Site banner

Hoa Kỳ đang làm gì ở Biển Đông vào lúc này?

Thông báo chính phủ Trung Quốc rằng họ "sẽ sớm hoàn thành dự án cải tạo đất của mình" có thể là một chỉ dấu cho thấy nước này đang cố gắng để hạ bớt căng thẳng ở Biển Đông. Hoa Kỳ đã kêu gọi chấm dứt những dự án này. Đăng trên BBC ngày 17/6 vừa qua tác giả Bill Hayton cho biết.

Tuy nhiên, rất có thể Trung Quốc sẽ không ngừng tất cả công việc xây dựng của họ. Có nhiều khả năng thông báo này chỉ báo hiệu sự kết thúc của một giai đoạn – bồi đắp đất - và bắt đầu khác một giai đoạn khác - hoàn tất việc xây dựng các cơ sở ở 

Ảnh: EPA

Thái độ của Trung Quốc đối với những chỉ trích của Mỹ xem ra có thể tóm tắt lại bằng lời cảnh báo của họ đối với chiếc máy bay do thám Mỹ bay gần các căn cứ này vào tháng trước: "Hãy rời khỏi đây ngay." Phản ứng của phi công Mỹ cũng thẳng thừng như vậy, "Tôi đang... tiến hành các hoạt động quân sự hợp pháp trên không phận quốc tế." Mỹ không lùi bước trong trận đấu này.

Sự cố máy bay lần này diễn ra sau khi quân đội Mỹ  công bố một video cho thấy một tàu khu trục nhỏ của Trung Quốc bám đuôi một tàu chiến Mỹ khi nó đi qua đúng vùng biển đó. Dường như Mỹ và Trung Quốc đang hướng tới một vụ đụng độ tại một trong những tuyến hàng hải có ý nghĩa chiến lược nhất thế giới.

Tuần trước, một trong những tướng lĩnh cao cấp nhất của Trung Quốc đã có chuyến thăm năm ngày đến các căn cứ quân sự của Mỹ, mà đỉnh cao là cuộc hội đàm căng thẳng với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter tại Washington DC. Chúng ta biết rất ít về những gì họ đã nói với nhau vì tướng Phạm Tường Long từ chối cơ hội tổ chức một cuộc họp báo, còn thông cáo báo chí của Lầu Năm Góc cho biết nhiều hơn chút ít rằng họ đã thảo luận về "các vấn đề quan trọng hai bên cùng quan tâm."

Đáng chú ý là chỉ có hai vấn đề mà phía Mỹ đã chọn để tập trung vào: "Sự quan ngại Mỹ về Biển Đông" và giảm thiểu "nguy cơ tính toán sai lầm hoặc các sự cố  khi máy bay hai nước hoạt động gần nhau." Nói cách khác, Washington đã làm rõ với Bắc Kinh rằng họ sẽ tiếp tục làm những gì mà họ đã làm từ trước tới nay trong tương lai gần.

Với phía Trung Quốc, hoạt động của các máy bay và tàu chiến Mỹ xem ra đơn giản chỉ là một vụ bắt nạt. Thiếu tướng Yao Yunzhu, Giám đốc Trung tâm Quan hệ Quốc phòng Trung-Mỹ, Học viện Khoa học Quân sự Trung Quốc, nói với tuần báo tin tức chính thức Beijing Review rằng, "Biển Đông trước đây bình lặng giờ đã đánh mất đi sự yên tĩnh của nó từ khi Washington bắt đầu chiến lược xoay trục sang châu Á. "

Hầu hết sự chú ý gần đây vào Biển Đông tập trung vào việc "xây đảo" gây bức xúc của Trung Quốc. Trong hai năm qua, nước này đã biến chín rạn san hô ở quần đảo Trường Sa thành các căn cứ lớn. Tất cả đều sẽ có bến cảng, có khả năng chứa các tàu hải quân lớn và sẽ có hai đường băng, mỗi đường băng dài 3.000 m. Mặc dù có thông báo mới này, nhưng rất ít khả năng Trung Quốc ngừng các công trình xây dựng này. Cùng lắm, Trung Quốc chỉ có thể giảm tốc độ xây dựng mà thôi.

Điều quan trọng cần lưu ý là Trung Quốc đã không chiếm đóng bất cứ vùng lãnh thổ mới nào trong những nỗ lực xây dựng đảo này. Nước này đã kiểm soát tám trong số những rạn san hô từ năm 1988 và chiếm rạn san hô thứ chín, Đá Vành Khăn (Mischief Reef), vào năm 1994. Tuy nhiên, các cơ sở mới này nâng cao rất nhiều năng lực quân sự của họ ở phần phía nam Biển Đông: hơn một ngàn cây số từ lục địa Trung Quốc.

Hoa Kỳ, cùng với các nước khác, đã nhiều lần kêu gọi Trung Quốc chấm dứt việc xây đảo. Cho đến hôm nay, Trung Quốc vẫn làm ngơ trước những lời kêu  gọi này, khiến cho một số nhà bình luận chỉ trích sự thiếu rõ ràng trong một chiến lược tổng thể của Mỹ ở Biển Đông. Nhưng dường như Washington không mấy trông đợi một cách nghiêm túc rằng Trung Quốc hoàn toàn chấm dứt các dự án dân dụng quy mô lớn của họ. Trọng tâm của Washington mang tính chiến lược hơn, tinh tế hơn và có khả năng loại bỏ phần lớn căng thẳng và nguy hiểm từ những tranh chấp ở Biển Đông.

Mỹ đã duy trì quan điểm nhất quán về các tranh chấp trong hơn 70 năm qua, được tổng kết của trong tuyên bố tháng 5/1995 rằng, "Hoa Kỳ sẽ không đứng về bên nào trong các vấn đề pháp lý liên quan đến tuyên bố chủ quyền mâu thuẫn nhau đối với chủ quyền trên các đảo, đá ngầm, rạn san hô và bãi cạn ở Biển Đông." Washington không quan tâm đến việc nước nào kiểm soát thực thể nào. Nếu có một cuộc chiến tranh nóng thực sự xảy ra, Hải quân Mỹ có thể vô hiệu hóa tất cả các căn cứ trên các đảo chỉ trong một sớm một chiều.

Những gì Washington thực sự quan tâm là luật lệ chi phối thế giới và các luật lệ đó - chứ không phải việc xây dựng đảo - là trọng tâm trong chiến lược hiện nay của họ. Trong tháng Năm vừa qua, quan chức Mỹ phụ trách quan hệ với Trung Quốc, Trợ lý Ngoại trưởng Daniel R. Russel, phát biểu tại một phiên điều trần của Thượng viện rằng, "Về cơ bản, những vấn đề an ninh hàng hải này là luật lệ, chứ không phải là các bãi đá ngầm."

Điều đó đã được củng cố bởi các tuyên bố chính thức của các nhà lãnh đạo các nước G7 vào tuần trước, nói rằng: "Chúng tôi cam kết duy trì một trật tự dựa trên các luật lệ trong lĩnh vực hàng hải căn cứ vào các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, được phản ánh cụ thể trong Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển. "

Nếu các lãnh đạo Trung Quốc biết lắng nghe thông điệp này và  quản lý để kiềm chế các cơ quan thuộc cấp của mình thì sẽ có cơ hội tốt để hòa bình thắng thế ở Biển Đông. Nếu không, cả  khu vực, và có thể cả thế giới, nên chuẩn bị cho sự va chạm và bất ổn giữa các siêu cường.

Vấn đề đặt ra là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) – đã được nhất trí bởi hầu hết các nước tham gia hàng hải vào ngày 16 tháng 11 năm 1982. Công ước đảm bảo tự do hàng hải cho tất cả  tàu thuyền – cả dân sự và quân sự - ở tại bất kỳ phần nào trên biển ngoài phạm vi 12 hải lý tính từ 'lãnh thổ' đất liền. Trung Quốc đã ký và phê chuẩn UNCLOS, Mỹ cũng đã ký nhưng chưa phê chuẩn, mặc dù các cơ quan chính phủ của Mỹ tuân thủ các điều khoản của Công ước.

UNCLOS đảm bảo sự tự do di chuyển của hàng hóa và các nguồn lực quân sự trên toàn thế giới. Đó là một phần của những gì mà các nhà học thuyết gọi là "nguồn lực chung toàn cầu" (global commons). Theo ngôn từ trong Chiến lược Quân sự Quốc gia 2011 của Mỹ, "Nguồn lực chung toàn cầu" và các lĩnh vực được kết nối toàn cầu tạo thành các mô liên kết mà an ninh và thịnh vượng của tất cả các quốc gia dựa vào đó."

Mối quan ngại của Washington là Trung Quốc dường như đang đe dọa 'nguồn lực chung toàn cầu" bằng cách khẳng định những gì được biết đến như là yêu sách "đường lưỡi bò" của họ ở Biển Đông. Chính phủ Trung Quốc lần đầu tiên in ra đường này trên một bản đồ chính thức vào năm 1947, nhưng chưa bao giờ làm rõ ý nghĩa thực sự của nó là gì. Trong khi Bộ Ngoại giao Trung Quốc và một số học giả về luật pháp dường như coi nó đơn giản là để chỉ ra Trung Quốc đòi hỏi những đảo nào và rạn san hô nào, thì các cơ quan khác - đặc biệt là quân đội, hải cảnh, các công ty dầu lửa quốc doanh và các tỉnh ven biển với các ngành hải sản của Trung Quốc – đã hành động như thể toàn bộ vùng biển này là 'lãnh thổ' của Trung Quốc.

Nếu Trung Quốc vẫn khăng khăng với cách diễn giải "tối đa" này về đường lưỡi bò, điều đó sẽ là một thách thức toàn diện đối với Luật Biển và, nói rộng ra, là thách thức các luật lệ hiện hành đang chi phối cả thế giới cũng như ưu thế quân sự của Hoa Kỳ - bằng cách cắt đứt con đường đi trực tiếp nối Thái Bình Dương với Trung Đông.

Còn về các chuyến bay các chuyến tuần tra hiện tại của hải quân. Chúng không nhằm mục đích ngăn Trung Quốc xây đảo. Chúng có hai mục đích - trước hết là để kiểm tra chính xác những gì mà Trung Quốc đang yêu sách ở Biển Đông. Năm trong số chín thực thể mà Trung Quốc chiếm ở quần đảo Trường Sa bao gồm ít nhất một đá nổi tự nhiên trên mặt nước khi thủy triều lên. Theo UNCLOS, điều này khiến cho chúng trở thành các "đảo" được hưởng vùng lãnh hải rộng 12 hải lý. Bốn thực thể khác ngập dưới nước trong điều kiện tự nhiên khi thủy triều cao và do đó không được hưởng bất kỳ quy chế lãnh hải nào cả.

Điều này vẫn đúng ngay cả khi Trung Quốc đã xây thành đảo nhân tạo trên đó.

Bằng việc cho tàu đi và và máy bay bay đến gần các đảo này, Mỹ hy vọng sẽ buộc Trung Quốc phải 'làm rõ' các yêu sách của họ ở Biển Đông. Có phải Bắc Kinh đang cố gắng để đòi hỏi các thực thể này làm lãnh thổ của mình hay không? Có phải Trung Quốc đòi hỏi lãnh hải 12 hải lý xung quanh các đá hay là đòi toàn bộ trong "đường lưỡi bò" là lãnh thổ của Trung Quốc?

Điểm thứ hai trong chiến lược này là để thể hiện cho Bắc Kinh thấy rằng Hoa Kỳ quan tâm đến những vấn đề này và đang chuẩn bị sử dụng vũ lực để bảo vệ luật lệ quốc tế vốn đã là trụ cột cho sự vượt trội của Mỹ cũng như sự thịnh vượng toàn cầu kể từ Chiến tranh thế giới thứ Hai đến nay. Nếu Bắc Kinh không hiểu điều này thì cả khu vực đang gặp rắc rối.

Điều quan trọng là xem Mỹ đang làm gì trong một bối cảnh rộng lớn hơn. Tháng tới, Tòa án Trọng tài Thường trực tại The Hague sẽ bắt đầu xét xử vụ án do Philippines khởi kiện. Vụ kiện này có thể dẫn đến việc Tòa án phán quyết "đường lưỡi bò" là bất hợp pháp.

Đồng thời, Mỹ đang tăng cường hợp tác quân sự với cũng như giữa các nước đang lo ngại bởi sự  quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc: Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Việt Nam... Tuần trước, Ấn Độ, Nhật Bản và Úc đã tổ chức cuộc đối thoại cấp cao ba bên đầu tiên của họ tại New Delhi, trong đó vấn đề an ninh  và tự do hàng hải nằm trong chương trình nghị sự.

Cùng với nhau giải quyết vấn đề này sẽ tạo ra một chiến lược "đẩy lùi" toàn diện. Trung Quốc giận dữ lên án điều này là sự "ngăn chặn", nhưng tất cả những gì ban lãnh đạo Bắc Kinh phải làm để vô hiệu hóa nó là phải nêu lên một cách rõ ràng và dứt khoát rằng họ  - và tất cả các thuộc cấp của họ: quân đội, hải cảnh, các công ty nhà nước và các tỉnh ven biển – không đòi hỏi tất cả các vùng biển nằm trong đường lưỡi bò làm lãnh thổ của mình và rằng Trung Quốc sẽ tuân thủ UNCLOS. Câu hỏi đặt ra là liệu ban lãnh đạo trung ương có thấy điều đó chính là lợi ích của Trung Quốc không và liệu họ có sức mạnh để áp đặt ý chí của mình lên các cơ quan đầy quyền lực đó không.

Tuần tới, Mỹ và Trung Quốc sẽ tổ chức Đối thoại Chiến lược và Kinh tế thường niên lần thứ bảy ở Washington. Đây sẽ là lúc để nói chuyện một cách thẳng thắn. Vào tháng Chín tới, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ thực hiện một chuyến thăm cấp nhà nước đến Hoa Kỳ. Ba tháng tới đây có thể xác định được liệu rằng chuyến thăm đó đánh dấu thời khắc mà Trung Quốc phát đi ý đồ lật đổ trật tự toàn cầu hiện nay hay sẽ trỗi dậy một cách hòa bình trong trật tự đó.

Nguồn vietnam.vn