Site banner

Bộ đội Biên phòng Bến Tre – chỗ dựa vững chắc cho ngư dân

Các đồn biên phòng ở ven biển Bến Tre như Đồn Biên phòng 594(Bình Đại), 598 (Ba Tri), 602 (Thạnh Phú), nay đổi tên thành Đồn Biên phòng Cửa Đại, Hàm Luông, Cổ Chiên. Các đồn này hiện quản lý tuyến biên giới biển dài 65 km ven biển Bến Tre, với trên 4.000 phương tiện đánh bắt, trong đó có hơn 1.500 phương tiện đánh bắt xa bờ.

Ngoài biển khơi…  
Đồn Biên phòng Hàm Luông đóng bên cửa sông Hàm Luông thuộc xã An Thủy, huyện Ba Tri, Bến Tre.

 Hằng ngày, lúc đúng 8 giờ sáng, sĩ quan trực phòng máy thông tin liên lạc Đồn Biên phòng Hàm Luông sẽ mở máy liên lạc với các tàu đang đánh bắt ngoài khơi. Khi liên lạc đến một tàu nào đó, sĩ quan trực máy thông tin liên lạc không hỏi: "Hôm qua có gì không?" mà thường hỏi: "Hôm qua các anh khỏe hết chứ?". Tức thì bộ đàm của tàu được hỏi, đáp ngay: "Khỏe re…". Rồi tàu này sẽ truyền những thông tin do đồn biên phòng vừa gởi ra cho những tàu khác. Vị sĩ quan này giải thích: "Anh em ngư dân vốn…kỵ rơ với chữ "không". Số không là con số ngư dân không thích. Làm công tác vận động quần chúng riết rồi tụi em quen như thế…".

Tàu lưới chuẩn bị ra khơi - ảnh: H.V.L

Nhưng khi có áp thấp nhiệt đới, bão sắp đến thì phòng thông tin liên lạc cắt cử người trực 24/24. Trung tá Trương Công Đoàn, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Hàm Luông nói: "Những khi ấy, tới giờ ăn, các chiến sĩ nấu cơm, múc một tô cơm đem lên cho người trực tại phòng máy. Người trực phòng máy vừa múc cơm ăn vừa khẩn trương theo dõi, liên lạc đến các tàu đang thấp thỏm chờ tin báo bão".

Tôi nhìn sang mảng vách tường bên phòng máy. Một danh sách dài ghi rõ số điện thoại liên lạc với các hộ ngư dân trong đất liền, số bộ đàm của các tàu đang đi đánh bắt. Khi có chuyện, đây là ba ngã thông tin sẽ bổ trợ cho nhau giữa đồn biên phòng gọi ra cho các tàu, gọi đến các gia đình ngư dân trong đất liền và ngược lại". Ở phòng máy có máy liên lạc tầm ngắn Sea Eagle 6900, máy liên lạc tầm xa ICOM 710 do Trung tâm phòng chống lụt bão tỉnh Bến Tre trang bị; máy ICOM 725 do Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh trang bị để thường xuyên liên lạc, báo cáo về bộ chỉ huy.

Trung tá Hồ Văn Cân, nguyên Chính trị viên Đồn Biên phòng 598 (Hàm Luông) nhớ lại: "Máy ICOM 710 đã cứu sống rất nhiều ngư dân Ba Tri. Đó là khi bão Durian (bão số 9 tháng 12-2006) ập đến, qua máy ICOM 710, đồn đã hướng dẫn 11 tàu đánh bắt xa bờ với trên 100 ngư dân vào trú bão ở đảo Re Dang (Malaysia). Đồng thời, với máy ICOM 725, chúng tôi đã  báo tình hình khẩn trương nói trên về Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh và từ đây báo về Bộ Tư lệnh Biên phòng để Bộ Tư lệnh liên hệ với Bộ Ngoại giao Việt Nam xin Bộ Ngoại giao Malaysia cho 11 tàu trên trú bão trong lãnh hải của nước bạn. Bão Durian đi qua, 11 tàu trên an toàn trở về. Còn trước đó, tháng 9-2006, một thủy thủ người Trung Quốc tên Lưu Quân Ba theo đoàn tàu viễn dương, khi sửa chữa thiết bị trên boong tàu đã rơi xuống biển mà trên tàu không hay biết. Khi rơi xuống biển, đó là vùng biển thuộc ngoài khơi Bến Tre. May mắn thay, lúc anh Ba rớt xuống biển chẳng bao lâu thì được tàu đi câu mực của ông Hồ Văn Thạnh vớt lên rồi tàu liên lạc với Đồn Biên phòng 598 (Hàm Luông) đưa anh Ba về đồn, chờ bạn nhận. Trung tá Hồ Văn Cân nói: "Trong lúc chờ bạn nhận, anh Lưu Quân Ba đã sống gần 3 tháng ở đồn. Chúng tôi ăn uống, ngủ nghê ra sao thì anh Ba cũng được lo chu đáo như vậy. Thậm chí, có những sáng anh Ba còn đòi…uống cà phê sữa, đồn cũng lo luôn…".

Năm đó, ông Hồ Văn Thạnh, chủ tàu câu mực ở xã biển An Thủy (Ba Tri) được Đại tá Bùi Thanh Khởi, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Bến Tre tặng bằng khen về thành tích cứu nạn, cứu hộ trên biển, thể hiện tình hữu nghị giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Huyện biển Ba Tri hiện có gần 1.400 phương tiện đánh bắt gồm tàu đi cào, đi câu mực, lưới đèn và lưới sỉ. Đã có nhiều trường hợp các tàu đánh bắt bị gãy chân vịt, hỏng hóc máy móc thì một cách nhanh chóng, qua liên lạc với Đồn Biên phòng Hàm Luông, đồn gọi cho các tàu gần đó kịp thời đến giúp đỡ để giúp tàu gặp sự cố tiếp tục ra khơi hoặc trở vào bờ. Ngư dân Ba Tri đi đánh bắt ngoài khơi xa bây giờ không còn đơn độc, âu lo thấp thỏm như trước đây nữa, Trung tá Trương Công Đoàn nói.

Trong đất liền

Huyện biển Bình Đại có số tàu đánh bắt ngang ngửa Ba Tri. Thiếu tá Nguyễn Văn Lùng, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa Đại cho biết: "Mới đây, Sở Thông tin và Truyền thông Bến Tre đã trang bị cho Đồn Biên phòng Cửa Đại, , Hàm Luông, Cổ Chiên máy thông tin về phòng chống thiên tai…".

Với ngư dân, Đồn Biên phòng Cửa Đại thường xuyên phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các buổi gặp gỡ ngư dân tại đồn để thông tin, tuyên truyền pháp luật, nhất là luật biển quốc tế của các nước trong khu vực. Hoặc phát tờ rơi, tuyên truyền trực tiếp cho ngư dân khi tàu đánh bắt ra cửa.

Huyện Thạnh Phú có số tàu đánh bắt ít hơn so với Ba Tri, Bình Đại nhưng những chiến sĩ biên phòng tại Đồn Biên phòng Cổ Chiên rất vất vả trong công tác hỗ trợ với chính quyền địa phương bảo vệ các sân nghêu. Nạn trộm nghêu ở Thạnh Phong diễn ra liên miên. Chính Đồn Biên phòng Cổ chiên đã góp phần lớn trong ổn định tình hình khi nạn trộm nghêu xảy ra trên địa bàn. Và cả đai rừng ngập mặn tại ven biển Thạnh Hải, Thạnh Phong. Từ nhiều năm qua, các chiến sĩ biên phòng của Đồn Biên phòng Cổ Chiên đã gìn giữ an ninh trên địa bàn, góp phần cùng Ban Quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng Bến Tre vẽ lại màu xanh của rừng ngập mặn – lá chắn sinh học cho Bến Tre trước vấn nạn biến đổi khí hậu và nước biển dâng…

Đại tá Nguyễn Văn Tuân, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Bến Tre, nhấn mạnh: "Bộ đội Biên phòng Bến Tre phối hợp với các ngành, các cấp, địa phương tiếp tục tuyên truyền cho ngư dân thực hiện tốt các quy định về đánh bắt thủy, hải sản trên biển. Mỗi ngư dân trên biển là chiến sĩ biên phòng kịp thời thông tin cho bộ đội biên phòng và các ngành chức năng về tình hình trên biển để có biện pháp xử lý và hỗ trợ ngư dân hoạt động".

Huỳnh Vĩnh Lộc