Site banner

Hành vi “đảo hóa” của Trung Quốc đang hủy hoại nghiêm trọng môi trường Biển Đông

Hành vi "đảo hóa" của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam đang làm hủy hoại nghiêm trọng môi trường, làm mất cân bằng sinh thái Biển Đông, vi phạm luật pháp quốc tế và đi ngược lại với xu hướng của khu vực về bảo vệ môi trường biển.

Gần đây, cộng đồng quốc tế đang hết sức quan ngại trước việc Trung Quốc lấn biển, cải tạo đảo với quy mô lớn chưa từng có tại các thực thể đang chiếm đóng bất hợp pháp trên Biển Đông. Theo một số nguồn tin công khai như Tạp chí quân sự Jane's Defence Weekly, Asia Maritime Transparency Initiative, Dự án Đại sự ký Biển Đông,…, từ khoảng cuối năm 2013 đến đầu năm 2014, Trung Quốc đã tiến hành các hoạt động lấn biển, nạo vét, san lấp và cải tạo với quy mô rất lớn đồng loạt trên nhiều thực thể do quốc gia này chiếm đóng trên Biển Đông. Đặc biệt nghiêm trọng là tại sáu bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép (Chữ Thập, Châu Viên, Ga Ven, Huy Gơ/Tư Nghĩa, Gạc Ma và Xu Bi). Theo các ảnh vệ tinh mới nhất mà Jane's Defence Weekly công bố thì đến nay Trung Quốc đang dần dần biến bãi đá Chữ Thập từ một bãi đá san hô có phần lớn diện tích nằm thấp hơn mực nước biển thành một đảo nhân tạo có khả năng chứa một đường băng dài khoảng 3000 m, hoàn toàn phù hợp cho việc cất và hạ cánh của các máy bay quân sự. Hành vi này của Trung Quốc đã bị nhiều quốc gia, tổ chức cũng như các học giả trong và ngoài khu vực phản đối và lên án, khẳng định đây là hành vi làm phức tạp tình hình Biển Đông, vi phạm Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) ký năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc, đơn phương phá vỡ nguyên trạng, vô hiệu hóa Bộ Quy tắc ứng xử (COC) đang được bàn thảo và phá hoại môi trường biển.

Hành vi "đảo hóa" này của Trung Quốc đã hủy hoại nghiêm trọng môi trường biển của quần đảo Trường Sa, một vùng biển rất quan trọng cho sự cân bằng sinh thái của Biển Đông,vi phạm nhiều quy định của luật pháp quốc tế và đi ngược lại với xu thế khu vực về bảo vệ môi trường biển.

Theo các nhà khoa học, các rặng san hô ở Trường Sa là nơi các loài cá ở Biển Đông được sinh ra trước khi theo thủy triều phát tán đến các vùng biển ven bờ Philippines, Trung Quốc, Việt Nam và Indonesia. Nhà sinh học biển người Mỹ John McManus, Đại học Miami, đã gọi quần đảo Trường Sa là "ngân hàng tài nguyên sinh vật" của Biển Đông. Trong một tuyên bố gần đây, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippinescho biết các hoạt động xây dựng đảo của Trung Quốc ở Biển Đông đã phá hủy khoảng 300 mẫu vuông (tức là khoảng 121héc-ta) san hô và chắc chắn con số này chưa phải là cuối cùng. Hành động phá hủy san hô này có thể dẫn đến phá hỏng cân bằng sinh thái, suy giảm đa dạng sinh học cũng như làm giảm nguồn lợi thủy sản ở Biển Đông, đe dọa đến nguồn sống duy nhất của hàng triệu ngư dân (trong đó có cả ngư dân Trung Quốc) trong khu vực. Giáo sư Edgar Gomez của trường Đại học Philippines đã tính toán đóng góp của mỗi héc-ta san hô ở Trường Sa cho cuộc sống của những người dân sống xung quanh Biển Đông được tính ra bằng tiền là vào khoảng 350.000 đô-la Mỹ/năm. Như vậy, hành vi "đảo hóa" của Trung Quốc đã và đang làm thiệt hại của các nước khu vực ít nhất là 108,9 triệu đô-la Mỹ mỗi năm.

Trung Quốc đã vi phạm các quy đinh về bảo vệ và bảo tồn môi trường biển và hợp tác bảo vệ môi trường biển của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982. Theo Điều 192 của Công ước thì các quốc gia có nghĩa vụ phải bảo vệ và bảo tồn môi trường biển. Điều 123 của Công ước yêu cầu các quốc gia ven biển kín hoặc nửa kín phải cố gắng phối hợp quản lý, bảo tồn, thăm dò và khai thác các nguồn tài nguyên sinh vật của biển.

Trung Quốc cũng vi phạm các quy định của Công ước bảo vệ đa dạng sinh học năm 1992 liên quan tới nghĩa vụ không được để các hành động do mình kiểm soát gây hại đến môi trường của các quốc gia khác và nghĩa vụ đánh giá tác động môi trường. Điều 3 của Công ước yêu cầu các quốc gia có trách nhiệm đảm bảo các hoạt động do mình kiểm soát không được gây hại đến môi trường của các quốc gia khác. Điều 14 của Công ước quy định một quốc gia phải tiến hành đánh giá tác động môi trường trước khi thực hiện những dự án có thể gây ra hậu quả có hại tới đa dạng sinh học. Trong phát biểu ngày 9/4/2015, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói các dự án của Trung Quốc đã được "đánh giá và kiểm tra chặt chẽ về mặt khoa học" và được thực hiện "dựa trên những tiêu chuẩn cao về bảo vệ môi trường" và "tính toán đầy đủ về mặt bảo vệ môi trường và nguồn lợi thủy sản". Tuy nhiên, cho đến giờ, Trung Quốc vẫn chưa đưa ra được bất cứ bản đánh giá độc lập, khách quan nào về tác động môi trường của những hoạt động này.

Hành vi "đảo hóa" của Trung Quốc chínhlà cơ sở để một cơ quan tài phán quốc tế có thẩm quyền đưa ra các biện pháp tạm thời nhằm tránh gây tổn hại nghiêm trọng cho môi trường biển. Điều 290 (1) của Công ước Luật biển quy định một tòa án quốc tế có thể đưa ra một biện pháp tạm thời bất kỳ nhằm tránh những tổn thương nghiêm trọng đến môi trường biển trước khi đưa ra phán quyết của mình. Trên thực tế, trong các Án lệnh của mình, cả Tòa án Công lý Quốc tế và Tòa án Luật biển Quốc tế đều đã cho rằng các hành động tương tự như những gì Trung Quốc đang làm là gây tổn hại nghiêm trọng cho môi trường biển và là cơ sở để thiết lập các biện pháp tạm thời.Trong vụ Thềm lục địa biển Ê-gê giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ, Tòa án Công lý Quốc tế, trong Án lệnh số 11 ngày 11/9/1976, đã khẳng định một cách gián tiếp rằng các hành vi có nguy cơ gây ra tổn thương vật lý đối với đáy biển, lòng đất dưới đáy biển hoặc tài nguyên thiên nhiên tại các khu vực này như "việc xây dựng trên hay dưới đáy biển của thềm lục địa" có thể là cơ sở để Tòa đưa ra các biện pháp tạm thời. Trong vụ Cải tạo đất trong và xung quanh vịnh Johor giữa Malaysia và Singapore, Tòa án Luật biển Quốc tế đã ra Án lệnh ngày 8 tháng 10 năm 2003 cho rằng Singapore không được tiếp tục tiến hành các hoạt động cải tạo đất theo hướng có thể gây ra tổn thương nghiêm trọng đối với môi trường biển.

Các hoạt động của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa hoàn toàn đi ngược lại xu thế khu vực về bảo vệ môi trường biển. Nó diễn ra trong khi nhiều bên có yêu sách chủ quyền ở khu vực này như Việt Nam, Philippines và thậm chí là cả Đài Loan cũng như là giới học giả đều đang kêu gọi thiết lập các khu bảo tồn biển để bảo vệ môi trường biển của quần đảo Trường Sa (từ năm 2010, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã ban hành Quyết định số 742/QĐ-TTG phê duyệt Quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển đến năm 2020 theo đó dự kiến sẽ thiết lập một khu bảo tồn biển tại đảo Nam Yết). Bên cạnh đó, nhiều tổ chức khu vực về bảo vệ môi trường biển mà Trung Quốc cũng là một thành viên như Cơ quan Điều phối các vùng biển Đông Á (COBSEA) hay Tổ chức Đối tác quản lý môi trường các vùng biển Đông Á (PEMSEA) đã và đang cố gắng thúc đẩy hợp tác nhằm bảo vệ các rặng san hô ở Biển Đông, khu vực được coi là có một trong những hệ sinh thái san hô đa dạng và phong phú vào bậc nhất trên thế giới.

Như vậy, rõ ràng là hành vi "đảo hóa" của Trung Quốc đã và đang hủy hoại nghiêm trọng môi trường Biển Đông, vi phạm luật pháp quốc tế và hoàn toàn đi ngược xu thế khu vực về bảo vệ môi trường biển.

Vũ Hải Đăng là nghiên cứu viên Viện Biển Đông, giảng viên Khoa Luật Quốc tế - Học viện Ngoại giao Việt Nam và chuyên gia của IUCN's World Commission on Environmental Law. Bài viết phản ánh quan điểm cá nhân của tác giả.

Nguồn vietnam.vn