Hành động phi pháp của Trung Quốc mở đường bay dân sự tới đảo Phú Lâm có thể nhằm che đậy hoạt động quân sự thường xuyên ở khu vực.
Từ ngày 22.12, Trung Quốc ngang nhiên mở đường bay dân dụng phi pháp từ thành phố Hải Khẩu trên đảo Hải Nam tới đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Ngay lập tức, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nêu rõ đây là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.
Máy bay dân sự Trung Quốc trên đường băng phi pháp ở đảo Phú Lâm. Youth.cn
Từ ngày 22.12, Trung Quốc ngang nhiên mở đường bay dân dụng phi pháp từ thành phố Hải Khẩu trên đảo Hải Nam tới đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, với tần suất 1 chuyến/ngày. Ngay lập tức, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nêu rõ đây là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, đồng thời nhấn mạnh Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình đối với Hoàng Sa lẫn Trường Sa.
Chưa hết, đến ngày 25.12, Fox News dẫn lời giới chức tình báo Mỹ dự đoán Trung Quốc sẽ điều “hàng trăm” tên lửa đất đối không, bao gồm CSA-6b, HQ-9 và SA-21, từ Hải Nam xuống Phú Lâm hoặc các đảo nhân tạo phi pháp ở Trường Sa trong vài tháng tới. Theo tình báo Mỹ, Bắc Kinh muốn dùng tên lửa để bảo vệ 3 đường băng phi pháp trên các đá Chữ Thập, Vành Khăn và Xu Bi, vốn đã bị cải biến thành đảo nhân tạo.
Ý đồ quân sự
Hành động mở đường bay dân dụng phi pháp có thể nằm trong chiến lược lâu nay của Trung Quốc là kết hợp quân sự hóa với hoạt động dân sự, theo kiểu “tằm ăn dâu” tại những khu vực chiếm đóng phi pháp trên Biển Đông, nhằm tạo tình trạng “chiếm hữu thực tế” và “sự đã rồi”. Tuy nhiên lần này có thể còn ẩn giấu nhiều ý đồ khác.
Trả lời phỏng vấn Thanh Niên, chuyên gia Koh Swee Lean Collin thuộc Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam (Singapore) nhận định Trung Quốc có thể “trà trộn” các hoạt động của quân đội lẫn vào chuyến bay dân sự để né tránh sự chỉ trích của cộng đồng quốc tế, cũng như qua đó âm thầm tiếp tục quân sự hóa Biển Đông.
“Đây là khuynh hướng rất đáng lo ngại vì chuyến bay dân sự của các hãng hàng không có thể che đậy hoạt động đều đặn của quân đội. Máy bay cỡ trung và lớn cũng như máy bay chở hàng từ các hãng dân sự và quân đội Trung Quốc có thể giúp tăng viện nhanh chóng cho đơn vị đóng trú ở khu vực”, chuyên gia Collin cảnh báo và lưu ý thêm: “Cần nhớ rằng Trung Quốc xem đảo Phú Lâm là trung tâm quân sự quan trọng và những chuyến bay như trên sẽ tạo điều kiện cho việc vận chuyển nhanh chóng nhân lực, thiết bị và vật liệu tới đảo này khi xảy ra biến cố”.
Cùng với việc mở đường bay phi pháp mới, chuyên gia Collin nhận định nếu Trung Quốc thật sự sẽ triển khai thêm tên lửa thì đây cũng nằm trong ý đồ sẵn sàng tác chiến và củng cố kiểm soát Biển Đông. Theo ông, danh sách tên lửa được tình báo Mỹ liệt kê đều là hệ thống di động, có thể được triển khai và rút đi một cách nhanh chóng. Vì vậy, tên lửa không nhất thiết hiện diện thường trực trên các tiền đồn phi pháp ở Biển Đông, mà chỉ cần đóng gần đảo nhân tạo để có thể điều động bất cứ lúc nào. Điều này giúp Bắc Kinh có thể đẩy căng thẳng leo thang theo ý muốn mà vẫn giữ cho tình hình không vượt khỏi tầm kiểm soát. “Những động thái này sẽ càng gây lo ngại và có nguy cơ làm phức tạp hóa quá trình hướng tới việc cho ra bộ quy tắc ứng xử”, ông Collin nhận định với Thanh Niên.
Thử lửa ông Trump?
Trong khi đó, Giám đốc nghiên cứu quốc phòng thuộc Trung tâm vì lợi ích quốc gia (Mỹ) Harry Kazianis nhận định với Thanh Niên rằng những hành động mới của Trung Quốc, như mở đường bay dân dụng phi pháp và dấu hiệu triển khai tên lửa, có thể nằm trong mưu đồ lâu dài đơn phương lập Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở Biển Đông. Tuy nhiên theo ông, Trung Quốc sẽ tạm thời không có hành động mang tính gây hấn hay khiêu khích cho đến sau khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump chính thức nhậm chức vào ngày 20.1.2017.
Ông Kazianis nhắc lại rằng vào năm 2001, chỉ 77 ngày sau khi tổng thống George W.Bush nhậm chức đã có cuộc “thử lửa” đầu tiên khi chiến đấu cơ J-8 của Trung Quốc va chạm với máy bay do thám Mỹ trên vùng trời gần đảo Hải Nam. Đến năm 2009, Tổng thống Barack Obama vừa bước vào Nhà Trắng chưa tới 2 tháng thì xảy ra vụ tàu Trung Quốc quấy rối một tàu hải quân Mỹ trong vùng biển quốc tế trên Biển Đông. Vì thế, theo ông, Trung Quốc sẽ coi tuyên bố lập ADIZ trên Biển Đông là “phép thử” hữu hiệu nhằm vào ông Trump, đặc biệt trong bối cảnh nhà lãnh đạo này đã tỏ nhiều dấu hiệu sẽ cứng rắn với Bắc Kinh.
Tương tự, trả lời Thanh Niên chiều 25.12, Phó giáo sư Stephen R.Nagy tại Đại học quốc tế Cơ đốc giáo (Nhật Bản) nhận định động cơ của Trung Quốc đưa thêm tên lửa đến Hoàng Sa và Trường Sa một phần nhằm “phát tín hiệu cứng rắn” đến ông Trump, cũng như nằm trong chiến lược dài hạn nhằm giảm ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực. Ngoài ra, đây có thể là thông điệp dọa nạt gửi đến những bên khác rằng Trung Quốc sẽ không “xuống thang”, nhằm ép họ đàm phán song phương.