BBC dẫn bài bình luận trên báo Mỹ The Hill của chuyên gia Biển Đông Gregory B. Poling đang làm việc tại CSIS, cho rằng việc Washington tăng ngân sách quốc phòng hướng về Bắc Kinh là “lời cảnh báo Trung Quốc”.
Hai máy bay ném bom chiến lược B-52 của Mỹ bay trên Biển Đông. Ảnh: Hải quân Mỹ
Hành động của Mỹ dưới con mắt chuyên gia
BBC dẫn bài bình luận trên báo Mỹ The Hill của chuyên gia Biển Đông Gregory B. Poling đang làm việc tại CSIS, cho rằng việc Washington tăng ngân sách quốc phòng hướng về Bắc Kinh là “lời cảnh báo Trung Quốc”.
Theo đó, Luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) 2019, được Quốc Hội Mỹ thông qua hôm 1/8, đã đề ra các bước cơ bản nhưng quan trọng cho một chiến lược đối phó hiệu quả hơn với Trung Quốc ở Biển Đông. Chương trình này được tuyên bố vào 2015 và sẽ kéo dài đến 2025, nhằm giúp tăng cường năng lực của các nước láng giềng của Trung Quốc ở Đông Nam Á, giúp họ không bị Trung Quốc “đẩy ra khỏi vùng biển tranh chấp” hoàn toàn.
Chương trình sẽ hứa hẹn cung cấp 425 triệu USD trang thiết bị và hỗ trợ đào tạo trong 5 năm, chủ yếu ở Philippines, Indonesia, Malaysia, Việt Nam và thậm chí là Đài Loan (Trung Quốc). NDAA tài khóa 2019 còn bao gồm cả Bangladesh, Sri Lanka và Ấn Độ.
Đặc biệt, NDAA cũng xác định khai trừ vĩnh viễn Trung Quốc khỏi các cuộc tập trận thường niên Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) do Mỹ dẫn đầu. Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis đã không mời Bắc Kinh tham dự RIMPAC 2018, và NDAA cấm Lầu Năm Góc đảo ngược quyết định trên cho tới khi Trung Quốc ngừng việc xâm lấn ở Biển Đông, và “4 năm liên tục có những hành động để ổn định khu vực” cũng như gỡ bỏ các vũ khí trên các đảo tranh chấp.
“Quốc hội Mỹ đang gửi đi thông điệp rằng, Washington chưa hề quên vấn đề tranh chấp ở Biển Đông hay những đồng minh của Mỹ bị liên lụy. Quốc hội Mỹ muốn Nhà Trắng và Lầu Năm Góc sẽ hành động nhiều hơn với vấn đề này”, ông Poling bình luận.
Mỹ-Trung chạy đua quân sự hóa Biển Đông?
Phát biểu khi tham dự Hội nghị ASEAN diễn ra những ngày đầu tháng 8 tại Singapore, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị khẳng định, việc gia tăng quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông là nhằm tự vệ trước sức ép an ninh của Mỹ và các nước khác bên ngoài khu vực.
Phát biểu cuối tuần trước bên lề Hội nghị ASEAN, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nhấn mạnh: “Chắc chắn không phải từ các nước trong khu vực, mà chủ yếu là từ Mỹ, khi Mỹ đưa một số lượng lớn vũ khí chiến lược tới khu vực này, đặc biệt là tới Biển Đông. Hành động này nhằm phô trương sức mạnh quân sự và gây sức ép lên các nước trong khu vực, trong đó có Trung Quốc”.
“Tôi sợ rằng đó là lực lượng lớn nhất buộc Trung Quốc phải tăng cường chính sách quân sự tại khu vực này”, ông Vương Nghị nhắc tới chính sách phát triển quân sự của Trung Quốc, vốn bị Mỹ cáo buộc là quân sự hóa các thực thể trên Biển Đông và làm gia tăng căng thẳng với các nước trong khu vực.
Phát biểu của Ngoại trưởng Trung Quốc đưa ra cùng thời điểm đầu tháng 8 này, 2 máy bay ném bom chiến lược B-52 của Mỹ đã bay qua Biển Đông trên vùng không phận tiếp giáp của Nhật Bản.
Theo tuyên bố ngày 3/8 của Các lực lượng Không quân Thái Bình Dương Mỹ, các máy bay B-52 đã thực hiện những chuyến bay huấn luyện hôm 1/8. Tuyên bố khẳng định, cuộc diễn tập và huấn luyện của máy bay ném bom Mỹ được tiến hành trong không phận hợp pháp theo các quy định quốc tế. Các máy bay B-52 có thể đã cất cánh thêm lần nữa khi Không quân Mỹ công bố những bức ảnh cho thấy những máy bay này đang được tiếp nhiên liệu trong ngày 2/8.
Mỹ nhiều lần lặp lại chỉ trích Trung Quốc quân sự hóa các thực thể trên Biển Đông và đáp trả bằng việc hiện diện thường xuyên các vũ khí chiến lược tại khu vực này cũng như diễn tập quân sự với các nước đồng minh trong khu vực.
Đầu tháng 6, máy bay ném bom B-52 của Mỹ cũng bay qua Biển Đông. Nguồn tin CNN dẫn lời quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, ngày 4/6/2018, 2 máy bay ném bom B-52 có khả năng mang đầu đạn hạt nhân của nước này đã bay cách các đảo thuộc quần đảo Trường Sa khoảng 30km. Người phát ngôn Lầu Năm Góc cho biết, những máy bay đồn trú ở Guam này chỉ đang tham gia “nhiệm vụ huấn luyện thường nhật”, bay từ căn cứ không quân Andersen đến cơ sở hỗ trợ hải quân của Mỹ ở Diego Garcia, vùng lãnh thổ của Anh trên Ấn Độ Dương.
Chiến dịch này là một phần trong sứ mệnh “hiện diện liên tục máy bay ném bom” (CBP) của Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ nhằm “duy trì sự sẵn sàng của các lực lượng Mỹ”. Sứ mệnh này được triển khai từ năm 2004 và luôn tuân thủ luật pháp quốc tế.
Cùng với việc đưa B-52 tới Biển Đông, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis chỉ trích đích danh Trung Quốc về hành động quân sự hóa các đảo trên Biển Đông, cáo buộc Bắc Kinh “hăm dọa và áp bức” các nước trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, khẳng định Mỹ không có kế hoạch rời khỏi khu vực này./.