Đợt triều cường vào cuối tháng giêng đầu tháng hai âm lịch từ ngày 25/2 đến 27/2 vừa qua tuy không lớn bằng đỉnh triều giữa tháng giêng nhưng đã tiếp tục gây sạt lở nghiêm trọng tại Cồn Nhàn ấp Thạnh Hải xã Bảo Thuận huyện Ba Tri. Đường dân sinh sụp một đoạn dài làm giao thông bị chia cắt. Nhiều đoạn bờ bao không trụ được trước những con sóng lớn đã bị sụp, nước biển tràn vào gây hư hại rau màu và cuốn đi lớp đất mặt của người dân. Các công trình đang thi công như tuyến đường vành đai Bảo Thuận- An Thủy cùng các bờ bao dân sinh đều phải tạm dừng để di chuyển phương tiện cơ giới đến nơi an toàn. Chính quyền địa phương đang nổ lực sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm...
Thủy triều tiếp tục gây sạt lở nghiêm trọng tại huyện Ba Tri
Có mặt lúc đỉnh triều vào chiều ngày 27/2 tại Cồn Nhàn- khu vực xảy ra sạt lở nghiêm trọng nhất, chúng tôi ghi nhận được mực nước hiện dâng khá cao. Nếu như trước đây mực nước lớn nhất cũng chỉ vừa ngập bãi biển thì hiện nay nước biển đã cao hơn khá nhiều. Chính vì mực nước dâng cao, chỉ vài con sóng nhỏ là có thể gây sạt lở, cuốn trôi mọi thứ. Theo các hộ dân ở đây, mỗi khi gió lớn, sóng biển lại càng dâng cao và thiệt hại mà nó gây ra là nặng nề hơn.
Ông Huỳnh Văn Đợi sinh năm 1958 ngụ tại Cồn Nhàn ấp Thạnh Hải xã Bảo Thuận huyện Ba Tri cho biết, gần 60 tuổi đời cũng là ngần ấy thời gian ông sống trên đất Cồn này. Chứng kiến triều cường không có gì là lạ đối với ông. Tuy nhiên, hai con nước vừa rồi là gây thiệt hại nặng nề nhất. Nếu như trước đây mỗi năm, biển xâm thực từ 10m đến 15m thì chỉ với 2 đợt triều cường trong tháng giêng, việc sạt lở đã hơn gấp đôi trung bình 1 năm; thậm chí có đoạn bị lở sâu vào cả 100m.
Cũng theo thông tin của các hộ dân có đất sản xuất tại Cồn Nhàn, hai đợt triều cường trong tháng giêng đã làm cho 3 hộ ở đây mất trắng hoa màu và đất sản xuất với diện tích trên 1,5 hecta. Đồng thời nhiều hộ phải mất một phần diện tích và có nguy cơ sạt lở sâu thêm, có thể bị mất trắng. Nhiều bờ bao được xây dựng sau đợt triều cường trước với kinh phí hàng chục triệu đồng đã không thể trụ vững, bị nước cuốn trôi. Hiện tại, các phươn tiện đang thi công gia cố bờ bao dân sinh cho các hộ dân phải ngưng hoạt động và di dời đến nơi an toàn.
Riêng tuyến đường vành đai Bảo Thuận- An Thủy cũng buộc tạm ngưng thi công. Qua ghi nhận của chúng tôi, sau mỗi con sóng cao, nước biển tràn lên và cuốn đi đất trong chân đê. Một vài chỗ trên thân đê đã bị sụp dù đã được lót bê tông kiên cố. Do vậy, rất cần việc đánh giá lại tác động thực tế của sóng biển đối với thiết kỹ thuật của tuyến đường vành đai để công trình được đảm bảo sử dụng lâu dài.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Bảo Thuận huyện Ba Tri- Trần Văn Lâm cho biết, do đợt triều cường lần này làm hư hại nghiêm trọng đường dân sinh nên việc thống kê thiệt hại cũng như kiểm tra các đoạn xung yếu, có nguy cơ bị sạt lở cao tại thời điểm đỉnh triều của chính quyền địa phương gặp nhiều khó khăn. Việc trước mắt mà Ủy ban nhân dân xã Bảo Thuận chỉ có thể thực hiện trong đợt triều cường lần này là vận động các hộ trong vùng nguy cơ sạt lở cao khẩn trương sơ tán ngươi và di dời tài sản đến nơi an toàn. Tuy nhiên, vài hộ vì tiếc tài sản đã không chịu sơ tán, di dời. Hiện tại đang là đợt triều cường cao và diễn biến phức tạp; đây có thể đang vùng nguy hiểm, có thể sạt lở bất cứ lúc nào, đe dọa tính mạng, sức khỏe con người. Thiết nghĩ, vì an toàn tính mạng, sức khỏe của người dân, chính quyền địa phương cần áp dụng các chế tài mạnh hơn để sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm khi xảy ra triều cường. Riêng các hộ nằm trong khu vực nguy cơ sạt lở cao nên tạm sơ tán khỏi vùng nguy hiểm trong đợt triều cường này. Việc tái thiết lập cơ sở hạ tầng cũng như sản xuất trong vùng này cũng cần nên cân nhắc thận trọng và có biện pháp bảo vệ hữu hiệu nhằm hạn chế nguy cơ sạt lở do các đợt triều cường sau.