Site banner

Bình Đại: Nhân dân chủ động trữ nước phòng chống hạn mặn bằng nhiều hình thức

Đợt khô hạn và mặn xâm nhập lấn sâu nội đồng vừa qua đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh hoạt đời sống của người dân trên địa bàn huyện Bình Đại. Trong đó, có 2.700 hộ dân của huyện bị thiếu nước sinh hoạt.

Thực hiện Kế hoạch số 28 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bến Tre về việc phát động nhân dân trữ nước mưa, nước ngọt phục vụ nhu cầu sinh hoạt và chăn nuôi. Thời gian qua, các ngành, các cấp của huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền, phát động rộng rãi trong mọi tầng lớp nhân dân và được đông đảo nhân dân hưởng ứng tích cực, chủ động trữ nước mưa, nước ngọt phòng, chống hạn mặn bằng nhiều hình thức với mong muốn có đủ nước phục vụ sinh hoạt trong mùa khô, đảm bảo hợp vệ sinh mà không trông chờ vào Nhà nước.

Hộ bà Lê Thị Vân (ấp 5 – Bình Thắng) tận dụng thúng đi biển sửa lại để trữ nước đã chủ động trữ đầy nước.

Tại xã Bình Thắng, hàng năm cứ đến mùa khô, câu chuyện nước sinh hoạt luôn là bài toán nan giải, bởi là xã ven biển, nhiều hộ sinh sống ở những nơi xa khu dân cư giao thông đi lại khó khăn. Đợt hạn mặn vừa qua, toàn xã có hơn 500 hộ dân, tại 2 ấp 5 và 6, bị thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.

Trước tình hình trên, nhờ sự hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước và sự giúp đỡ của các đơn vị, tổ chức, cá nhân trong và ngoài huyện, xã đã tiếp nhận và cấp cho trường mẫu giáo Bình Thắng 1 máy lọc nước tinh khiết bằng công nghệ Ro, cấp cho hộ nghèo xã nhiều dụng cụ dùng trữ nước gồm: lu nhựa dung tích 200 lít, bồn nhựa dung tích 2.000 lít, 150 can nhựa dung tích 30 lít.

Ngoài ra, vào đầu mùa mưa, hưởng ửng phong trào trữ nước mưa, nước ngọt phục vụ nhu cầu sinh hoạt và chăn nuôi của Tỉnh ủy Bến Tre do Huyện ủy Bình Đại phát động, các ngành, đoàn thể xã đã tổ chức quán triệt nội dung đến nhân dân và vận động nhân dân xây dựng mô hình “trữ nước mưa, nước ngọt phòng chống hạn mặn” gắn với mô hình dân vận khéo. Qua đó, mô hình đã được thực hiện lan tỏa khắp các ấp của xã và tùy vào điều kiện của mỗi gia đình, người dân chủ động xây dựng nhiều giải pháp trữ nước khác nhau.

Đối với hộ có điều kiện thì xây từ 2 - 4 ống hồ có dung tích từ 3.000 lít đến 4.000 lít nước và mua thêm bồn nhựa về trữ nước. Còn những hộ khó khăn thì chọn cách đào ao lót bạt, tận dụng các thúng đi biển sửa lại và dùng lu, bồn nhựa, can nhựa để tích trữ nước ngọt.

Bà Lê Thị Vân, ở ấp 5, xã Bình Thắng, có 3 nhân khẩu, gia đình khá khó khăn, nhưng vẫn tiết kiệm để xây ống hồ chứa nước, bà Vân cho biết: mỗi ống hồ bà xây trị giá 3,5 triệu đồng. Thời điểm này, gia đình bà đã trữ đầy 4 ống hồ dung tích 3.000 lít nước nước mưa, đồng thời tận dụng và trữ nước mưa đầy 6 thùng nhựa dung tích 200 lít và đang xây thêm 1 ống hồ nữa, nhằm đảm bảo nước sử dụng trong mùa khô sắp tới.

Hiện nay đang là mùa mưa rất thuận lợi cho việc trữ nước, qua khảo sát đã có 90% hộ dân của xã đã trữ đầy nước. Theo Lãnh đạo Ủy ban nhân dân xã Bình Thắng, thì còn 10% số hộ nghèo vẫn thực hiện trữ nước theo hình thức thô sơ nên vẫn chưa đảm bảo, vì vậy, thời gian tới xã phối hợp với Hội phụ nữ xã triển khai dự án “mua bồn nhựa trả góp”, tạo điều kiện giúp người nghèo trữ nước đảm bảo, an toàn hơn.

Không chỉ riêng xã Bình Thắng, hiện tại một số địa phương của huyện nhờ thực hiện tốt các bước tuyên truyền, vận động, người dân cũng nhạy bén xây dựng thêm nhiều mô hình trữ nước ngọt trong ao, mương vườn. Hy vọng rằng, với những cách trữ nước của người dân, sẽ cơ bản đảm bảo nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân trong mùa hạn, mặn.

Thanh Hương