Sáng ngày 4/12, Ủy ban nhân dân huyện Ba Tri tổ chức hội nghị tổng kết công tác phòng chống hạn, mặn năm 2015, triển khai kế hoạch phòng chống hạn, mặn năm 2016. Ông Nguyễn Văn Nghị- Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện chủ trì hội nghị.
Trong những năm qua, được sự quan tâm hỗ trợ đầu tư của tỉnh, huyện Ba Tri đã từng bước xây dựng nhiều công trình thủy lợi góp phần rất lớn trong công tác phòng chống hạn hán và xâm nhập mặn trên địa bàn. Riêng trong năm 2015, huyện đã tiến hành nạo vét 39 tuyến kênh nội đồng, 2 cống, chiều dài 32km, tổng kinh phí thực hiện trên 3 tỷ đồng. Bệnh cạnh đó, Ủy ban nhân dân huyện chỉ đạo các ngành, các địa phương tăng cường các biện pháp phòng chống hạn, mặn; thường xuyên kiểm tra, theo dõi tình hình xâm nhập mặn trên các sông, các cống và trong nội đồng nhằm có kế hoạch vận hành đóng mở các cống đảm bảo nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho nhân dân. Tuy nhiên, trong năm tình hình xâm nhập mặn diễn biến bất thường, xâm nhập mặn sâu vào nội đồng, thời gian diễn ra sớm, kéo dài, làm ảnh hưởng rất lớn đến tình hình sản xuất của bà con, cụ thể trong vụ Đồng Xuân 2014-2015 tổng diện tích bị ảnh hưởng do bị nhiệm mặn làm giảm năng suất, phẩm chất lúa từ 30% trở lên là 3.825 ha( trong tổng diện tích gieo sạ toàn huyện là 12.599 ha); ở vụ Hè Thu 2015 diện tích lúa mạ bị chết hoàn toàn do hạn, mặn khoảng 1.874 %...
Nhằm chủ động phòng chống, ứng phó hạn hán và xâm nhập mặn phục vụ sản xuất, sinh hoạt cho người dân trên địa bàn huyện, hội nghị đã thông qua kế hoạch phòng chống hạn, mặn trong năm 2016. Theo đó, huyện sẽ tranh thủ các nguồn vốn đầu tư nạo vét hệ thống kênh mương nội đồng, khơi thông dòng chảy; duy tu, sửa chữa hệ thống cống trên địa bàn….đảm bảo thông thoáng từ đầu mối tới mặt ruộng, tận dụng mọi nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Tổ chức dự báo xâm nhập mặn, chủ động giám sát xâm nhập mặn tại các cống điều tiết, nội đồng để hỗ trợ nhân dân lấy nước, trữ nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt. Tăng cường công tác tuyên tuyền, phổ biến thông tin về tình hình khí tượng, thủy văn, tình hình xâm nhập mặn, lịch đóng mở cống để nhân dân nắm, chủ động phòng, tránh, đồng thời có ý thức sử dụng nguồn nước tiết kiệm, hiểu quả; kiên quyết không để người dân sản xuất ở những vùng có nguy cơ thiếu nước, có khả năng bị ảnh hưởng xâm nhập mặn và ngoài vùng quy hoạch; hướng dẫn người dân sản xuất theo đúng lịch thời vụ, cung ứng các giống lúa xác nhận, chất lượng cao, chịu hạn, mặn thích ứng từng vùng cho nông dân; áp dụng các biện pháp kỹ thuật sản xuất lúa (“3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm” …Riêng đối với các vùng trồng cây ăn trái, dừa, rau màu, nuôi trồng thủy sản, và chăn nuôi hướng dẫn người dân các biện pháp sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.