Site banner

Bến Thạnh Phong và những chuyến tàu không số

Thạnh Phong – căn cứ tiếp nhận vũ khí Bắc–Nam năm xưa – một vùng đất ven biển Đông dãi dầu trong sự khắc nghiệt của thiên nhiên, lắt lay trong gian khó của những năm kháng chiến. Đó là một vùng đất đứng mũi chịu sào, từng nếm trải bao cuộc càn quét đẫm máu của giặc, nhưng vẫn đứng vững, không hề nao núng.

Căn cứ địa cách mạng Thạnh Phong (huyện Thạnh Phú, Bến Tre) trước năm 1975 bao gồm cả xã Thạnh Hải hiện nay, nằm cuối cù lao Minh. Vùng đất ven biển Đông dài hơn 20 km này được giới hạn bởi hai cửa sông lớn là Cổ Chiên và Hàm Luông – một không gian rộng xa ngút mắt với rừng ngập nước, cồn bãi, nổng cát, con giồng, những xóm "nhà hầm" (nhà được làm sâu dưới đất, trên mái ngụy trang để tránh phi pháo), ngày đêm nghe tiếng sóng biển vỗ vọng chập chùng. Chỉ khi đến Thạnh Phong, rồi nhìn lại đoạn hành trình đã đi, ta mới thấy hết sự heo hút nhưng mang tầm chiến lược của một vùng đất. Chính vì vậy mà ngay thời kháng Pháp, rồi đến chống Mỹ, Cách mạng đã chọn Thạnh Phong làm căn cứ địa và là một trong những bến đến của đường Hồ Chí Minh trên biển.

Bia kỷ niệm nơi đoàn tàu không số cập bến Thạnh Phong. Ảnh: P.V

Mở đường ra Bắc

Người đầu tiên chính là nữ tướng Nguyễn Thị Định. Mùa gió nam năm 1946, tại Vàm Khâu Băng (Thạnh Phong), bà Nguyễn Thị Định cùng đoàn cán bộ Khu 8 xuống tàu, bí mật vượt biển ra Bắc để xin tài liệu, vũ khí mang về Nam phục vụ đánh Pháp. Ra đến Bắc, bà Nguyễn Thị Định được gặp các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Trung ương, và bà đã nói lên nguyện vọng thiết tha của quân dân miền Nam là rất cần vũ khí để đánh đuổi giặc ngoại xâm. Nguyện vọng trên được chấp thuận. Song – theo ông Nguyễn Văn Châu (đã khuất) nguyên Tổng cục phó Tổng Thông tin báo chí xuất bản miền Nam (1976) – chuyến đi mở đường này bà Nguyễn Thị Định và các vị cùng đi không nhận vũ khí từ ngoài Bắc mà trở về, nhận tại Phú Yên từ các đoàn tàu hỏa Bắc–Trung. Bởi lẽ, những năm 1946-1947, các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên là vùng vẫn còn trong sự kiểm soát của Việt Minh và là vùng đất của "thủ phủ" Ủy ban kháng chiến miền Nam. Nhận vũ khí tại Phú Yên, con tàu bí mật làm cuộc hải hành về Nam, cặp bến an toàn tại Thạnh Phong vào mùa gió chướng năm 1947.

Những chuyến sau đó (từ năm 1947-1948), có chuyến chuyển vũ khí từ Bắc vào Nam thay vì phải cặp bến Cồn Bững (Thạnh Phong) nhưng lạc sang Vũng Luông (Thới Thuận, Bình Đại). Ông Nguyễn Văn Châu (lúc đó là cán bộ hoạt động tại địa bàn Thới Thuận, Thừa Đức) là người từng liên lạc với đơn vị có trách nhiệm tại Thạnh Phong đến nhận tài liệu, vũ khí từ con tàu trên.

Quí đại biểu tiến hành nghi lễ khởi công xây dựng công trình di tích lịch sử đường Hồ Chí Minh trên biển. Ảnh: T.C

Khu "Sài Gòn mới"

Sau Đồng Khởi năm 1960, các đơn vị bộ đội địa phương, chủ lực miền, các cơ quan dân chính Đảng, nhân dân từ vùng bị địch tạm chiếm, đến đóng quân, công tác, sinh sống tại Hồ Cỏ (Thạnh Phong) rất đông đúc. Ông Lê Quang Bửu (cán bộ an ninh hoạt động tại Thạnh Phong lúc đó) nhớ lại: "Những đơn vị bộ đội đến rồi đi nườm nượp. Tại Hồ Cỏ, hàng quán san sát. Đêm, ánh đèn măng-sông treo giăng giăng, sáng choang một vùng rừng. Rồi buôn bán, sinh hoạt văn nghệ, học tập, … cho đến khuya khoắt, cảnh tượng xôn xao chẳng khác như chợ trên thành. Chính vì vậy mà người ta gọi Hồ Cỏ là khu "Sài Gòn mới" – một "Sài Gòn mới" ngay giữa lòng căn cứ địa kháng chiến Thạnh Phong.

Nhưng bước sang năm 1963-1964, "Sài Gòn mới" không còn nữa, đất và người Thạnh Phong bắt đầu đối mặt với những trận càn đẫm máu vì địch phát hiện ra Thạnh Phong là điểm xuất phát và tiếp nhận vũ khí Bắc–Nam.

Ông Năm Phương, nguyên Bí thư Huyện ủy Thạnh Phú, kể: "Người dân bám đất Thạnh Phong bấy giờ phải rút xuống sống dưới những ngôi nhà hầm. Những ngôi nhà đó được đào sâu dưới đất, cát, mái lợp lá và được trồng thả lên mái là rau muống biển hoặc các loại dây leo khác để ngụy trang tránh máy bay địch".

Mùa Tết là mùa sóng bổ ghềnh. Ở dưới nhà hầm, sóng bổ ghềnh nghe càng rõ. Đó là một loại sóng thật kỳ lạ, nó cứ vỗ vọng ầm ầm, âm âm trong lòng đất, từ ngoài biển kéo vào, vừa nghe đến chỗ này đã kéo đến chỗ kia. Âm thanh của nó như một cuộc đuổi bắt bất tận. Anh Hai Nhã, cựu binh Tiểu đoàn 261, người từ nhỏ đến lớn sống tại Hồ Cỏ, nói: "Đêm giao thừa, ngồi dưới nhà hầm, người ta bắt radio đài Giải Phóng nghe Bác Hồ đọc lời chúc Tết giữa tiếng sóng bổ ghềnh. Sáng Mùng Một Tết, lại mở radio nghe bản tin đọc chậm. Cái Tết chỉ vậy thôi, và tiếp nối những ngày sau đó là bom đạn vẫy đầy. Bom từ B-52 trút xuống. Pháo hạng nặng từ Hạm đội 7 của Mỹ đậu ngoài biển Đông nã vào!"

Tại Cồn Rừng–Hồ Cỏ cũng là nơi diễn ra trận chống càn đẫm máu giữa lực lượng bảo vệ căn cứ và địch trong 21 ngày đêm (giáp Tết năm 1964). Đến ngày thứ 21, thế trận Hồ Cỏ vẫn cứ như "cái gân gà" khó nuốt, càng đánh, địch càng bị tiêu hao sinh lực nên cuối cùng địch phải rút lui, căn cứ địa, bến, bãi Thạnh Phong được bảo vệ an toàn. Một trong những chứng tích chiến tranh từ trận chống càn trên đó là ngôi mộ tập thể 21 người dân ở Hồ Cỏ. Cả 21 người trên (thực ra chỉ có 19 người lớn nhưng có 2 phụ nữ đang mang thai) trốn máy bay oanh kích cùng một hầm, thế rồi bị một trái bom napalm thả xuống ngay miệng hầm! Ngày nay, để tưởng nhớ những người dân vô tội, nơi vị trí hầm cũ được xây lên một ngôi mộ tập thể: Mộ 21 người.

5 năm sau, con số 21 đau thương lại được lặp lại trên đất Thạnh Phong. Đó là vào đêm 15-2-1969, đại úy Bob Kerrey chỉ huy một toán lính biệt kích SEAL của Hải quân Mỹ đột nhập vào ấp 5, xã Thạnh Phong (gần Vàm Khâu Băng) rồi ra lệnh giết hại 21 thường dân đang trú ẩn trong hầm, nạn nhân người bị mổ bụng, người bị đập đầu vào cối xay(!) (Cách đây 5 năm, có lúc báo chí tại Mỹ đã phanh phui về tội ác chiến tranh này.)

Đồng chí Nguyễn Minh Triết - nguyên Chủ tịch nước thăm hỏi chiến sĩ đoàn tàu không số tại lễ khởi công xây dựng công trình di tích lịch sử đường Hồ Chí Minh trên biển. Ảnh: T.Long

Những con tàu không số

Với kinh nghiệm từ thời chống Pháp, nhất là sau chuyến mở đường vượt biển đầu tiên của bà Nguyễn Thị Định, Khu ủy Trung Nam bộ (Khu 8) phân công đồng chí Nguyễn Văn Khước (Mười Khước) tiếp tục tổ chức thực hiện vượt biển ra Bắc xin chi viện vũ khí. Để giữ bí mật, tên gọi ban đầu của bộ phận công tác quan trọng này là "Ban sản xuất tự túc". 15 đồng chí đã được chọn. Dưới đây là những chuyến tàu mang dấu ấn quan trọng do ông Lê Minh Đào, nguyên đại tá, Phó Tư lệnh Khu 8 kể lại khi ông còn sống:

Chuyến tàu xuất phát tại Cồn Tra, xã Thạnh Phong ngày 18-8-1960 và mãi đến ngày 10-9-1962 mới được lệnh về Nam. Tàu cặp bến tại Vàm Lũng (Cà Mau). Kể về chuyến tàu này, ông Lê Công (một thủy thủ của tàu, quê quán Cồn Điệp, Thạnh Phong, nay đã mất) cho biết: "Khoảng tháng 3-1960, con tàu xuất phát tại Cồn Tra, tàu có trọng tải khoảng 18 tấn (mua lại của ngư dân miền Trung). Mật khẩu sử dụng khi vượt biển vào lãnh hải miền Bắc XHCN là "Đơn vị 106NB đi tìm anh 3D". Sau khi vượt biển an toàn, số đồng chí trên tàu ở lại miền Bắc gần hai năm. Chuyến trở về Nam đã bí mật diễn ra với tàu cây, loại tàu đánh cá, để ngụy trang mang tên (ám hiệu) Phương Đông 1 và 2. Mỗi tàu chở hàng chục tấn vũ khí các loại. Chỉ đạo chung là phải cặp bến Vàm Lũng (Cà Mau) và nếu chẳng may có trắc trở gì thì mới cặp bến Cồn Lợi, Cồn Bững (Thạnh Phong). Về đến Vàm Lũng, tàu phải mật báo lại cho biết là đã đến "Cây Mắm". Còn nếu đến các bến tại Thạnh Phong (Bến Tre) thì báo là "Cây Đước". Hai tàu Phương Đông đã cặp bến an toàn tại Vàm Lũng – Cà Mau cuối tháng 9 –1962."

Cũng vào thời gian ấy, tại xẻo doi Cồn Lợi (Thạnh Phong), một tàu chở 10 tấn vũ khí cũng cặp bến an toàn. Tuy nhiên, chuyến này sau khi rút ra để quay về miền Bắc thì bị máy bay địch phát hiện. Các cán bộ trên tàu quyết định hủy tàu để giữ bí mật bến bãi.

Chuyến lớn nhất chở 80 tấn vũ khí cặp bến Thạnh Phong cuối năm 1963. Khi tàu gần tới bờ biển Thạnh Phong thì bị mắc cạn phía ngoài Cồn Lớn. Ông Nguyễn Sơn (Sơn Ớt), nguyên Chính ủy A 101 (A 101 là mật hiệu bến tiếp nhận vũ khí Bắc–Nam tại Thạnh Phong), kể: "Phải huy động hết các lực lượng vũ trang va nhân dân tại Thạnh Phong để bốc dỡ "hàng", đến những ba ngày đêm mới bốc hết. Sau đó đồng chí Tư Bôn, Thường vụ Khu ủy, phụ trách đoàn 962, cho lệnh dùng thuốc nổ TNT hủy tàu. Và chính tôi (Nguyễn Sơn – NV) là người châm ngòi nổ."

Chuyến tháng 10-1970 (sau 5 năm nối lại đường dây, bến bãi) chở 30 tấn vũ khí, cặp bến an toàn ngoài Cồn Bững. Vũ khí nhanh chóng được chuyển về khu, dù rằng lúc này, qua chiến dịch bình định sau Tết Mậu Thân 1968 của địch, đồn bót địch đã đóng giăng khắp Thạnh Phong. Mọi hoạt động tiếp nhận vũ khí càng khó khăn và khốc liệt gấp bội.

Chuyến cuối cùng chở 50 tấn "hàng" đến Thạnh Phong vào cuối tháng 11-1970. Lúc còn cách bờ biển chừng 20 hải lý, tàu bị tàu tuần tiễu của địch phát hiện, siết chặt vòng vây. Sau cuộc đọ súng ác liệt nhưng không cân sức, chi bộ trên tàu quyết định hủy tàu rồi lệnh cho tất cả chiến sĩ còn sống sót rời tàu bơi vào bờ bằng thúng nan. Năm chiến sĩ bơi vào tới bờ nhưng ba người đã lọt qua phía vùng đất do địch kiểm soát thuộc huyện Ba Tri và đã không còn có thể nhìn thấy ngày thống nhất của nước nhà. 50 tấn "hàng" cũng đã vĩnh viễn nằm lại dưới lòng biển khơi.

Phan Lữ Hoàng Hà