Site banner

Con người biết làm cho “Than hồng nhen thành lửa ngọn”

Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát (Sáu Phát, Tám Chí) từng giữ các nhiệm vụ: Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch - Đoàn Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam.

Ông chào đời ngày 15/2/1913, tại xã Châu Hưng, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Năm 1938, Huỳnh Tấn Phát đậu thủ khoa ngành kiến trúc tại trường Mỹ thuật Đông Dương ở Hà Nội. Năm 1941, ông đoạt giải nhất cuộc thi thiết kế và xây dựng Khu trung tâm hội chợ triển lãm Đông Dương. Là một trí thức lớn, kiến trúc sư nổi tiếng, ông "xếp bút nghiên lên đường tranh đấu". Tháng 3/1945, ông được đứng vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản, chiến đấu vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội của đất nước. Nhà văn Thép Mới viết về kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát: "Phong thái anh không lẫn với ai khác được. Anh đã sống nhiều năm ở vùng Tam Giác Sắt không khác gì các chiến sĩ, đồng bào. Lính trẻ Củ Chi chịu anh tình thương lính tráng. Cô bác Phú Hòa Đông, Nhuận Đức quý anh như bạn, như người cao tuổi trong gia đình. Ai cũng trọng anh, nhưng không ai coi anh là nhân sĩ. Anh là người vận động cụ thể, tổ chức cụ thể, chăm lo thể hiện những chủ trương cụ thể về công tác Mặt trận và vận động trí thức ở thành. Anh đã là anh rồi, nên không nghĩ đến cá nhân nhiều… Cái cách anh quan hệ, ứng xử với các bạn trí thức, đến với cách mạng cũng có những nét riêng. Anh không hùng biện, không sắc cạnh, không bắt ai phục mình. Ánh sáng là ánh sáng chung của cuộc đời. Tự anh không phát sáng. Nhưng anh biết làm cho "than hồng nhen thành lửa ngọn". Anh thuyết phục họ bằng chính con người anh, một con người Sài Gòn, lẽ ra có thể sống ít nhiều dư giả lắm chứ, nếu muốn. Vậy mà, anh dấn thân vào trường kỳ kháng chiến, dấn thân đến cùng, sống cách mạng một cách chân thật, tự nhiên, trong trẻo" (Báo Nhân dân, số 14-10-1989).

Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, chủ tịch Mặt trận Dân tộc giải phóng Khu Sài Gòn - Gia Định (bên trái) và nhà báo Vũ Tùng, chủ tịch Hội Nhà báo Giải phóng miền Nam tại Đại hội Mặt trận (1962). Ảnh: T.L

Người bạn đời, cũng là đồng chí của kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát là bà Bùi Thị Nga, nguyên Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Cả cuộc đời của hai vợ chồng kiến trúc sư đều cống hiến cho cách mạng, dân tộc. Hạnh phúc của họ xứng danh "Hạnh phúc non sông/Hạnh phúc nhà". Giờ phúc sống bên nhau của họ hiếm hoi. Khi chiến đấu xa nhau vợ chồng kiến trúc sư thương yêu, lo lắng, động viên nhau qua những lá thư. Những lá thư - có cánh yêu thương ấy thật sự lay động tình người. Trong bài viết ngắn này, chúng tôi trân trọng in lại một bức thư "Anh của em – 8 Chí" gửi cho vợ - bà Bùi Thị Nga.

"12/6/69

Em yêu của anh,

Có lẽ em đã nghe trên đài những việc đã làm. Trong thời gian làm cuộc ấy anh túi bụi quá không sao viết thư cho em được, chắc em cũng hiểu cho anh.

Nay coi như đã xong việc chính, nhưng rồi phải bắt tay vào làm việc khác nó đẻ ra, tổ chức ăn ở, bộ máy làm việc, nhân sự…và bao việc đối ngoại phải làm.

Về việc cũ cũng phải sắp xếp lại và ổn định tư tưởng, tổ chức…

Cũng có nhiều ngày rất mệt nhưng cũng cuốn vô công việc thì cũng quên mệt và có điều trái ngược là mấy bữa gần đây anh lại ăn ngon và bắt buồn ngủ hoài nên mặt anh no tròn.

Làm kỳ này cũng long trọng lắm hơn cả Đại hội lần thứ 2 của Mặt trận Dân tộc Giải phóng. Cũng có uy thế lắm đúng với tầm quan trọng của sự kiện lịch sử ấy. Có chụp hình quay phim nhiều, xây dựng được ngay một cuộn phim cho Televison gửi đi vài ngày sau. Phim cũng khá đẹp và đang xây dựng phim tài liệu…

Trong lúc làm việc này, nhớ đến em lắm. Và khách cũng thường hỏi sao không rước em về chơi (họ hỏi theo quan niệm của họ). Nhưng phải có em ở đây, anh nghĩ chắc cũng vui và giúp anh nhiều, nhứt là khi mệt hôn em chắc cũng thấy khỏe lắm nhưng cũng đồng thời lo âu túi bụi quá ăn ngủ và làm việc không giờ giấc và vô tổ chức chắc cũng không khỏi bị em nhằn hoài.

Sức khỏe của em hổm rày ra sao, em. Em đã được số thuốc anh nhờ anh 3 Hương đem về cho em không. Em nhớ uống thuốc nghe em.

Anh 6 Cung cho biết hôm ở miền Bắc có gặp Gương và thăm mấy đứa con của mình. Gương đã nhờ anh nói với anh Khai phụ trách tổ chức để cho Tuấn vào trường thiếu niên quân đội. Anh Khai hứa sẽ giải quyết.

Hổm rày anh không có về nhà lâu rồi, nên có thể có một số thơ em mà anh chưa coi và trả lời. Bữa nay anh về nhà.

Hôn em nhiều

8

- Anh về nhà sẽ lấy thêm thuốc gửi qua em, vì còn một phần ở nhà anh không dám gửi theo đường thường sợ mất.

- Kèm theo đây một số hình khi anh với anh 10 đi công tác."

 Minh Trấn