Site banner

Bình Đại: Nữ cán bộ hưu trí thành công với mô hình chuyên canh bưởi da xanh

Từng xem công việc là niềm vui, quen với cuộc sống bận rộn nơi công sở, nên sau về hưu, nhiều cán bộ cảm thấy buồn khi chỉ quanh quẩn trong nhà. Bởi thế, nhiều người đã tìm công việc phù hợp với sức khỏe để vừa lao động sống vui, sống khỏe, vừa phát triển kinh tế gia đình. Điển hình có bà Phạm Thị Kim Tuyến, 61 tuổi, ở ấp Hưng Chánh, dù tuổi cao, nhưng bà vẫn khỏe mạnh và hăng hái lao động sản xuất, góp phần tăng thu nhập trên mảnh đất quê hương.

          Từng là cán bộ thống kê của Ngành thuế tỉnh Bến Tre và về hưu theo chế độ. Trở về đời thường, không thích cảnh ăn không, ngồi rồi, để con cháu chăm nuôi. Sau nhiều năm trăn trở và nghiên cứu tài liệu hướng dẫn các ứng dụng khoa học kỹ thuật trên cây trồng, bà Tuyến đã mạnh dạn đầu tư cải tạo 6 công đất vườn tạp của gia đình để canh tác cây ăn trái.

Bưởi da xanh trong vườn của bà Tuyến luôn được bao bọc để tránh
bị côn trùng xâm hại. ( Thanh Hương )
 

           Lúc đầu bà chú trọng trồng chuyên canh cây mít, loại cây được coi là dễ trồng, có thu nhập khá, thị trường tiêu thụ ổn định, nhưng sau thời gian canh tác bà nhận thấy hiệu quả kinh tế không đạt như ý muốn cộng với thời tiết khô hạn kéo dài, nước mặn xâm nhập sâu đã khiến cây mít ngày càng mất dần khả năng sinh trưởng. Và rồi ý tưởng nảy sinh khi bà nhận thấy, cây bưởi da xanh mới thật sự phù hợp với thổ nhưỡng và thời tiết khắc nghiệt của xã Châu Hưng. Vì vậy, một lần nữa, bà lại đầu tư vốn cải tạo dần 6 công đất trồng mít kém hiệu quả và mua giống bưởi da xanh về trồng. Từ đó, hàng ngày, bà miệt mài chăm bón cho từng gốc bưởi, làm cỏ, bón phân, tỉa cành, tạo tán, phòng trừ sâu bệnh.

          Sau 3 năm trồng, nhờ chăm bón đúng kỹ thuật kết hợp với sử dụng phân hữu cơ và vô cơ định kỳ mỗi tháng 1 lần, vườn bưởi của bà ra hoa kết trái và mang lại nguồn thu nhập khá cao. Hiện tại, vườn bưởi da xanh chuyên canh của bà Tuyến đang trong thời kì phát triển và sinh trưởng mạnh, trong 6 công đất trồng bưởi, đã có 4 công cho thu hoạch từ năm thứ 2 trở lên, năng suất bình quân hàng tháng trên 200kg trái, bán với giá từ 30 ngàn đến 50 ngàn đồng/1kg. Riêng dịp tết, mỗi đợt thu hoạch trên 300kg trái. Sau khi trừ các khoản chi phí bà lãi từ 5 – 7 triệu đồng/1 tháng. Còn 2 công còn lại, bắt đầu cho trái chuyến trong dịp tết Nguyên Đán 2018. Bà Tuyến cho biết: “ trồng bưởi đòi hòi nắm vững các kỹ thuật cơ bản, trong đó bưởi rất đòi hỏi nước, phân, cần, giống,...., đặc biệt bưởi rất thích nước do đó bà luôn đảm bảo cho gốc bưởi được thoáng..”

           Vừa trồng bưởi bà Tuyến vừa nghiên cứu, sưu tầm tài liệu, sách báo hướng dẫn kỹ thuật cho cây bưởi ra hoa theo ý muốn để rải vụ, bao bọc trái để trái không bị sâu đục trái tấn công và da bóng đẹp, bán được giá cao, đặc biệt, bà đã mạnh dạng đầu tư 20 triệu đồng để lắp đặt hệ thống tưới tự động bằng ống mềm cho cây bưởi, nhờ đó đã giúp bà tiết kiệm chi phí, công lao động mà còn tăng thêm lợi nhuận sau mỗi đợt thu hoạch.

           Không chỉ dừng lại việc trồng bưởi tại vườn nhà, bà Tuyến còn tham gia vào tổ hợp tác trồng bưởi của xã để tìm cơ hội trao đổi, hỗ trợ kinh nghiệm, kỹ thuật trồng bưởi, giúp nhau phát triển kinh tế. Tấm gương cán bộ hưu tích cực làm kinh tế của bà Phạm Thị Kim Tuyến rất đáng trân trọng, xứng đáng cho thế hệ trẻ học tập và noi theo./.

Thanh Hương