Thực hiện Kế hoạch số 28 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bến Tre về việc phát động nhân dân trữ nước mưa, nước ngọt phục vụ nhu cầu sinh hoạt và chăn nuôi, trong thời gian qua, các cấp, các ngành ở Ba Tri đã thực hiện nhiều hình thức tuyên truyền, vận động người dân trữ nước được đa số người dân đồng tình hưởng ứng. Trong đó có mô hình dân vận khéo “đổ ống hồ trữ nước ngọt trả góp” của Hội liên hiệp phụ nữ xã Bảo Thạnh.
Chị em phụ nữ vui mừng vi nhờ tham gia mô hình dân vận khéo nên được xây hồ chứa nước, riêng ảnh 3 là chị em phụ nữ chia sẻ niềm vui khi được xây hồ chứa nước sau khi tham gia mô hình dân vận khéo.
Đợt hạn, mặn vừa qua đã làm ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất và sinh hoạt đời sống của người dân ở huyện Ba Tri nói chung, xã Bảo Thạnh nói riêng. Trong số hơn 2.840 hộ của xã có trên 700 hộ thiếu nước ngọt sử dụng trong sinh hoạt. Để khắc phục tình trạng thiếu nước ngọt sinh hoạt vào mùa khô, Hội liên hiệp phụ nữ xã Bảo Thạnh phối hợp với Chi hội phụ nữ ấp Thạnh Bình xây dựng mô hình dân vận khéo “đổ ống hồ trữ nước ngọt trả góp”. Bà Đặng Thị Diễm Châu, Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ xã cho biết: “Thực hiện tinh thần chỉ đạo của Ban Dân vận Huyện ủy Ba Tri, Đảng ủy xã Bảo Thạnh, đầu năm 2016, Hội liên hiệp phụ nữ xã phối hợp với Chi hội phụ nữ ấp Thạnh Bình xây dựng mô hình dân vận khéo “đổ ống hồ trữ nước ngọt trả góp”. Để thực hiện đạt kết quả cao, Hội tiến hành triển khai mô hình trong ban chấp hành, các chi, tổ hội để nắm vững quan điểm và tham gia thực hiện có hiệu quả; tổ chức tuyên truyền về ý nghĩa của việc trữ nước cho chị em phụ nữ hiểu, đồng thời vận động tham gia thông qua các buổi sinh hoạt chi, tổ hội, đặc biệt đến từng hộ gia đình để tuyên truyền, vận động. Trong thực hiện, cán bộ, hội viên làm trước để chị em thấy được tính hiệu quả của mô hình và tích cực tham gia”.
Bên cạnh đó, Hội còn ký hợp đồng với chủ chủ cửa hàng bán vật liệu xây dựng bán vật liệu để xây ống hồ cho hội viên bằng hình thức trả góp, mỗi tháng 100.000 đồng.
Nhờ thực hiện tốt các bước của mô hình, nhất là khéo tuyên truyền, vận động làm cho người dân thấy được ý nghĩa của mô hình và tích cực tham gia. Đến thời điểm này có 34 hộ tham gia, đổ 96 ống hồ, mỗi ống có thể tích chứa 1 m3 nước, chi phí gần 800.000 đồng. Chị Phạm Thị Xuộng, một trong những người tham gia mô hình phấn khởi cho biết: “Trong đợt hạn mặn vừa qua, gia đình tôi thiếu nước ngọt sử dụng trong sinh hoạt, phải đi đổi nước với chi phí rất cao. Để trữ nước cho gia đình, tôi muốn xây hồ chứa nước lắm. Nhưng chi cùng một lúc thì khả năng gia đình tôi làm không nổi. Nhờ tham gia mô hình dân vận khéo của Hội phụ nữ, được hỗ trợ xây hồ trả dần, tôi mừng lắm”.
Bên cạnh đó, Hội liên hiệp phụ nữ còn tuyên truyền chị em việc đậy kín hồ chứa nước để không cho muỗi trú ẩn, sinh sản và truyền bệnh sốt xuất huyết, bảo vệ sức khỏe.
Nhờ hiệu quả đem lại, mô hình này đã lan tỏa đến các ấp khác trên địa bàn. Vận dụng tính lan tỏa của mô hình, Hội Liên hiệp phụ nữ xã phối hợp với Chi hội các ấp chủ động vận động người dân đăng ký đổ ống hồ chứa nước cũng bằng hình thức trả góp. Đến nay đã có 130 hộ ở các ấp Thạnh Lợi, Thạnh Phước, Thạnh Quí, Thạnh Phú đăng ký đổ 190 hồ, mỗi ống có thể tích chứa 1,5 m3, chi phí trên 1 triệu đồng.
Bà Võ Thị Đèo, Chủ tịch Ủy ban mặt trận Tổ quốc xã Bảo Thạnh cho biết: “Mô hình dân vận khéo “đổ ống hồ trữ nước ngọt trả góp” của Hội liên hiệp phụ nữ xã Bảo Thạnh đã mang lại hiệu quả. Sắp tới, chúng tôi tổ chức tuyên truyền hiệu quả của mô hình này cho các đoàn thể, các ấp trên địa bàn thấy để nhân rộng, vận động cán bộ, hội viên và nhân dân tham gia, góp phần thực hiện thắng lợi cuộc Đồng Khởi trữ nước mưa, nước ngọt do Tỉnh ủy Bến Tre phát động”.
Có thể nói, mô hình dân vận khéo “đổ ống hồ trữ nước ngọt trả góp” của Hội liên hiệp phụ nữ xã Bảo Thạnh đã mang lại hiệu quả. Thiết nghĩ, mô hình này cần được nhân rộng không chỉ trên địa bàn xã Bảo Thạnh mà cả huyện Ba Tri.
Hiện nay đang là mùa mưa, thời điểm thuận lợi để trữ nước. Do đó, ngoài việc thực hiện mô hình dân vận khéo, các cấp, các ngành ở Ba Tri nên tích cực tuyên truyền, vận động người dân việc trữ nước mưa, nước ngọt bằng nhiều hình thức để trữ nước phục vụ cho sinh hoạt, chăn nuôi trong mùa hạn, mặn, ứng phó với điều kiện khắc nghiệt của thiên tai và biến đổi khí hậu.