Site banner

Đường lưỡi bò - Một yêu sách phi lý - Kỳ 18

KỲ 18: XEM XÉT BẢN CHẤT YÊU SÁCH “ĐƯỜNG LƯỠI BÒ” CỦA TRUNG QUỐC TRÊN BIỂN ĐÔNG

Nguyễn Quang Vinh

Lời nói đầu

Ngày 07 tháng 5 năm 2009, Đại diện Thường trực của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại Liên hợp quốc gửi Tổng Thư ký Liên hợp quốc hai Công hàm số CML/17/2009 và CML/18/2009 chính thức phản đối các Báo cáo của Việt Nam và Việt Nam – Ma-lai-xia về việc xác định ranh giới thềm lục địa vượt quá 200 hải lý của hai nước, đề nghị phổ biến công hàm này cho các nước thành viên Công ước Luật Biển của Liên hợp quốc năm 1982 (Công ước Luật Biển 1982). Với bản đồ thể hiện “đường lưỡi bò” kèm theo các công hàm này, lần đầu tiên Trung Quốc đã chính thức công khai yêu sách của họ trên Biển Đông. Vấn đề đặt ra là vì sao đến thời điểm này Trung Quốc mới chính thức đưa ra công khai yêu sách của họ trên Biển Đông; trong mối tương quan với luật pháp và thực tiễn quốc tế về biển, đâu là cơ sở pháp lý của yêu sách này; và tác động của nó đến trật tự pháp lý trên biển hiện nay. Đó là những nội dung, ở mức độ nhất định, bài tham luận này mong muốn được đề cập đến.

  1. Quá trình hình thành “đường lưỡi bò”

Trung Quốc – có chung đường biên giới trên đất liền với 14 nước và năm nước có liên quan đến biển nằm tiếp giáp hoặc đối diện – vào thời điểm hiện nay, là nước lớn duy nhất trên thế giới có nhiều tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ trên đất liền và trên biển các nước làng giềng. Trong lịch sử, trên hướng biển, Trung Quốc đã có mối quan hệ thương mại bằng đường biển với nhiều nước và khu vực trên thế giới, đặc biệt đã tổ chức nhiều cuộc viễn chinh vào thế kỷ XIV. Sau một thời gian dài “bế quan tỏa cảng” (1644-1911), vào đầu thế kỷ XX. Trung Quốc bắt đầu quan tâm trở lại đến biển, trước hết là vùng biển đảo phía Bắc, và sau đó đến Biển Đông.

Từ thời điểm xuất hiện rồi điều chỉnh (cả về phạm vi và hình thức thể hiện), đến nay yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc bao trùm lên khoảng 80% diện tích Biển Đông, được vẽ cát gần bờ biển của các nước ven Biển Đông như Việt Nam, In-đô-nê-xia, Ma-lai-xia, Bru-nây, Phi-líp-pin. Sơ bộ đánh giá, quá trình này trải qua bốn giai đoạn:

  1. Theo tác giả Peter Du Khoan Tứ, sau khi Trung Quốc giành lại được quần đảo Đông Sa (Pratas) từ tay Đế quốc Nhật Bản, lần đầu tiên “đường lưỡi bò” được ông Hu Jinjie – một người chuyên vẽ bản đồ của Trung Quốc, vẽ năm 1914 dưới dạng một đường nét liền. Những bản đồ của ông Hu Jinjie. Trong giai đoạn này, đường này chỉ quy thuộc các quần đảo Đông Sa (Pratas) và Hoàng Sa (Tây Sa) vào Trung Quốc. Xuất phát từ điểm mút biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc ở cửa sông Bắc Luân, đường này chạy dọc theo bờ biển Việt Nam, vòng qua bờ Tây của đảo Luzon của Phi-líp-pin, sau đó đi đến phía Đông của quần đảo Đông Sa, chạy qua eo biển Đài Loan và kết thúc tại điểm gặp đường biên giới ở giữa Hoàng Hải và Đông Hải của Trung Quốc. Điểm cực Nam của đường này ở khoảng giữa vĩ tuyến 150 - 160 Bắc và không ai biết đước lý do vì sao nó lại được vẽ như vậy.
  2. Theo đánh giá của học giả Tống Yến Huy (Song Yann-Huei), sau khi Pháp tái xác nhận chủ quyền trên các quần đảo Hoàng Sa năm 1931 và Trường Sa năm 1933, cụ thể là khi Pháp thông báo việc chiếm hữu chín đảo ở quần đảo Trường Sa (tháng 4 năm 1933 và Trung Hoa dân quốc đã phản đối mạnh mẽ, thì ý kiến chung tại Trung Quốc vào lúc đó cho rằng cần phải có hành động để bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc đối với các nhóm đảo ở Nam Hải. Hệ quả là, “đường lưỡi bò” trên bản đồ Nam Hải được mở rộng đến khoảng giữa vĩ tuyến 70 - 90 Bắc. Bằng cách này, ý đồ điều chỉnh đường này đã thể hiện rất rõ ràng, coi quần đảo Nam Sa (Trường Sa) là thuộc Trung Quốc. Mặc dù vậy, vào thời điểm đó, bãi James Shoal (Tăng Mẫu) vẫn nằm ngoài đường này.
  3. Cũng trong năm 1933, Trung Hoa dân quốc đã thành lập một Ủy ban để xem xét và thẩm tra các hải đồ và bản đồ. Bốn tháng sau, Viện Hành pháp của Trung Hoa dân quốc công bố một báo cáo đề nghị xem lại “Quy định điều chỉnh các hải đồ và bản đồ”. Tháng 12 năm 1934, Ủy ban này bắt đầu xem xét lại việc đặt tên cho các đảo ở Nam Hải, cả bằng tiếng Trung và tiếng Anh. Tháng 4 năm 1935, “Bản đồ các đảo Nam Hải Trung Quốc” (Zhongguo Nanhai gedao yu tu) có thể được coi là bản đồ chính thức, đầu tiên do Chính phủ Trung Quốc phát hành về các đảo ở Biển Đông.

Trong các năm 1946-1947, Bộ Nội vụ Trung Hoa dân quốc đã tiến hành một nghiên cứu kỹ về hiện trạng của Biển Đông trên cơ sở các thông tin của Hải quân Dân quốc thu thập được trong quá trình đi tuần tra trên vùng biển này. Và, vào tháng 12 năm 1947, đã ban hành “Bảng đối chiếu tên gọi cũ và tên gọi mới của các đảo Nam Hải”, trong đó có 159 đảo và đá được liệt kê. Bảng này cùng một một bản sao “Bản đồ các đảo Nam Hải” được đệ trình lên Viện Hành pháp để chuyển cho Chính phủ Trung Hoa dân quốc. Bộ Nội vụ Trung Hoa dân quốc đề nghị Viện Hành pháp yêu cầu Chính phủ ra lệnh cho “tất cả các cơ quan dân chính và quân chính có ý định sản xuất bản đồ có các vấn đề liên quan đến các đường biên giới quốc gia, trước tiên phải gửi bản đồ đó lên Bộ Nội vụ để xem xét.

Tháng 01 năm 1948, Bộ Nội vụ Trung Hoa dân quốc công bố “Bản đồ vị trí các đảo Nam Hải” (Nanhai zhudao weitz du), trên đó lần đầu tiên thể hiện “đường lưỡi bò” bao lấy gần 80% Biển Đông. Ba quần đảo ở Biển Đông là Đông Sa (Pratas), Hoàng Sa (Tây Sa), Trường Sa (Nam Sa) và bãi ngầm Macclesfield (Trung Sa) nằm trong phạm vi của đường này. Theo bản đồ này, “đường lưỡi bò” xuất phát từ điểm mút biên giới đất liền Việt Nam – Trung Quốc trong vịnh Bắc Bộ, chạy xuống phía Nam dọc theo bờ biển phía Đông Việt Nam tới cực Nam của bãi san hô James Shoal (Tăng Mẫu) ở khoảng 30 vĩ Bắc, sau đó đi lên phía Bắc song song với bờ biển phía Tây đảo Borneo của Ma-lai-xia và các đảo Palawan, đảo Luzon của Phi-líp-pin, kết thúc ở phía Đông của eo biển Bashi nằm giữa Đài Loan và Phi-líp-pin (hình 1), và được thể hiện bằng 11 đoạn đứt quãng thay thế cho đường liền nét trước đây.

Việc Trung Hoa dân quốc sử dụng cách “vẽ bản đồ để công nhận” có thể được đánh giá là một hành động có chủ ý để tạo dư luận công cộng hơn là hiệu quả trong việc chiếm hữu thật sự các quần đảo ở Biển Đông.

  1. Từ thời điểm nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời (ngày 01 tháng 10 năm 1949), trong các văn bản pháp luật liên quan đến các vùng biển và thềm lục địa của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa cũng như của Trung Hoa dân quốc, đều quy thuộc các quần đảo Tây Sa, Nam Sa, Đông Sa và Trung Sa là thuộc về Trung Quốc, nhưng chưa bao giờ giải thích cơ sở pháp lý của “đường lưỡi bò”. Từ năm 1958, trên tất cả các bản đồ chính thức của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa cũng như sơ đồ, ở bất cứ tỷ lệ nào, đều thể hiện đường này, và trong những năm 60 của thế kỷ XX, nó đã được chỉnh sử lại còn chín đoạn, bỏ hai đoạn mà không có một lời giải thích nào.

Tóm lại, cho đến những năm đầu thế kỷ XXI, “đường lưỡi bò” ngoài việc được thể hiện trên các bản đồ, sơ đồ còn được đề cập đến trong các sách báo của Trung Quốc nhằm mục đích cho thấy yêu sách của họ đối với các quần đảo trên Biển Đông và ranh giới các vùng biển của Trung Quốc dưới nhiều tên gọi khác nhau như “đường biên giới Trung Quốc”, “đường biên giới biển truyền thống”, “đường biên biên giới cực Nam”… hoặc gọi một cách hình tượng là “đường chín đoạn”, “đường đứt đoạn”, “đường chữ U”, “đường hình cái túi”, “dây chuyền vàng”, “cái cán đuốc” …

  1. Xem xét các quan điểm của Trung Quốc

Với việc thể hiện “đường lưỡi bò” trên bản đồ, các chính phủ và một số học giả của Trung Quốc cũng tìm cách giải thích/biện minh cho bản chất pháp lý của vùng biển nằm bên trong con đường này.

Quan điểm của Trung Hoa dân quốc                             

Có nhiều học giả bình luận về “đường lưỡi bò”, một trong số đó là Giáo sư Zhao Guocai thuộc Đại học Chính trị Đài Loan khẳng định rằng “đường chữ U” do Chính phủ Trung Quốc tuyên bố là đường biên giới biển của Trung Quốc tuyên bố là đường biên giới biển của Trung Quốc ở Nam Hải”. Còn về “vùng nước lịch sử”, một học giả Đài Loan giải thích rằng: “Kể từ khi có tuyên bố về ‘đường chín đoạn’, cộng đồng quốc tế không hề có phản đối nào. Cũng không có bất kỳ phản đối nào từ các nước láng giềng. Sau đó, có khá nhiều bản đồ ở nước ngoài thể hiện đường này với ám chỉ rằng các vùng biển trong đó thuộc về Trung Quốc. Trung Quốc có quyền lịch sử đối với các đảo, đá, bãi cạn và vùng biển nằm trong ‘đường chính đoạn’ này. Nam Hải được coi là vùng nước lịch sử của Trung Quốc, điều được biết rộng rãi vào thời điểm đó. Cho đến nay, điều này đã tồn tại nửa thế kỷ”.

Vào năm 1989, một năm sau sự kiện Trung Quốc xâm chiếm quần đảo Trường Sa (tháng 3 năm 1988), Bộ Nội vụ của Trung Hoa dân quốc thành lập hai Ủy ban đặc biệt để xác định các điểm, đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Trung Hoa dân quốc và dự thảo luật về vùng đặc quyền kinh tế và lãnh hải Trung Hoa dân quốc. Hai vấn đề được các Ủy ban này đề cập đến là “vùng nước lịch sử” và bản chất pháp lý của “đường lưỡi bò”, nhưng có những quan điểm khác nhau đối với các vấn đề này. Cụ thể:

  • Có quan điểm cho rằng, vùng biển nằm trong “đường lưỡi bò” phải được coi là “vùng nước lịch sử” của Trung Quốc vì (i) không có nước nào phản đối khi Trung Quốc công bố công khai bản đồ trong năm 1948; (ii) yêu sách về “vùng nước lịch sử” này không trái với Điều 47 (1) của Công ước Luật Biển 1982.
  • Quan điểm khác cho rằng, vùng biển nằm trong “đường lưỡi bò” phải được coi là “vùng nước lịch sử” của Trung Quốc vì (i) không có nước nào phản đối khi Trung Quốc công bố công khai bản đồ trong năm 1948; (ii) yêu sách về “vùng nước lịch sử” này không trái với Điều 47 (1) của Công ước Luật Biển 1982.

Mặc dầu vậy, khái niệm “vùng nước lịch sử” vẫn được Trung Hoa dân quốc sử dụng. Trong phần mở đầu của “Bản hướng dẫn chính sách Nam Hải” được Viện Hành pháp Trung Hoa dân quốc phê chuẩn (tháng 4 năm 1993), vùng biển nằm trong “đường lưỡi bò” được coi là “vùng nước lịch sử” của Trung Hoa dân quốc. Chủ tịch Ủy ban Nghiên cứu, phát triển và đánh giá thuộc Viện hành pháp giải thích rằng yêu sách về “vùng nước lịch sử” dựa vào “đường lưỡi bò” vẽ năm 1948. Hơn  thế nữa, trong tháng 9 năm 1993, tại buổi khai mạc một cuộc hội thảo về Nam Hải tổ chức tại Đài Loan, cả Thủ tướng và Bộ trưởng Nội vụ đều phát biểu rằng các vùng biển ở Nam Hải đã từ lâu là “vùng nước lịch sử” của Trung Hoa dân quốc. Tháng 4 năm 1995, Bộ trưởng NgoạI giao Đài Loan đã nhấn mạnh lại quan điểm trên rằng: ”Không còn nghi ngờ gì nữa, Chính phủ của chúng ta có chủ quyền đối với lãnh thổ lịch sử hình chữ U, bao gồm các đảo Nam Sa. Tuy nhiên, bản chất pháp lý của vùng biển này vẫn chưa bao giờ được Chính phủ Trung Hoa dân quốc làm rõ là “nội thủy” hay “lãnh hải”… theo cách xác định chế độ các vùng biển thuộc chủ quyền của quốc gia có biển trong luật biển quốc tế hiện nay.

Về vấn đề này, tập quán quốc tế và Công ước Luật Biển 1982 (Điều 10 (6)) thừa nhận rằng một số vịnh có thể được quy định là nội thủy do tính chất chiếm hữu và danh nghĩa “lịch sử”. Đồng thời, Công ước Luật Biển 1982 cũng xem xét các yêu sách “lịch sử” như là một sự biện minh cho việc đi chệch khỏi nguyên tắc đường cách đều được áp dụng cho việc hoạch định giữa các lãnh hải 12 hải lý của các nước nằm tiếp giáp hay đối diện (Điều 15), ngoài ra không có điều khoản nào khác đề cập đến các yêu sách “lịch sử”. Như vậy, trên thực tế, rõ ràng Biển Đông không phải là một cái vịnh để từ đó Trung Hoa dân quốc yêu sách coi đó là vịnh lịch sử” hay “vùng nước lịch sử”.

Giả thuyết đặt ra là bất chấp các quy định của luật pháp các quy định của luật pháp quốc tế về biển, liệu vùng biển bên trong “đường lưỡi bò” mà Trung Hoa dân quốc yêu sách là “vùng nước lịch sử” có thể được hưởng chế độ pháp lý của vùng nội thủy hay không? Câu trả lời là không, vì những lý do sau: Trước hết, Trung Hoa dân quốc chưa bao giờ yêu sách vùng biển rộng lớn bên trong “đường lưỡi bò” là vùng nội thủy. Hơn nữa, tàu thuyền nước ngoài, trong đó có cả tàu quân sự, vẫn thực hiện việc qua lại trong vùng biển nằm trong đường này từ khi nó xuất hiện trên bản đồ do Trung Hoa dân quốc xuất bản năm 1948; và, Trung Hoa dân quốc đã không có một hành động nào ngăn cản các tàu thuyền nước ngoài qua lại vùng này.

Đó có thể là một trong những lý do mà từ sau năm 1996, quan điểm của Trung Hoa dân quốc về vấn đề này đã thay đổi. Trong Luật Lãnh hải và vùng tiếp giáp của Trung Hoa dân quốc (ngày 02 tháng 01 năm 1998) không còn có các điều khoản liên quan tới “vùng nước lịch sử”. 

Bộ Ngoại giao - UB Biên giới Quốc gia