Site banner

Bắc Kinh thách thức luật pháp quốc tế

rung Quốc đang gấp rút biến các rạn san hô thành đảo nhân tạo, nỗ lực làm thay đổi định nghĩa về bản chất, tính chất của đảo và quyền tự do hàng hải, tạp chí Mỹ National Interest ngày 19/5 nhận định.

Trung Quốc biến đá Chữ Thập (thuộc quần đảo Trường Sa) thành đảo nhân tạo. Ảnh: IHS Janes.

Báo cáo thường niên của Lầu Năm Góc (Mỹ ) về sự phát triển năng lực quân sự của Trung Quốc nêu rõ, trong năm 2014, Trung Quốc đã ráo riết bồi đắp các rạn san hô chiếm đóng phi pháp ở biển Đông. Bắc Kinh đang nỗ lực đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật trên những hòn đảo nhân tạo. Trung Quốc đang xây dựng các đường băng dành cho máy bay quân sự trên đá Chữ Thập, Subi… Những hành động này đang thách thức luật pháp quốc tế. Đặc biệt, đó là những cố gắng phi tự nhiên để tạo ra các nhân tố mới (đảo nhân tạo) mà theo đó sẽ có cả hai vùng lãnh hải (12 hải lý) và vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý.

Trung Quốc đang cố gắng củng cố lập luận của mình về vấn đề này thông qua cuộc chiến pháp lý và chiến lược ngăn cản thực tế. Bắc Kinh đang tạo ra một thách thức cơ bản làm thay đổi định nghĩa về bản chất, tính chất của đảo và quyền tự do hàng hải. Để chống lại những cố gắng vẽ lại chủ quyền của Trung Quốc, Mỹ chắc chắn phải xem xét những phương pháp mới nhằm đối phó các thách thức từ phía Bắc Kinh.

Thông điệp của Mỹ

Các giải pháp mới nhất được Mỹ đưa ra gồm điều máy bay tới không phận của đảo nhân tạo và đưa tàu hải quân vào khu vực 12 hải lý của các rạn san hô, nhấn mạnh rằng, không có vùng lãnh hải kéo dài từ đảo nhân tạo. Thông điệp của Mỹ rất rõ ràng: Trung Quốc không phải là sức mạnh tuyệt đối và cũng không có quyền đơn phương làm thay đổi hiện trạng biển Đông hoặc viết lại luật pháp quốc tế và các hiệp ước.

Điều cần thiết là Mỹ phải hành động không chỉ chống lại những cố gắng của Trung Quốc nhằm xóa bỏ luật pháp quốc tế ở biển Đông, mà cần phải làm như vậy với sự hỗ trợ của các quốc gia khác trong khu vực. Washington cần nhấn mạnh, không phải Mỹ là nước đã quân sự hóa các vấn đề tranh chấp. Việc Mỹ sử dụng các tàu hải quân có thể khiến Trung Quốc tuyên truyền rằng, Mỹ thúc đẩy leo thang xung đột bằng cách triển khai các tàu "vỏ xám", trong khi Trung Quốc chủ yếu dựa vào lực lượng tàu thực thi pháp luật dân sự và tàu cảnh sát biển (tàu "vỏ trắng") để khẳng định chủ quyền. Sẽ thích hợp hơn nếu Mỹ triển khai tàu cảnh sát biển để bước đầu thách thức những tuyên bố hiếu chiến của Trung Quốc.

Trung Quốc tạo cho người dân đại lục một niềm tin rằng, biển Đông từ lâu là lãnh thổ Trung Quốc. Trung Quốc tự tin cho rằng, "Thiên triều" không cần phải tuân thủ các tiêu chuẩn tương tự như các nước khác. Trung Quốc cũng cho rằng, Mỹ là nguyên nhân khiến một số láng giềng của Trung Quốc có các động thái cứng rắn. Trong chuyến thăm chính thức Mỹ vào năm ngoái, tướng Phòng Phong Huy, Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc, nói rằng, các quốc gia trong khu vực ở biển Đông có những hành vi khiêu khích vì "Mỹ đang áp dụng chiến lược tái cân bằng châu Á - Thái Bình Dương". Ông Phòng liên tục lập luận rằng, các hành động của Mỹ đã khuấy động sự gia tăng căng thẳng trong khu vực.

Vì thế, một thông điệp trọng tâm Mỹ cần chuyển tới Trung Quốc là Washington không thay đổi quan điểm liên quan các tuyên bố cụ thể về chủ quyền và cần phải giải quyết hòa bình các tranh chấp chủ quyền. Mỹ cũng cảnh báo không sử dụng vũ lực hay các thủ thuật, như xây dựng đảo nhân tạo. Việc cải tạo đất, xây đảo nhân tạo… sẽ dẫn đến thay đổi hiện trạng, khiến căng thẳng khu vực leo thang.

Theo National Interest, Trung Quốc đang đẩy mạnh cuộc chiến chiếm đoạt chủ quyền trên biển bằng "chiến tranh chính trị" kết hợp "ba mặt trận", gồm chiến tranh pháp lý, chiến tranh công luận (báo chí) và chiến tranh tâm lý. Những động thái của Trung Quốc buộc các nhà hoạch định chiến lược và các nhà ngoại giao Mỹ phải nhanh chóng tìm ra giải pháp đối phó cũng như thực hiện các cam kết của Mỹ.

Nguồn vietnam.vn