Từ lâu, việc tăng gia sản xuất được các chiến sĩ hải quân nói riêng, lực lượng quân đội nói chung, xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm tăng cường nguồn dinh dưỡng, đảm bảo sức khỏe và góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ. Thế nhưng công việc này thật sự không đơn giản đối với các chiến sĩ hải quân Trường Sa, bởi nơi đây bốn bề là biển cả bao la, nguồn nước ngọt lại khan hiếm…
Đến với Trường Sa hôm nay, chúng ta không khó để nhìn thấy những luống cải, chậu rau hay những đàn gia súc, gia cầm to béo. Đi dọc trên đảo Song Tử Tây, trên những thảm cỏ rộng lớn, những đàn bò béo đang nhởn nhơ gặm cỏ, những đàn vịt đang lội tung tăng dưới các ao trũng, những chú heo chạy ục ịch dưới các tảng cây phong ba… Tất cả tạo nên một bức tranh tuyệt vời với vẻ đẹp thiên nhiên nơi biển đảo. Theo ông Trịnh Xuân - Chính trị viên phó của đảo Song Tử Tây, hiện nay, tổng đàn gia súc, gia cầm trên đảo có trên một trăm con. Nhiều nhất vẫn là vịt, kế đến là heo và bò… Nguồn thức ăn cho gia súc, gia cầm chủ yếu từ những cây cỏ trên đảo hoặc một chút ít thức ăn thừa của các chiến sĩ. Số lượng gia súc, gia cầm này dùng vào những dịp lễ tết, tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho các chiến sĩ nơi biển đảo.
Chiến sĩ hải quân đảo Song Tử Tây thu hoạch rau muống. Ảnh Q.H
Bên cạnh việc chủ động nguồn thực phẩm giàu protein, các chiến sĩ Song Tử Tây còn tăng cường trồng các loại rau, cây ăn trái nhằm bổ sung nguồn vitamin. Diện tích trồng rau nơi đây khá lớn, chủ yếu các loại rau như: rau muống, rau lang, cải xanh, cà pháo, củ cải, mồng tơi, bù ngót… Để trồng được các loại rau này, các chiến sĩ đã cải tạo nguồn đất trồng, che chắn rất cẩn thận để tránh gió biển gây hư lá. Đặc biệt, các chiến sĩ hải quân không dùng các loại thuốc trừ sâu, mà tự tay mình bắt từng con sâu. Để tránh lượng muối từ biển xâm nhập vào vườn rau theo những cơn gió, các chiến sĩ đã xây tường và phân theo từng ô. Đối với nguồn nước tưới tiêu, các chiến sĩ đã tận dụng lượng nước mưa đọng lại những vùng trũng ở trên đảo hoặc sử dụng nguồn nước lợ.
Anh Đào Duy Quảng - Chính trị viên Cụm chiến đấu 2 của đảo Song Tử Tây cho biết: Để trồng được rau, đòi hỏi các chiến sĩ phải bỏ ra công lao chăm sóc rất nhiều. Ở đây, chúng tôi không được sử dụng hóa chất để trừ các loại sâu cũng như phân bón hóa học. Chúng tôi sử dụng nguồn phân chủ yếu từ việc ủ các loại lá cây như: đu đủ, bàn vuông, phong ba… Đối với các loại sâu xuất hiện trên cây trồng thì các chiến sĩ nơi đây phải dùng tay bắt. Việc tưới tiêu cũng phải rất cẩn thuận, nhất là sử dụng nguồn nước lợ. Khi tưới nước lợ cho cây thì chúng tôi không tưới trực tiếp lên rau mà chỉ tưới dưới đất để cây tự hấp thụ.
Chiến sĩ Đặng Văn Vĩnh thu hoạch giá đỗ chuẩn bị bữa ăn cho chiến sĩ. Ảnh Q.H
Việc trồng rau ở đảo nổi (đảo có diện tích lớn) là thế, còn ở đảo chìm (đảo có diện tích nhỏ) lại kỳ công hơn rất nhiều. Các chiến sĩ phải chuyển đất trồng từ trong đất liền và cho vào các chậu nhựa. Những chậu nhựa được sắp xếp xung quanh đảo để lấy sương và nắng, nhằm đảm bảo cho cây phát triển tốt. Anh Đặng Văn Vĩnh - nhân viên quản lý đảo Đá Thị (đảo chìm) cho biết: Chúng tôi trồng rau nơi đây ngoài việc tưới nước thì không dùng thêm loại hóa chất nào cả. Nước ngọt tưới rau được tận dụng từ nước sinh hoạt như nước rửa rau, nước vo gạo… Ngoài ra chúng tôi còn sản xuất giá đỗ, đây cũng là nguồn thực phẩm dinh dưỡng tươi sống cho các chiến sĩ nơi đây.
Từ việc chủ động chăn nuôi, trồng trọt nhằm củng cố chất lượng các bữa ăn trong điều kiện khá khó khăn cho thấy tính sáng tạo và năng động của các chiến sĩ hải quân Trường Sa. Với tinh thần đoàn kết, đồng lòng, những người lính Cụ Hồ đã và đang chinh phục, vượt qua thử thách trong cuộc sống, trong lao động và chiến đấu.
Quốc Hùng