Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Buội kiểm tra tàu cá trên hệ thống giám sát hành trình tại Cảng cá Ba Tri.
Diễn biến phức tạp
Toàn tỉnh có hơn 3,8 ngàn phương tiện khai thác thủy sản tập trung ở 3 huyện Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú. Trong đó, có trên 2,1 ngàn phương tiện khai thác xa bờ. Qua công tác tuyên truyền, hỗ trợ và áp dụng các biện pháp chế tài nên việc chấp hành các quy định về IUU của ngư dân được nâng lên rõ rệt. Thời gian qua, UBND tỉnh và các ngành chức năng tỉnh đã chỉ đạo, kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác biển, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về lãnh hải. Trong 9 tháng năm 2021, tỉnh xử phạt vi phạm lĩnh vực này số tiền 3,2 tỷ đồng.
Số lượng tàu vi phạm vùng biển nước ngoài trong 9 tháng qua giảm. Ý thức chấp hành của ngư dân, chủ tàu nâng lên. Tỷ lệ lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tương đối tốt. Đa số đều chấp hành pháp luật trong khai thác thủy sản như: bảo đảm an toàn kỹ thuật, giấy phép khai thác, duy trì hoạt động giám sát hành trình khi khai thác, cập cảng, rời cảng… Đến nay, toàn tỉnh có 98,8% tàu cá thuộc diện bắt buộc lắp đặt thiết bị giám sát tàu cá. Số phương tiện còn lại chưa lắp đặt thuộc diện ngưng hoạt động và tàu mất tích.
Tình trạng tàu cá vi phạm khai thác hải sản vùng biển nước ngoài có giảm nhưng chưa vững chắc, còn diễn biến phức tạp. Từ đầu năm 2021 đến nay, có 7 tàu vi phạm vùng biển nước ngoài. Tỉnh đã ban hành 4 quyết định xử phạt chủ tàu, với tổng số tiền phạt 3,2 tỷ đồng. Hiện 3 tàu còn lại đang hoàn chỉnh hồ sơ để ra quyết định xử phạt.
Theo thống kê của ngành chức năng, tàu cá vi phạm của tỉnh đang xếp thứ 2 sau Kiên Giang và đang bị cảnh báo là đối tượng sẽ bị Ủy ban châu Âu kiểm tra trong lần tới.
Siết chặt xử lý
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh cho hay: Thời gian tới, để tăng cường công tác quản lý đoàn tàu cá, các ngành, địa phương siết chặt xử lý tàu cá vi phạm đánh bắt trái phép tại vùng biển nước ngoài. Đồng thời, vừa đẩy mạnh tuyên truyền cho ngư dân, vừa tăng cường giám sát, xử phạt để người dân nghiêm túc thực hiện.
Với tinh thần quyết tâm của Việt Nam là sớm gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu và nghiêm túc thực hiện cam kết của Chủ tịch UBND tỉnh với Thủ tướng Chính phủ là cuối năm không còn tàu vi phạm vùng biển nước ngoài, tỉnh đề ra nhiều giải pháp thực hiện. Cụ thể, tỉnh thành lập 2 tổ chuyên trách giám sát tàu cá thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Hai tổ này sẽ giám sát, theo dõi, xử lý các tàu khai thác vi phạm, mất tín hiệu giám sát và các hành vi liên quan quản lý, sử dụng thiết bị giám sát.
Tỉnh đã xây dựng cơ chế phối hợp với các tỉnh có liên quan trong quản lý tàu cá của tỉnh hoạt động; ban hành nghị quyết hỗ trợ ngư dân một phần cước phí thuê bao thiết bị giám sát tàu cá trong 2 năm. Các huyện có tàu đăng ký tại tỉnh nhưng chủ yếu hoạt động tại các tỉnh khác, tỉnh tiếp tục liên kết các tỉnh bạn để quản lý chặt các tàu này để có phương án tuyên truyền, cũng như xử lý khi vi phạm.
Lực lượng bộ đội biên phòng đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát, kiên quyết không cho xuất bến đối với các tàu cá không đảm bảo điều kiện theo quy định; kịp thời phát hiện, xác minh, xử lý nghiêm các trường hợp vượt đường ranh giới trên biển, các trường hợp khai thác hải sản trái pháp luật, vi phạm chủ quyền vùng biển nước ngoài, các trường hợp môi giới đưa tàu cá và ngư dân ra nước ngoài không đúng quy định của pháp luật hoặc tổ chức đưa người xuất, nhập cảnh trái phép.
Tại hội nghị trực tuyến sơ kết hoạt động Ban Chỉ đạo 689 về chống khai thác IUU, Ủy viên Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy Lê Đức Thọ nhấn mạnh: “Các địa phương, ngành liên quan phải cương quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm khai thác IUU. Địa phương nào lơ là, không quyết liệt, để đến cuối năm 2021 vẫn còn tàu vi phạm thì phải chịu trách nhiệm trước cấp ủy và Tỉnh ủy”. |
Bài, ảnh: Phan Hân