Bằng những việc làm thiết thực như trao Quốc kỳ, ống nhòm, ngư lưới cụ… và mới đây trên đỉnh núi Thới Lới, Trung ương Đoàn đã chính thức khánh thành cột cờ Tổ quốc từ đóng góp của hàng trăm nghìn sinh viên trên khắp mọi miền đất nước như là một lời hứa của tuổi trẻ trong công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.
Cột cờ Tổ quốc trên đỉnh núi Thới Lới.
Biển đảo là nguồn sống của ngư dân, là một phần bờ cõi thiêng liêng của Tổ quốc. Không chỉ người lớn, người cầm trịch vận mệnh đất nước lo toan mà những người trẻ cũng luôn hướng về biển đảo. Tình yêu ấy được thể hiện qua những việc làm cụ thể, thiết thực, là nguồn cảm hứng mạnh mẽ để tô thêm sắc màu tình yêu biển, đảo quê hương của tuổi trẻ nơi đất liền. Họ tiếp thêm sức mạnh để những "hùng binh Hoàng Sa" thời đại mới yên tâm vượt trùng dương… Và tình yêu biển ấy còn thể hiện bằng hình ảnh 900 sinh viên khoác cờ Tổ quốc lên người để xếp dòng chữ "VIỆT NAM" ngay trên đỉnh núi Thới Lới (Lý Sơn) với một rừng cờ đỏ sao vàng. Và mới đây, Lễ khánh thành cột cờ Tổ quốc trên đỉnh núi Thới Lới được tổ chức trang nghiêm và hùng tráng như minh chứng một điều giản dị nhưng tự hà Tuổi trẻ luôn sẵn sàng hành động vì biển đảo.
Chị Nguyễn Thị Hà- Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương chia sẻ: Ước mong của sinh viên gửi đến thế hệ ngư dân trẻ Lý Sơn nói riêng và cả nước nói chung qua cột cờ Tổ quốc là mỗi chuyến ra khơi của họ không chỉ đơn thuần là làm ăn mà còn mang trên mình một sứ mệnh thiêng liêng là bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Không chỉ các bạn trẻ ở đất liền mà những thanh niên nơi đảo tiền tiêu cũng luôn "đốt cháy" niềm tin đến với biển. Dù gặp nhiều khó khăn, trở ngại do thiên tai, nhân tai trên biển, hay giá dầu tăng, nhưng những ngư dân thuộc thế hệ 8x, 9x vẫn nổ máy cho tàu vươn khơi trực chỉ Hoàng Sa, Trường Sa. Trên nóc những con tàu hàng trăm mã lực sừng sững vượt trùng khơi là hình ảnh Quốc kỳ no gió tung bay hiên ngang giữa Biển Đông.
Hội viên CLB ngư dân trẻ xã An Hải trao đổi kinh nghiệm trên tàu cá.
Mới 19 tuổi, nhưng chàng ngư phủ Trương Đình Thanh, thôn Đông, xã An Hải, đã có thâm niên 3 năm bám biển. Đang cùng anh em thuyền viên chuẩn bị lương thực cho phiên biển cuối năm, Thanh cho biết, gia đình Thanh đã có năm đời sinh sống trên đảo Lý Sơn và gắn bó với biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa. "Những năm trước, hoạt động trên biển khó khăn lắm vì chưa có sự gắn kết giữa các ngư dân. Từ ngày được kết nạp thành hội viên CLB ngư dân trẻ xã An Hải, mình được hỗ trợ nhiều thứ và nhất là có niềm tin lớn khi trên biển luôn có thuyền bạn đồng hành và ở đất liền luôn có hàng triệu con người dõi theo trên từng con sóng" – anh Thanh tâm sự.
Chàng ngư phủ trẻ Trương Đình Bình (SN 1992) thì bảo, cha ông của mình đã cắm mốc, dựng bia khẳng định chủ quyền biển đảo Tổ quốc, mình là hậu thế nên phải giữ gìn. Biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa là của đất nước mình nên mình phải nối nghiệp cha ông vươn ra biển. Đó không chỉ là mưu sinh mà sự hiện diện của mình trên biển còn chứng tỏ biển đó là của Tổ quốc mình một cách hợp pháp. "Ra giữa biển mênh mông sóng nước mà nhìn lá cờ Tổ quốc tung bay trong gió càng làm mình thêm tự hào, thêm yêu Tổ quốc và yêu biển hơn", Bình chia sẻ.
Một mùa xuân mới lại đến, trên đỉnh núi Thới Lới Quốc kỳ thiêng liêng của Tổ quốc tung bay trên bầu trời xanh hướng về Hoàng Sa, Trường Sa như một lời khẳng định: Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam! Đồng thời, thể hiện ý chí và quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo Tổ quốc của tuổi trẻ Việt Nam./
(Báo Quảng Ngãi)
Nguồn: vietnam.vn