Thời gian gần đây, tình trạng tàu cá Việt Nam khai thác thủy sản vi phạm vùng biển nước ngoài (KTTSVPVBNN) vẫn còn tiếp diễn, nhiều phương tiện và ngư dân Việt Nam bị lực lượng quản lý biển nước ngoài bắt giữ. Điều đó ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống mưu sinh của nhiều ngư dân ven biển mà còn kéo theo hệ lụy ngành xuất khẩu thủy sản nước nhà nhận thẻ vàng từ Ủy ban châu âu. Trước thực trạng đó, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tích cực tham mưu cho Ban Chỉ đạo 689 tỉnh cùng các sở, ngành từ tỉnh đến huyện, xã có liên quan đề ra nhiều giải pháp cấp bách, quyết liệt nhằm ngăn chặn, chấm dứt việc tàu cá tỉnh nhà KTTSVPVBNN.
Tàu cá đánh bắt sai tuyến bị bắt giữ.
Xử lý nghiêm vi phạm
Từ năm 2018 đến nay, phương tiện KTTSVPVBNN của tỉnh tuy đã giảm, nhưng một số chủ phương tiện, thuyền trưởng vẫn còn cố tình vi phạm, tái phạm. Các tàu cá vi phạm chủ yếu trên địa bàn huyện Ba Tri đi sang cửa các tỉnh lận cận để hoạt động, gây không ít khó khăn cho việc tuyên truyền, xử lý của cơ quan chức năng. Từ đó dẫn đến thiệt hại không nhỏ về kinh tế, tài sản của ngư dân cũng như uy tín của Việt Nam trong công tác ngoại giao đối với các nước trong khu vực, ảnh hưởng đến nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và tỉnh nhà trong việc tháo gỡ thẻ vàng của Ủy ban châu Âu. Đây là hồi chuông báo động khẩn, đòi hỏi các cơ quan chức năng có liên quan và ngành xuất khẩu thủy sản Việt Nam phải nỗ lực và quyết liệt hơn nữa. Nếu không xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm này và khắc phục các tiêu chuẩn IUU của Ủy ban châu Âu yêu cầu, thì Việt Nam sẽ bị thẻ đỏ, đồng nghĩa toàn bộ hoạt động xuất khẩu thủy sản vào thị trường các nước Liên minh châu Âu (EU) bị cấm vĩnh viễn. Như vậy, giá thủy sản trong nước sẽ biến động theo chiều hướng giảm, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của bà con ngư dân và gây thiệt hại kinh tế nước ta.
Ngoài ra, hình phạt của các nước trong khu vực hiện nay rất nặng đối với việc đánh bắt vi phạm vùng biển là bị phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm hoặc phạt tiền lên đến hàng tỷ đồng, tịch thu toàn bộ và tiêu hủy phương tiện vi phạm. Đối với pháp luật Việt Nam, theo Nghị định số 42 của Chính phủ ban hành ngày 16-5-2019, có hiệu lực từ ngày 5-7-2019: “Phạt tiền từ 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng đối với chủ tàu cá hoặc thuyền trưởng hoặc tổ chức cá nhân có hành vi môi giới, đưa tàu cá và ngư dân Việt Nam đi khai thác thủy sản trái phép tại vùng biển quốc gia hoặc lãnh thổ khác”. Theo nghị định này, hành vi vi phạm sẽ bị xử phạt rất nặng; kèm theo hình phạt bổ sung là tước bằng thuyền trưởng, tước giấy phép khai thác từ 6 - 12 tháng; bồi thường hoàn toàn chi phí đưa công dân về nước nếu bị nước ngoài bắt giữ.
Từ năm 2017 đến nay, Bộ Chỉ huy BĐBP đã tham mưu UBND tỉnh xử phạt 54 trường hợp KTTSVPVBNN với tổng số tiền 1,93 tỷ đồng. Riêng trường hợp ông Nguyễn Văn Lai, chủ phương tiện tại xã An Thủy (Ba Tri) đã vi phạm Nghị định số 42/NĐ-CP năm 2019 và bị UBND tỉnh xử phạt vi phạm hành chính số tiền 800 triệu đồng và chi trả toàn bộ chi phí đưa thuyền viên bị bắt giữ tại Malaysia về nước, đồng thời đưa ra kiểm điểm trước dân về hành vi sai phạm trên.
Giải pháp trong thời gian tới
Thời gian tới, UBND tỉnh và Ban chỉ đạo 689 tỉnh tiếp tục chỉ đạo quyết liệt các sở, ngành có liên quan và UBND các huyện, xã biển trong việc ngăn chặn tàu cá và ngư dân KTTSVPVBNN. Kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các phương tiện trước khi làm thủ tục đăng ký ra khơi và khi cập bến. Nhiệm vụ của các trạm kiểm soát biên phòng, tàu tuần tra Hải đội Biên phòng 2, lực lượng kiểm ngư và Tổ kiểm soát nghề cá thường xuyên tổ chức tuyên truyền tập trung cho ngư dân các nội dung có liên quan đến quy định khai thác, buộc chủ phương tiện và thuyền trưởng viết cam kết chấp hành nghiêm quy định của chính phủ Việt Nam như: Ghi chép nhật ký khai thác thủy sản, gắn thiết bị giám sát hành trình, mở máy định vị 24/24 và tuyệt đối không KTTSVPVBNN. Phương tiện nào vi phạm thì chủ phương tiện phải chịu trách nhiệm hoàn toàn và bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Đối với các tàu cá KTTSVPVBNN, kiên quyết đưa chủ tàu vi phạm ra khỏi danh sách đăng ký hoạt động trên vùng biển xa bờ và xóa tên chủ tàu vi phạm trong danh sách đăng ký đóng mới, nâng cấp tàu cá.
Để giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn ở khu vực biên giới biển và trên biển, ngoài việc chấp hành tốt pháp luật của ngư dân Việt Nam, nước ta cần tiếp tục đàm phán với các nước lân cận có vùng biển chồng lấn, nhằm đạt thỏa thuận ranh giới trên biển khi khai thác thủy sản. Đồng thời, thực hiện tốt công tác bảo hộ công dân đối với các trường hợp tàu cá bị nước ngoài bắt giữ, xử lý, để đảm bảo an toàn cho ngư dân khai thác thủy sản trên biển theo đúng quy định pháp luật, vừa an tâm bám biển phát triển kinh tế, vừa góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Để có những giải pháp cấp bách xóa thẻ vàng cho ngành xuất khẩu thủy sản Việt Nam, UBND tỉnh đã ký kết quy chế phối hợp với 7 tỉnh ven biển gồm: Bình Thuận, Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, nhằm nỗ lực tìm mọi giải pháp ngăn chặn tình trạng đánh bắt thủy sản trái phép, hướng dẫn ngư dân tuân thủ các quy định về khai thác thủy sản. |
Bài, ảnh: Biên Cương