Site banner

Biển - Biên giới biển

Chưa tròn tháng, Sở Thông tin và Truyền thông Bến Tre phối hợp cùng các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức 3 lớp tập huấn, cho trên 300 lượt cán bộ, lãnh đạo, chuyên viên trong tỉnh về tình hình biển đảo, thông tin đối ngoại cả nước, địa phương và đặc biệt là một số cán bộ chủ chốt 3 huyện vùng biển: Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú; 9 xã biên giới biển; các đồn, trạm thuộc lực lượng Bộ đội Biên phòng Bến Tre, được tập huấn, thông tin khá sâu về tình hình như nêu trên. Chỉ việc tập huấn ấy, đã nói lên được tầm vóc vấn đề, sự kiện về biển đảo Việt Nam nói chung và biển – biên giới biển Bến Tre nói riêng.

. Ông Đào Văn Lừng - Vụ trưởng, Trưởng Cơ quan Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương tại thành phố Hồ Chí Minh  báo cáo chuyên đề cho lớp tập huấn

Các lớp tập huấn về tình hình biển đảo, thông tin đối ngoại từ giữa năm 2011 đến nay (tháng 6/2012), thực hiện theo Chương trình phối hợp giữa Sở Thông tin và Truyền thông và Bộ dội Biên phòng Bến Tre nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin truyền thông và thông tin đối ngoại tại khu vực biên giới biển tỉnh Bến Tre giai đoạn 2011 – 2020.

Bờ biển của Bến Tre dài 65km, với vùng biển rộng trên 7.300km2. Một vùng biển đặc thù có 4 cửa sông lớn (Cửa Đại, Ba Lai, Hàm Luông và Cổ Chiên) thuộc sông Cửu Long đổ ra biển. Bờ biển Bến Tre cách đảo Trường Sa lớn khoảng 330 hải lý.

Trong chiến lược biển Việt Nam và Chương trình hành động về biển của tỉnh nhà, những vấn đề về phát triển kinh tế biển, bảo vệ biển, khu vực biên giới biển; đối phó, phòng chống sự biến đổi khí hậu… được đặt ra cho cả trước mắt và lâu dài, có những vấn đề rất "thời sự". Như tuân thủ việc nuôi thả tôm, nghêu, đánh bắt xa bờ…

Qua khảo sát thực tế tại 3 huyện biển, 9 xã biên giới biển, các đồn trạm biên phòng trong tỉnh cho thấy rõ, công tác thông tin truyền thông chưa đáp ứng tốt yêu cầu. Chẳng hạn việc tuyên truyền cho bà con về đánh bắt hải sản kết hợp với bảo vệ chủ quyền, biên giới quốc gia trên biển. Hay hệ thống thu phát sóng, đài loa truyền thanh hư hỏng xuống cấp; trang thiết bị vật chất phục cho công tác thông tin tuyên truyền, cả tuyên truyền trực quan còn yếu. Hệ thống cáp quang chưa phủ kín để kết nối mạng internet, bưu điện văn hóa xã phát huy tác dụng không cao; thông tin tình hình về biển Đông, biển đảo Việt Nam đến cán bộ, nhân dân vùng biển còn mờ nhạt…

Việt Nam quốc gia có mặt tiền là biển. Bến Tre là tỉnh biển. Từ xưa đến nay và hướng tới lâu dài, biển đã khẳng định lợi ích vô cùng to lớn. Việc khai thác, bảo vệ biển, chủ quyền quốc gia trên biển vừa thuận lợi, hiệu quả nhưng cũng đan xen những vấn đề khác khá nhạy cảm. Có sự kiện, vấn đề vượt khỏi tầm địa phương đến tầm quốc tế. Chẳng hạn vấn đề đánh bắt hải sản vi phạm lãnh hải, biên giới biển.

Hướng tới, công tác thông tin truyền thông phục vụ chiến lược, chương trình hành động khai thác, bảo vệ vùng biển Tổ quốc trên địa bàn tỉnh đặt ra những gì? Trước mắt cũng như lâu dài là khắc phục các điểm yếu, thật sự quan tâm công tác tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu sâu về biển, cả lĩnh vực kinh tế, an ninh quốc phòng, chủ quyền Tổ quốc thiêng liêng. Các xã biển phấn đấu cao trong việc xây dựng sớm từng tiêu chí nông thôn mới. Muốn vậy, cần phải có các phương tiện, nội dung cần và đủ để phổ biến, triển khai như: đài loa truyền thanh cơ sở, hệ thống truyền dẫn vô tuyến và hữu tuyến đạt chất lượng, chấn chỉnh hoạt động bưu điện văn hóa xã, phủ khắp sóng phát thanh truyền hình, các cụm thông tin cổ động trực quan, cung cấp tài liệu, sách báo, đưa thông tin qua các phương tiên nghe nhìn đến từng hộ gia đình. Ngoài nguồn lực của cơ sở, tại chỗ thì nguồn lực  từ cấp huyện, tỉnh tập trung cho vùng biển, biên giới biển lúc nào cũng cần kíp và không giới  hạn. Càng đầu tư sâu, rộng cho biển, biên giới biển, lợi ích mang lại càng to lớn, bền vững. Có như vậy mới thực hiện tốt Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về chiến lược biển Việt Nam, các đề án, chương trình hành động về biển, biên giới biển của tỉnh nhà.

Minh Trí