Site banner

Đảo nhân tạo ở Biển Đông không giúp TQ chiếm được thượng phong

Khi Trung Quốc hoàn tất đảo nhân tạo và làm sân bay trên đó thì nó sẽ là một "tàu sân bay không thể đánh chìm" nhưng không có nghĩa đó là "tàu sân bay bất khả chiến bại".

Bãi Gạc Ma, nơi Trung Quốc đang xây đảo nhân tạo

Dự án xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông có thể kích động một cuộc tấn công từ Hoa Kỳ và Việt nam, theo nhận định của trang Kanwa được điều hành bởi Andrei Chang hay còn gọi là Pinkov – một chuyên gia tại Canada.

Việc xây dựng đang diễn ra tại Johnson South Reef (Việt Nam gọi là Gạc Ma) có thể đặt ra một mối đe dọa cho tất cả các quốc gia tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa gồm Việt Nam, Đài Loan, Malaysia, Brunei và Philippines.

Theo kế hoạch của Chính phủ Trung Quốc, nước này có kế hoạch xây dựng một "tàu sân bay không thể đánh chìm" trong Biển Đông thông qua dự án cải tạo đất lớn hơn nhiều trong khu vực với 2 đường băng và hai cảng hải quân.

Sau khi dự án hoàn tất, Trung Quốc sẽ có khả năng triển khai máy bay ném bom chiến lược H-6 và máy bay chiến đấu tới Biển Đông. Hai cảng hải quân có thể đón bất kỳ tàu chiến nào của Trung Quốc trừ tàu Liêu Ninh. Máy bay H-6 sẽ đặt ra mối đe dọa thêm cho Hoa Kỳ và các đối tác trong khu vực Đông Nam Á. Với phạm vi hoạt động 6000 km và bán kính chiến đấu 1800 km, các máy bay này có khả năng vươn tới tận phía Bắc Australia.

Mặc dù Australia cách 3200 km từ Gạc Ma, nhưng H-6 có khả năng mang được tên lửa hành trình với tầm bắn 2000 km. Điều này có nghĩa là H-6 sẽ có thể tấn công tất cả các căn cứ của Mỹ tại Australia.

Tên lửa chống tàu của Trung Quốc như YJ-83, YJ-12 cũng có thể được sử dụng để phong tỏa tất cả hoạt động vận chuyển tại eo biển Malacca. Bằng cách kiểm soát không phận biển Đông Trung Quốc sẽ có thể ngăn chặn lực lượng Mỹ tại Australia hỗ trợ các đồng minh Đông Á.

Quy mô của dự án đảo nhân tạo vẫn còn chưa rõ ràng. Một dự án tương tự cũng được cáo là đang tiến hành tại Mischief Reef (đá Vành Khăn). Khi Gạc Ma hoặc Vành Khăn trở thành "tàu sân bay không thể đánh chìm", các nước như Việt Nam, Indonesia, Malaysia và Singapore sẽ nằm trong phạm vi các cuộc không kích chiến thuật của Trung Quốc. Trong đó Singapore hiện đang là một trong những căn cứ chính cho các tàu chiến ven biển của Hải quân Mỹ.

Tuy nhiên, theo Kanwa, một "tàu sân bay không thể đánh chìm" không phải là một "tàu sân bay bất khả chiến bại". Từ Gạc Ma và Vành Khăn đến thành phố Hồ Chí Minh ở miền Nam Việt Nam chỉ có 850 km. Điều này có nghĩa là hai hòn đảo nhân tạo này nằm trong phạm vi chiến đấu của máy bay chiến đấu Su-30MK2 của Không quân Việt Nam. Khi có trường hợp xung đột xảy ra, Việt Nam có thể sẽ lựa chọn tấn công phủ đầu vào hai hòn đảo này.

Trong trận hải chiến 1988, Trung Quốc thấy rõ sự bất lợi vì các máy bay của họ chưa vươn tới được khu vực Trường Sa. Trong một bài viết gần đây của viên tướng từng chỉ huy lực lượng Hải quân Trung Quốc ở Trường Sa năm 1988 thì lúc ráp mặt các Su-22 của Việt Nam, người Trung Quốc mơ ước họ có một tàu sân bay.

Giờ đây họ đã có tàu Liêu Ninh nhưng con tàu chắp vá này còn quá nhiều khiếm khuyết để có thể đưa ra tác chiến. Bởi vậy Trung Quốc ráo riết xây dựng đảo nhân tạo ở đá Gạc Ma và đá Vành Khăn hòng làm bàn đạp để triển khai binh lực ra Biển Đông. Việc xây dựng này trong một vài năm có thể hoàn thành nhưng dù cho có hoàn thành thì nó cũng khó giúp cho Trung Quốc chiếm thế thượng phong để chiếm Biển Đông.

Lý do rất đơn giản là các đảo nhân tạo này nằm chơ vơ giữa biển và nằm giữa các nước mà Trung Quốc có tranh chấp biển đảo. Khoảng cách từ các nước này đến đảo nhân tạo gần hơn nhiều so với khoảng cách từ đảo Hải Nam của Trung Quốc ra. Lực lượng không quân các nước này vẫn có lợi là gần hơn khi đối đầu với Không quân Trung Quốc ở khu vực Gạc Ma, Vành Khăn.

Để đồn trú lực lượng trên các đảo nhân tạo, Trung Quốc phải tổ chức hậu cần từ nơi gần nhất là Hải Nam ra hoặc bằng tàu thủy hoặc bằng máy bay. Một khi bùng nổ xung đột ở khu vực các đảo nhân tạo, việc đảm bảo hậu cần cũng là một điểm yếu của Trung Quốc./.

Theo vietnam.vn