Chiến lược mới của Trung Quốc và hành vi của nước này ở Biển Đông đang bộc lộ những mưu đồ bành trướng của họ, tác giả Felix Lee nhận định.
Ban lãnh đạo Trung Quốc tại Bắc Kinh đã giới thiệu cuốn sách trắng quốc phòng vào cuối tháng Năm vừa qua, phác ra một chiến lược mới để phát triển lực lượng vũ trang của họ. Tài liệu này nói về "sự phòng thủ chủ động" và "mở rộng quân đội vì mục đích hòa bình".
Ảnh: blogspot
Thoạt nhìn, chính phủ Trung Quốc có vẻ vẫn gắn bó trung thành với học thuyết được nhà cải cách vĩ đại của Trung Quốc Đặng Tiểu Bình đề ra trong những năm đầu thập niên 1980: bảo vệ biên giới và các vùng biển ven bờ của đất nước. Ông bác bỏ một chính sách đối ngoại hiếu chiến. Nhưng những lựa chọn thuật ngữ khác đã khiến cho người đọc ngay lập tức chú ý: Bỗng nhiên có việc đề cập đến "sự hiện diện quân sự của Trung Quốc vượt ra ngoài biên giới quốc gia," trong một sự "kết hợp giữa phòng vệ ngoài khơi với bảo vệ trên các đại dương," và rằng ban lãnh đạo của Trung Quốc đưa tầm quan trọng của hải quân và không quân lên trên hết và trước hết. Theo sách trắng, các lực lượng này sẽ tập trung vào "cả phòng vệ và tấn công" trong tương lai. Vậy cái đó là gì? Một chính sách quân sự phòng thủ, hay rốt cuộc là một chính sách quân sự tấn công? Việc kiểm chứng bằng thực tế trong những tháng gần đây cho thấy: rất có thể đây là một sự thay đổi hình thái quan trọng đang diễn ra trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Dường như nó là một thứ gì đó chứ không phải là một chính sách hòa bình.
Bằng chứng rõ nhất về chiến lược quân sự mới của Trung Quốc hiện nay có thể được nhận thấy trong tranh chấp đối với các đảo hiện đang diễn ra ở Biển Đông. Các hình ảnh vệ tinh do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) công bố đã gây sốc cho các nước ven Biển Đông vào đầu năm nay. Những bức ảnh chụp khu vực quần đảo Trường Sa đang có tranh chấp cho thấy hàng chục tàu vận tải chở các máy xúc đang đổ cát sỏi lên các rạn san hô và các bãi cạn, và được kè lại bằng bê tông để tạo ra những hòn đảo mới.
Các nhân viên quân sự Mỹ tin rằng Trung Quốc đang xây dựng một bãi đáp dài 3.000 mét cho các máy bay quân sự trên vùng đất nhân tạo này, ngoài những công trình khác. "Tất cả chúng ta đều biết rằng không có giải pháp quân sự cho các tranh chấp ở Biển Đông," Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter chỉ trích Trung Quốc vào cuối tháng Năm vừa qua tại Đối thoại Shangri-La được tổ chức ở Singapore, hội nghị an ninh quan trọng nhất của châu Á.
Trung Quốc bác bỏ chỉ trích đối với dự án xây đảo của họ. Bắc Kinh đơn giản chỉ muốn có khả năng tốt hơn để thực hiện "các nghĩa vụ quốc tế" của mình, chẳng hạn như các hoạt động cứu hộ trên biển, phòng chống thiên tai, thăm dò biển, dự báo thời tiết và bảo vệ môi trường, Đô đốc Tôn Kiến Quốc, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, người cũng có mặt tại Đối thoại Shangri-La, đã nói như vậy. Ông ta cũng chỉ trích cái mà ông mô tả là các hành động hiếu chiến của các nước láng giềng. Trong sách trắng quốc phòng của mình, Bắc Kinh chỉ trích "một số" nước láng giềng về hành vi khiêu khích, tuyên bố rằng các nước này đã "củng cố sự hiện diện quân sự của họ trên các rạn san hô và các đảo của Trung Quốc bị chiếm đóng một cách bất hợp pháp". Và, sách trắng tiếp tục rằng sự thay đổi trong chiến lược quân sự là để đáp trả lại điều này.
Mặc dù các rạn san hô tự chúng không phục vụ cho bất cứ việc sử dụng thực tế nào, người ta cho rằng ở đó có trữ lượng lớn dầu thô và khí đốt tự nhiên dưới đáy biển. Nhưng trên tất cả, Biển Đông rất quan trọng về mặt chiến lược. Trong quá trình phát triển kinh tế nhanh chóng của Trung Quốc và Đông Nam Á trong vòng 20 năm qua, Biển Đông đã trở thành tuyến thương mại hàng hải nhộn nhịp nhất thế giới. Hiện nay hơn một nửa số tàu chở dầu toàn cầu đi qua vùng biển này.
Giờ đây chính phủ Đức cũng đã phải thừa nhận tính chất nghiêm trọng của tình hình. Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen, người có mặt tại cuộc họp ở Singapore, nhấn mạnh rằng các cuộc khủng hoảng ở châu Á cũng liên quan đến Đức và châu Âu. "Chúng ta đang sống trong một thế giới toàn cầu hóa, trong đó chúng tôi đạt được sự giàu có thông qua thương mại tự do," bà nói và cho biết thêm rằng các mối quan hệ vững chắc và ổn định là điều kiện tiên quyết cho điều này.
Trung Quốc đòi hỏi gần như toàn bộ Biển Đông làm lãnh thổ của mình và viện dẫn lịch sử để biện minh: khu vực này đã thuộc quyền kiểm soát của Trung Quốc vào thế kỷ thứ 14, Bắc Kinh nói. Trên các bản đồ chính thức của Trung Quốc, các đường biên giới chạy qua khu vực mà trên thực tế là nằm trên bờ biển của các nước khác. Tất cả các nước láng giềng của Trung Quốc bác bỏ quan điểm địa lý này. Việt Nam, Đài Loan, Malaysia, Brunei và Philippines coi các đảo nhân tạo của Trung Quốc là sự xâm lược.
Nhưng giới lãnh đạo Trung Quốc coi Việt Nam, cũng là một quốc gia Cộng sản, trên hết và trước hết là một kẻ xâm lược. Đó là vì Việt Nam cũng đang tạo ra những hòn đảo của riêng họ, qua đó củng cố yêu sách của họ đối với những vùng lãnh thổ trên biển này - với sự ủng hộ của Mỹ. Kể từ khi Tổng thống Mỹ Barack Obama hướng sự chú ý vào khu vực Thái Bình Dương cách đây ba năm, căng thẳng với Trung Quốc đã tăng lên đáng kể.
Nhưng người Mỹ làm tốt hơn nhiều trong việc quảng bá các chính sách của họ với thế giới bên ngoài. Họ thể hiện mình là đối tác đáng tin cậy trong liên minh với các nước nhỏ, trong khi Trung Quốc đến như một kẻ bắt nạt, thách thức các nước này ngay trên lãnh thổ của họ. Trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Carter thừa nhận tại cuộc họp ở Singapore rằng các quốc gia khác cũng đã thiết lập các tiền đồn trong khu vực này, ông bảo vệ những hành động đó bằng cách nói rằng Trung Quốc đã đi xa hơn rất nhiều, và rằng Trung Quốc đòi hỏi một khu vực rộng lớn hơn nhiều so với các nước khác. Bắc Kinh đang ngày càng cảm thấy bị dồn vào góc bởi lập trường chính sách của Washington.
Thật vậy, Mỹ đang tận dụng mọi cơ hội để chọc giận Trung Quốc. Họ thường xuyên phái các máy bay và tàu hải quân đến gần một cách nguy hiểm lãnh thổ Trung Quốc, thậm chí là gần bờ biển Trung Quốc, qua đó thể hiện rằng mặc dù Trung Quốc đã củng cố kho vũ khí của họ trên quy mô lớn trong những năm gần đây, quân đội Trung Quốc vẫn chưa phải là đối thủ của quân đội Mỹ.
Vào giữa tháng Năm, một kịch bản như vậy đã được thực hiện công khai khi quân đội Mỹ đưa một nhóm phóng viên Đài truyền hình CNN lên một chuyến bay giám sát ở Biển Đông. Các phóng viên đã có thể nắm bắt được khoảnh khắc khi quân đội Trung Quốc "nã" vào chiếc máy bay đó bằng những lời đe dọa qua sóng vô tuyến. "Những hoạt động này có thể dẫn đến hiểu lầm và tai nạn," có thể nghe thấy giọng nói bực dọc của một đại diện Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc. Các nhà phân tích của tổ chức tư vấn độc lập IHS Jane vẫn đang nói về một "cuộc chiến PR trên Biển Đông". Nhưng họ cảnh báo: việc nâng cấp quân sự và những lời đe dọa ngày càng hiếu chiến đang làm tăng nguy cơ giao chiến quân sự thực sự. "Triển vọng về một trận hải chiến giữa Trung Quốc và Mỹ đang trở thành một mối đe dọa tiềm tàng," các nhà phân tích này nói.
Felix Lee là phóng viên cho tờ báo Taz (Tageszeitung) của Berlin tại Trung Quốc và hiện đang sống ở Bắc Kinh. Ông còn điều hành China blog của tờ báo mạng Zeit Online.
Nguồn vietnam.vn