Kỳ 21: Nhận xét và kết luận
- Từ góc độ luật pháp quốc tế cũng như tình hình thực tế các hoạt động thực thi chủ quyền của các nước trên khu vực Biển Đông từ trước đến nay cho thấy, yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc, như được phân tích các mục 1 và 2, là một yêu sách không có giá trị pháp lý quốc tế, không được các nước, và các học giả trên thế giới công nhận. Thậm chí yêu sách này còn bị chỉ trích mạnh mẽ vì tính phi lý và hão huyền của nó. Ngay sau khi Trung Quốc gửi công hàm phản đối Việt Nam và Ma-lai-xia, ngày 08 tháng 5 năm 2009, Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc đã có Công hàm số 86/HC-2009 gửi Tổng Thư ký Liên hợp quốc bác bỏ công hàm và sở đồ nói trên. Cùng ngày, Người phát ngôn Bộ ngoại giao Việt Nam cũng đã trả lời phỏng vấn khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và coi yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc thể hiện trên sơ đồ là “không có giá trị vì không có cơ sở pháp lý, lịch sử và thực tiễn”.
- Trung Quốc, mặc dù là thành viên của Công ước Luật Biển 1982, nhưng khi các nước ASEAN đề cập đến việc giải quyết tranh chấp trên Biển Đông cần phải tuân thủ các quy định của Công ước, thì Trung Quốc cho rằng “Công ước Luật Biển 1982 là quan trọng, nhưng chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông còn quan trọng hơn”. Để yêu sách các vùng biển xung quanh các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Trung Quốc không chấp nhận các quy định của Công ước về quốc gia quần đảo (các Điều 46-54), theo nghĩa các quốc gia quần đảo có quyền xác định đường cơ sở quần đảo để từ đó xác định các vùng biển và thềm lục địa của nó, còn quần đảo của quốc gia lục địa không có các quyền đó. Như vậy, Trung Quốc đã tự mình không tôn trọng mình khi không tuân thủ mục 2 (1) Điều 1 của Công ước Luật Biển 1982. Bằng cách này, Trung Quốc đã tự tách mình ra khỏi luật pháp quốc tế về biển, đi ngược lại những gì Trung Quốc vẫn thường tuyên bố là “quốc gia có trách nhiệm” trong cộng đồng các quốc gia trên thế giới.
- Chính sách của Trung Quốc ở Biển Đông trong thời gian qua không cho thấy khả năng đạt được một giải pháp công bằng có thể chấp nhận được giữa các bên tranh chấp trong tương lai gần. Hơn nữa, việc Trung Quốc muốn điều chỉnh trật tự luật pháp về biển đã được cộng đồng quốc tế dầy công xây dựng. Trong thời điểm hiện nay, cùng với tiềm lực kinh tế to lớn và sức mạnh quân sự của mình, những tham vọng làm chủ/khống chế Biển Đông của Trung Quốc tăng lên gấp nhiều lần, vị thế khăng khăng, không thỏa hiệp trong cuộc tranh chấp này đã làm tăng lên mối lo ngại của các nước Đông Nam Á.
- Ngay sau thời điểm chính thức thể hiện yêu sách ở Biển Đông, Trung Quốc còn đẩy mạnh các hoạt động tuần tra kiểm soát, diễn tập quân sự… thể hiện hành vi quản lý Nhà nước trên thực tế trong phạm vi “đường lưỡi bò”. Các hoạt động đó đã vi phạm quyền chủ quyền của các nước khác.
- Yêu sách về “đường lưỡi bò” của Trung Quốc không chỉ vi phạm quyền lợi của Việt Nam mà còn đụng chạm tới quyền lợi của hầu hết các quốc gia trong khu vực cũng như các quốc gia liên quan. Nếu yêu sách chiếm gần 80% toàn bộ Biển Đông được chấp nhận, tất cả tàu thuyền qua lại vùng biển này đều phải được sự cho phép của chính quyền Trung Quốc mới được phép lưu thông. Chưa kể tất cả tài nguyên trong vùng biển này từ tài nguyên sinh vật đến tài nguyên không sinh vật đều thuộc quyền kiểm soát của Trung Quốc. Quyền tự do lưu thông trên biển cả sẽ bị đe dọa nghiêm trọng, thương mại quốc tế qua vùng biển này sẽ bị Trung Quốc khống chế.
- Những hành động và ý đồ như vậy của Trung Quốc đã gây thêm căng thẳng, đe dọa hòa bình và ổn định chung ở khu vực, đồng thời cũng không có lợi cho mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc. Việt Nam kiên quyết bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý của Trung Quốc, khẳng định chủ quyền của mình trên các quần đảo Hoàng Sa và trường Sa, nhưng đồng thời luôn tỏ thiện chí trong việc cùng các nước và các bên liên quan hợp tác vì lợi ích của hòa bình, ổn định và phát triển của cả khu vực, phú hợp với thực tiễn và luật pháp quốc tế, cụ thể là Công ước Luật Biển 1982.