Đại sứ Mỹ tại ASEAN Nina Hachigian cho biết, Mỹ vẫn quan ngại với tuyên bố của Trung Quốc rằng sẽ tiếp tục xây dựng trên Biển Đông, bao gồm cơ sở hạ tầng cho mục đích quân sự. Vì vậy, Mỹ sẽ tiếp tục thúc giục Trung Quốc dừng các hoạt động này.
Ngày 22/6, phát biểu với báo giới nhân chuyến thăm đầu tiên đến Hà Nội, Đại sứ Mỹ tại ASEAN Nina Hachigian cho biết, dù Trung Quốc tuyên bố sắp hoàn tất xây dựng đảo nhân tạo ở biển Đông, Mỹ vẫn quan ngại với tuyên bố của họ rằng sẽ tiếp tục xây dựng cơ sở hạ tầng trên các đảo, bao gồm cơ sở hạ tầng cho mục đích quân sự. Vì vậy, Mỹ sẽ tiếp tục thúc giục Trung Quốc dừng các hoạt động này.
Đại sứ Mỹ tại ASEAN Nina Hachigian.
Bà Hachigian tái khẳng định, Mỹ tôn trọng tự do hàng hải và vận tải hàng hóa an toàn trong khu vực này. Mỹ cho rằng, các quốc gia dù nhỏ hay lớn đều phải được bảo vệ. Đại sứ Mỹ khẳng định, Washington không đưa ra quan điểm về tuyên bố chủ quyền cụ thể, nhưng quan tâm rất nhiều đến việc các nước giải quyết tuyên bố chủ quyền của họ như thế nào.
Quy mô Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo trên biển Đông đang tạo ra những lo ngại trong khu vực. Tuy Trung Quốc tuyên bố sẽ hoàn tất xây dựng đảo trong vài ngày tới, Mỹ vẫn tiếp tục quan ngại với tuyên bố của họ rằng sẽ tiếp tục xây dựng cơ sở hạ tầng trên các đảo, bao gồm cơ sở hạ tầng cho mục đích quân sự.
Bà khẳng định, Mỹ khuyến khích tất cả các bên có tuyên bố chủ quyền thừa nhận tình trạng vốn có của các đảo và không quân sự hóa cách thức tiếp cận, nên tham gia vào quá trình ngoại giao để giảm căng thẳng.
Bắc Kinh lại bao biện việc xây đảo nhân tạo
Sau khi bị cộng đồng quốc tế chỉ trích vì đơn phương bồi lấp, xây đảo nhân tạo ở biển Đông, Trung Quốc lại biện bạch rằng, nước này cần phải xây dựng các cơ sở khí tượng trên biển để nâng cao chất lượng dự báo thời tiết, báo South China Morning Post (Hong Kong) ngày 22/6 đưa tin. Trả lời phỏng vấn tờ People's Daily (Trung Quốc), ông Ding Yihui - Viện Kỹ thuật Trung Quốc, và ông Zheng Guoguang - Cục trưởng Cục Khí tượng Trung Quốc cho rằng, việc nước họ xây dựng các cơ sở dự báo khí tượng trên biển sẽ cải thiện chất lượng dự báo thời tiết.
Ông Benjamin Herscovitch, chuyên gia Trung tâm Nghiên cứu Độc lập ở Australia, nhận định, tham vọng về khí tượng của Bắc Kinh chỉ là một phần trong chiến lược nhiều mặt nhằm áp đặt chủ quyền phi lý ở các vùng biển tranh chấp. Theo ông Herscovitch, Bắc Kinh không chỉ sử dụng những chiến lược ráo riết và rủi ro cao như kế hoạch cải tạo đất, xây dựng đường băng và chính sách hải quân bên miệng hố chiến tranh mà còn tìm cách củng cố chủ quyền của mình bằng việc mở rộng hiện diện dân sự tại các vùng biển tranh chấp.
"Bằng cách thành lập các cơ sở khí tượng, vai trò quản lý của Trung Quốc càng gia tăng và giúp yêu sách chủ quyền trên thực tế của Trung Quốc trở nên có vẻ hợp lý hơn", South China Morning Post dẫn lời ông Herscovitch.
Ông Herscovitch nhận định, trong Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ-Trung ở Washington, có khả năng Mỹ sẽ mạnh mẽ phản đối các thúc đẩy về yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc trên biển Đông. Ông nói rằng, Bắc Kinh xem việc giành quyền kiểm soát tuyến đường biển này như "một lợi ích cốt lõi". South China Morning Post dẫn lời giới phân tích dự đoán, Trung Quốc có thể sẽ triển khai các chiến đấu cơ J-11 trên một số đường băng vừa được xây dựng tại các đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa, mở rộng đáng kể phạm vi tác chiến của quân đội nước này khỏi giới hạn từ các căn cứ ở đảo Hải Nam.
Nguồn vietnam.vn