Theo mạng tin "Stratfor," việc Trung Quốc gần đây công bố những quy định đánh bắt cá mới ở Biển Đông đã gây tức giận cho các nước láng giềng và Mỹ.
Động thái này được đưa ra tiếp sau tuyên bố của Trung Quốc thiết lập Khu vực Nhận dạng Phòng không (ADIZ) trên quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư ở Biển Hoa Đông, khiến Mỹ phải triển khai máy bay B-52 bay qua khu vực như một thách thức đối với tuyên bố của Trung Quốc và công khai bảo vệ Nhật Bản.
Đương đầu với sức mạnh quân sự Mỹ-Nhật, liệu Trung Quốc có bảo vệ được tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Điếu Ngư/Senkaku, hoặc có khống chế được quần đảo Trường Sa ở Biển Đông hay không?
(Tàu tuần dương Trung Quốc ở gần vùng đảo tranh chấp trên biển Hoa Đông. AFP/ TTXVN)
Theo Stratfor, tới nay, Trung Quốc vẫn dọa dẫm nhiều hơn là làm thật. Do Trung Quốc đang phải dàn sức trên cả hai mặt trận là biển Hoa Đông và Biển Đông nên ở khía cạnh nào đó, Trung Quốc bị coi là rơi vào thế yếu. Trên thực tế, các hệ thống cảnh báo phòng không và mặt đất sớm của Trung Quốc (dùng để thực thi ADIZ) hoặc là ở quá xa, hoặc vẫn đang trong quá trình chế tạo. Ngược lại, Nhật Bản đã tiến xa hơn một bước. Những yếu kém trong hậu cần hàng hải, cộng với khoảng cách khá xa từ đất liền đến đảo, cũng cản trở việc Trung Quốc chiếm giữ chính thức các đảo ở quần đảo Trường Sa.
Tất nhiên, ngoại trừ Nhật Bản, lực lượng hải quân và tuần duyên Trung Quốc vượt xa bất kỳ quốc gia nào có cùng tranh chấp lãnh hải trong vùng. Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ không thể giành chiến thắng nếu có sự phối hợp giữa các quốc gia đó, bao gồm cả Mỹ. Vì vậy, bất kỳ hành động công khai nào nhằm thay đổi nguyên trạng như chiếm đảo, đối đầu quân sự hoặc thiết lập khu vực nhận dạng phòng không sẽ lôi kéo Mỹ tham gia. Trong khi đó, người Philippines đã công khai kêu gọi mở rộng lực lượng hải quân, không quân Mỹ xung quanh các đảo này. Washington cũng sẽ sớm di chuyển một trong những tàu sân bay hiện đại nhất của mình theo hướng bố trí tại Nhật Bản.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là phải chăng những gì mà chính quyền Bắc Kinh làm chỉ vì dư luận trong nước, chứ thực tế Trung Quốc muốn tránh xung đột với Mỹ? Điều này hoàn toàn đúng. Những gì chúng ta đang chứng kiến chỉ là một loạt gây hấn có kiểm soát, nhằm thỏa mãn dư luận trong nước để giữ tinh thần dân tộc lên cao, củng cố cảm giác về một cường quốc Trung Quốc đang nổi - điều đặc biệt cần thiết cho giới lãnh đạo Trung Quốc trong thời điểm kinh tế tăng trưởng chậm lại.
Việc dọa nạt trên biển cũng giúp Trung Quốc định hình các cuộc đàm phán song phương với các quốc gia liên quan nhờ có sức mạnh hải quân vượt trội, hoặc ít nhất cũng làm nền tảng cho việc thực hiện các tuyên bố chủ quyền bằng cách nhấn mạnh rằng các quốc gia tranh chấp không có khả năng phủ nhận hoàn toàn các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc, điều mà một số quốc gia láng giềng lo ngại.
Do sức mạnh quân sự của Trung Quốc được cho là tăng nhanh hơn bất kỳ quốc gia châu Á nào khác nên thực tế, nếu Bắc Kinh chỉ tỏ ra là "láng giềng tốt," không gây hấn với quốc gia nào hoặc đơn giản chỉ "giấu mình chờ thời" thì lẽ tự nhiên cán cân sức mạnh quân sự ở Thái Bình Dương cũng dần dần chuyển thành lợi thế cho chính họ. Một chiến lược như vậy chắc chắn sẽ hút nhiều quốc gia khu vực rơi vào quỹ đạo ảnh hưởng của Bắc Kinh và giảm đi tính trông chờ vào người Mỹ.
Điều trớ trêu là giới lãnh đạo Bắc Kinh rõ ràng đang chịu sức ép quá lớn từ trong nước, khi tốc độ tăng trưởng kinh tế thần kỳ không còn được như trước. Do vậy, việc cải cách căn bản và tái cân bằng nền kinh tế là điều không thể tránh khỏi.
Tuy nhiên, ngay cả khi cải cách thành công và các nhà lãnh đạo mới trở thành những vị anh hùng như Đặng Tiểu Bình thì nguy cơ bất ổn chính trị và xã hội vẫn có thể xảy ra. Đây chính là lý do khiến tân Chủ tịch Tập Cận Bình vẫn cần đòn bẩy để giảm bớt sức ép dư luận đối với đội ngũ lãnh đạo dưới quyền. Chủ nghĩa dân tộc cũng vì thế có thể dễ dàng bị khuấy động trong bối cảnh này.
Bằng việc liên tiếp tạo ra các "cuộc khủng hoảng" ở cả Biển Đông và Hoa Đông, Trung Quốc đang đi ngược lại những lợi ích chiến lược trung hạn của mình nhằm đạt được các lợi ích ngắn hạn trong nước. Và như vậy, những hành động khiêu khích như dọa dẫm Philippines và gây căng thẳng với Nhật Bản chỉ càng làm củng cố sự liên minh của các quốc gia này với Mỹ, điều mà Trung Quốc chưa bao giờ mong muốn./.
Vietnamplus.vn
Nguồn: vietnam.vn