế dân tộc chủ nghĩa trước đây. Chúng ta có thể hiểu: Việc “đường lưỡi bò” tồn tại như bây giờ không phải là lỗi của Chính quyền Bắc Kinh. Nói một cách nghiêm túc hơn, dù diễn đạt khó hiểu đi chăng nữa thì vị quan chức này cũng cho thấy rằng điều mà Trung Quốc đòi hỏi trước tiên là các bên tranh chấp phải công nhận rằng hiện đang có tranh chấp tổng thể và quan trọng hơn là họ công nhận rằng hiện đang tồn tại những khu vực tranh chấp và thực sự đang tồn tại tranh chấp đối với những vùng nêu trên. Điều đó có nghĩa là:

  • Trung Quốc muốn Việt Nam công nhận rằng không có tranh chấp đối với Hoàng Sa – điều mà Hà Nội không chịu. Điều mà Trung Quốc muốn đạt được ở đây là hai nước chấp nhận thực trạng được áp đặt bằng quân sự giữa hai nước chấp nhận thực trạng được áp đặt bằng quân sự giữa hai nước trong những năm từ 1947 đến 1974 và rằng vấn đề Hoàng Sa từ nay trở đi vĩnh viễn là đề đã được giải quyết, theo hướng có lợi cho Trung Quốc. Trung Quốc không định tiến hành bất kỳ một cuộc đàm phán nào về vấn đề này. Họ đã tuyên bố rõ ràng như vậy. Nếu Việt Nam có những tư liệu đích thực có giá trị pháp lý để chứng minh rằng các vị hoàng đế An Nam thực sự đã thực thi chủ quyền của họ trên những hòn đảo này vào thời kỳ tiền thực dân, chủ quyền này sau đó được thực dân Pháp đảm nhiệm thực thi, thì lý lẽ của Trung Quốc về chủ quyền đối với những hòn đảo này sẽ yếu hơn nhiều so với lý lẽ của Việt Nam, cả khi Trung Quốc cho rằng họ thực thi chủ quyền trên Biển Đông từ thời nhà Tống (960-1279). Ít nhất đó cũng là điều mà trẻ em Trung Quốc học từ sách lịch sử của chúng. Vấn đề cung cấp thêm những bằng chứng đáng tin cậy (chứ không phải cứ to mồm kêu la “đã từ lâu các ngư dân Trung Quốc thường xuyên đến vùng biển này”) là điểm quan trọng hiện nay và đây đúng ra phải là nhân tố cho phép xác định chủ quyền thực tế đối với Hoàng Sa;
  • Trung Quốc lẩn tránh việc thảo luận thực tại của vấn đề chủ quyền đối với bãi Macclesfield, khu vực đang là “vấn đề đặc biệt” như đánh giá của một trong các chuyên gia của Trung Quốc về luật biển. Trên thực tế, dù không đáp ứng bất kỳ tiêu chuẩn nào của Công ước Luật Biển về mặt thực tại lãnh thổ trong trường hợp như thế này vì Công ước chỉ chế định những bãi nổi hay những mỏm đá ngầm nhìn thấy được (trong Điều 6 của Công ước có định nghĩa các bãi đá ngầm ngang mặt trước mặc dù định nghĩa này còn chưa rõ ràng), việc khẳng định chủ quyền đối với khu vực này là điều khó đối với mọi quốc gia. Vậy mà, những bãi đá ngầm ngang mặt nước này, vốn nằm ở vị trí quan trọng, cách xa về phía Nam eo biển Đài Loan, lại là một mối nguy hiểm thực sự đối việc đi lại của tàu thuyền tránh. Điều này muốn nói lên rằng dù là chính quyền nào đi chăng nữa thì cũng phải có trách nhiệm cảnh báo và đảm bảo an toàn hàng hải ở những vùng phụ cận của bãi này. Tuy nhiên, điều này không bao hàm các quyền chủ quyền xung quanh các bãi này.
  • Trung Quốc có thể sẽ tỏ ra sẵn sàng thảo luận về Trường Sa để phục vụ chiến lược lừa dối, để thế giới tưởng rằng Trung Quốc có khả năng nhân nhượng hoặc vì Trung Quốc không có đủ các nhân tố khẳng định chủ quyền chắc chắn đối với quần đảo này. Cách diễn giải này càng có cơ sở hơn khi Viện Nghiên cứu Biển Đông của Trung Quốc (Zhongguo Nanhai Yahjiuyuan) đặt tại Hải Khẩu, thủ phủ của tỉnh đảo Hải Nam, rất có uy tín đối với Chính quyền Trung ương Trung Quốc, có một bộ phận chuyên nghiên cứu về Trường Sa, trong khi về các quần đảo khác thì không có bộ phận nghiên cứu chuyên trách.

Một điều hoang tưởng khó dẹp bỏ

Điều đó nói lên rằng “đường đứt khúc chín đoạn” vẫn chưa thể biến mất khỏi các bản đồ Trung Quốc hiện nay. Thực ra, các chuyên gia về luật biển của Trung Quốc vẫn chưa thành công trong việc thuyết phục người dân Trung Quốc, đặc biệt là dư luận xã hội, về việc cần phải làm cho những yêu sách về chủ quyền của Trung Quốc phù hợp với cá điều khoản của Luật Biển để những yêu sách này trở nên đáng được tin cậy. Sự nổi lên của “tư tưởng trọng pháp” này là công của Zhai Lihai, người được bổ nhiệm làm Thẩm phán tòa quốc tế về Luật Biển tại Hamburg vào tháng 8 năm 1996 nhưng đã từ trần vào tháng 10 năm 2000 khi chưa kết thúc nhiệm kỳ của mình. Trào lưu này được một số nhà chức trách dân sự và quân sự Trung Quốc ủng hộ nhưng tất cả các viện nghiên cứu vẫn chưa, và còn lâu, mới đồng tình. Tuy nhiên chúng ta cũng cần nêu việc trước đó, bản thân Giáo sư Zhao Lihai đã kiên trì bảo vệ trong một thời gian dài thuyết theo đó toàn bộ vùng biển được xác định bởi “đường lưỡi bò” hoàn toàn thuộc về Trung Quốc. Trường phái “trọng pháp” này hiện đang phải đối mặt với hai trường phái truyền thống.

Trường phái thứ nhất khẳng định rằng Biển Nam Trung Hoa là lãnh hải Trung Quốc. Để bảo vệ quan điểm này, những người thuộc trường phái này lập luận rằng “đường lưỡi bò” đã tồn tại trước khi Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển ra đời và đây là một di sản của lịch sử. Điều này cũng như là quan điểm của những người bảo vệ trường phái thứ hai cho rằng quy chế Biển Nam Trung Hoa là quy chế vùng biển lịch sử như các sách giáo khoa lịch sử vẫn dạy, tuy nhiên điều này chưa được kiểm chứng. Giả thiết đơn giản có thể là: Để tránh làm dấy nên những ngờ vực dân tộc chủ nghĩa, Điều 14 Luật về Vùng đặc quyền kinh tế Trung Quốc đã được ban hành, tuy nhiên điều khoản này cũng không rõ ràng hơn. Chúng ta nhớ lại rằng Điều 14 nêu “các điều khoản của luật này không làm ảnh hưởng tới chủ quyền lịch sử của Trung Hoa dân quốc”. Điều này có thể được hiểu là tùy theo hoàn cảnh, Điều 14 có thể có giá trị hơn 13 điều đã tồn tại trước đó. Đó chính là một cách khác tạo ra sự mập mờ thiếu rõ ràng và tạo ra nhiều cách diễn giải khác nhau.

Hậu quả của việc diễn giải khác nhau giữa các quốc gia về Luật Biển

Trong vấn đề phát triển kinh tế ở khu vực vành đai Biển Nam Trung Hoa, có khả năng chúng ta sẽ chứng kiến những sự khác biệt trong quan niệm về việc xác định các vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Việt Nam, trong mọi tình huống, luôn kiên định với khái niệm thềm lục địa, nhất là ở khu vực phía Nam Trường Sa. Đó là quan điểm thường trực và luôn cứng rắn của các cơ quan Việt Nam.

Quan điểm này được Chính phủ Việt Nam đưa ra khi Trung Quốc cho phép Công ty Crestone của Mỹ thăm dò – khai thác dầu ở phần cực Tây Nam của Trường Sa, trên dải Vanguard (Wan Anbei theo tiếng Trung Quốc, Tư Chính theo tiếng Việt). Điều nghịch lý là Hà Nội đã không phản đối việc Bắc Kinh lấn chiếm Trường Sa mà phản đối việc lấn phần thềm lục địa Việt Nam. Hà Nội đã đưa ra lập luận theo đó dải Vangard được ngăn cách với phần còn lại của Trường Sa bởi một hố sâu (ở phía Đông) đánh dấu sự sụt xuống của thềm lục địa Việt Nam.

Nếu ở thời kỳ đó, cuộc tranh luận đã lên tới cực điểm khi Trung Quốc biển dương lực lượng hải quân của mình để đe dọa Việt Nam, tuy nhiên, họ vẫn không muốn kích động tình hình bởi lẽ hợp đồng với Crestone cho tới nay vẫn không có bước tiến cụ thể nào.

Về phía Phi-líp-pin, Trung Quốc cũng tranh cãi với Manila về khái niệm quần đảo Trung Sa (Zhongsa Qundao), chủ quyền đối với bãi đá ngầm Scaborough. Điều này hoàn toàn không giống với trường hợp của Việt Nam. Đó là lý do tại sao theo thông tin chính thức từ Hà Nội, ngày 14 tháng 3 năm 2005, Công ty Petro Vietnam chấp nhận tham gia chương trình thăm dò địa chấn được xây dựng từ ngày 01 tháng 9 năm 2004 giữa Công ty Trung Quốc CNOOC và Công ty Phi-líp-pin PNOC nhằm triển khai ba chiến dịch đo đạc chung. Tuy vậy, ba chiến dịch này trên thực tế được triển khai trong một khu vực chớm một phần lên phía Bắc Kalayaan, tức là trên một phần lãnh thổ mà Hà Nội cũng đang có yêu sách. Thực tế đằng sau đó, Việt Nam nhận thấy rằng nếu họ để cho Trung Quốc và Phi-líp-pin thực thi một thỏa thuận song phương mà hông tham gia vào đó, họ có nguy cơ ngầm tự loại mình ra khỏi cuộc đấu tranh đòi một phần lãnh thổ mà họ cho là của mình, cũng đồng thời tự loại mình khỏi việc tiếp cận với những dữ liệu có thể thu được từ những cuộc thăm dò đó.

Giả thiết cực đoan về tự do hàng hải

Trong số những giả thiết cực đoan theo đó cộng đồng quốc tế một ngày nào đó chấp nhận khái niệm quần đảo Trung Sa của Trung Quốc (Zhongsa Qundao), tức là bao gồm cả bãi Truro và Scaborough, điều này sẽ cho phép Bắc xác định những đường cơ sở thẳng chung quanh như họ đã làm với Hoàng Sa. Như thế, sẽ xuất hiện những hạn chế nghiêm trọng đối với quyền tự do hàng hải đối với tất cả các tàu thuyền không mang quốc tịch Trung Quốc trong khu vực, đặc biệt là các tàu quân sự. Thực vậy, qua quan sát bản đồ như cách mà Trung Quốc xác định các vùng lãnh thổ thuộc chủ quyền của mình, Trung Quốc dường như muốn giành quyền kiểm soát đối với toàn bộ tuyến giao thông hàng hải giữa phía Nam và phía Bắc trên Biển Nam Trung Hoa. Điều này có lẽ sẽ áp dụng cả với các tàu thương mại, dù hiện nay các tàu không gặp bất cứ sự hạn chế nào trong việc đi qua vùng lãnh hải Trung Quốc.

Nhưng đối với các tàu chiến thì không như vậy. Thực vậy, đi ngược lại với các quy định của luật biển về vấn đề này, Trung Quốc không công nhận quyền qua lại vô hại đối với những tàu chiến trong vùng lãnh hải của mình. Do đó, để có thể đi qua vùng lãnh hải của Trung Quốc, các tàu chiến đều phải được phép của Bắc Kinh. Điều này có nghĩa là một tàu chiến nước ngoài quá cảnh qua Biển Nam Trung Hoa theo trục Bắc-Nam có thể sẽ buộc phải đi theo hành lang nhỏ hẹp giữa Hoàng Sa và dải Macclesfiekd ở phía Tây và ở phía Đông sẽ bị hạn chế, thậm chí bị cấm đi qua vùng nước của quần đảo Trung Sa. Tuy đây là một giả thiết cực đoan nhưng nếu xét khả năng hiện tại của Trung Quốc khi họ thường được toại nguyện với những đòi hỏi của mình, giả thuyết này cũng đáng được nghiên cứu, hay ít ra là đáng được suy ngẫm. Một vấn đề tương tự nữa cũng có thể được đặt ra liên quan đến những hoạt động nghiên cứu khoa học hay thủy văn bởi những điều khoản của Công ước Luật Biển được các quốc gia diễn giải rất khác nhau.

Bộ Ngoại giao - UB Biên giới Quốc gia