Theo danh sách đơn vị hành chính cấp xã thuộc phạm vi địa bàn Chương trình mục tiêu Quốc gia đưa thông tin về cơ sở, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo giai đoạn 2012-2015, theo Quyết định 620/QĐ-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông được thực hiện trên phạm vi các tiêu chí xã thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia; xã thuộc 69 huyện nghèo; xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc, miền núi; xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo, xã đảo; xã biên giới đất liền; xã an toàn khu và xã miền núi, vùng cao thì trong giai đoạn 2012-2015 tỉnh Bến Tre có 16 xã thuộc Chương trình này, bao gồm: Thạnh Trị, Thừa Đức (huyện Bình Đại); Bảo Thạnh, Bảo Thuận, An Hiệp, Tân Thủy, An Đức, An Thủy (huyện Ba Tri); An Điền, Bình Thạnh, An Thuận, An Quy, Thạnh Hải, An Nhơn, Thạnh Phong, Mỹ An (huyện Thạnh Phú).
Theo đó, UBND tỉnh Bến Tre vừa ban hành Kế hoạch thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo năm 2015 cho 16 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển nói trên.
Theo kế hoạch, trong năm 2015, sẽ triển khai 3 nội dung của chương trình. Trong đó, Dự án 1 "Tăng cường năng lực cán bộ thông tin và truyền thông cơ sở" sẽ mở các lớp bồi dưỡng cho cán bộ phụ trách công tác tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Huyện ủy, Đài truyền thanh, Phòng Văn hóa – Thông tin 03 huyện biển; phó chủ tịch UBND xã phụ trách văn hóa xã hội, cán bộ Ban Tuyên giáo Đảng ủy, cán bộ đài truyền thanh, cán bộ văn hóa xã hội xã và một số chức danh cán bộ làm công tác thông tin của 16 xã bãi ngang; cán bộ làm công tác thông tin 3 Đồn biên phòng của 03 huyện: Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú.
Tăng cường nội dung thông tin và truyền thông về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo
Về cơ sở vật chất cho hệ thống thông tin và truyền thông cơ sở, qua khảo sát thực tế ở 16 xã bãi ngang ven biển trên địa bàn tỉnh thì phần lớn địa bàn xã rộng, dân cư không tập trung, nhất là những xã có cồn (cù lao). Tỷ lệ người dân tiếp cận thông tin chỉ đạt khoảng 30%, do mỗi xã chỉ có 01 đài truyền thanh và một số trạm truyền thanh ấp, phạm vi phủ sóng tối đa của mỗi xã đạt khoảng 30%. Các trạm truyền thanh ấp hoạt động nhờ vào thiết bị âm ly và loa của ấp văn hóa đã được đầu tư từ rất lâu. Hiện tại, hầu hết trang thiết bị đã hư hỏng nên không thể tiếp âm đài trung ương, tỉnh, huyện mà hoạt động của các trạm chủ yếu là đọc thông báo, tin tức của xã bằng văn bản do đài truyền thanh xã chuyển xuống. Vì vậy, những thông tin về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước không đến được với nhân dân trên hệ thống thông tin đại chúng.
Trước hiện trạng trên, đối với Dự án 2 về "Tăng cường cơ sở vật chất cho hệ thống thông tin và truyền thông cơ sở", UBND tỉnh sẽ đầu tư 11 hệ thống trạm phát trung tâm (mỗi xã một bộ), được lắp đặt tại trụ sở UBND các xã: An Điền, Bình Thạnh, An Thuận, An Quy, Thạnh Hải, An Nhơn, Thạnh Phong, Mỹ An (huyện Thạnh Phú), An Hiệp, Tân Thủy, An Thủy (huyện Ba Tri).
Đối với Dự án 3 về "Tăng cường nội dung thông tin và truyền thông về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo" sẽ đầu tư cho việc sản xuất các chương trình phát thanh, truyền hình từ tỉnh đến huyện, xã; xuất bản, phát hành các ấn phẩm, tờ bướm các loại chuyên đề về pháp luật, an toàn giao thông, xây dựng nông thôn mới, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, an ninh trật tự xã hội lồng ghép giới thiệu về chủ trương chính sách mới, khuyến khích đầu tư các xã vùng sâu còn khó khăn.
Tổng kinh phí 03 dự án của Chương trình là 2,535 tỷ đồng. Trong đó, vốn Chương trình mục tiêu quốc gia là 2,325 tỷ đồng và vốn tỉnh đối ứng là 210 triệu đồng.
Bài, ảnh: P.Trần