Site banner

Các nước tăng cường cảnh giác trước việc xây đảo nhân tạo của Trung Quốc

Tình hình Biển Đông tăng nhiệt sau động thái xây đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc ở Gạc Ma đã buộc nhiều nước tăng cường cảnh giác và đề ra một số hoạt động ứng phó cụ thể.

Việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo thu hút sự chú ý của nhiều nước

Những tin tức gần đây trên báo chí liên quan đến hoạt động cải tạo đất, xây đảo nhân tạo và căn cứ quân sự trái phép của Trung Quốc ở Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đang ngày một thu hút sự chú của các nước trên thế giới.

Chuyên gia và truyền thông nhiều nước đã đưa ra hàng loạt phân tích liên quan đến động thái này của Trung Quốc cũng như dự đoán toan tính thực sự của nước này đằng sau việc cử tàu đến nạo vét, đắp đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa. Trước tình hình này, chính phủ một số nước tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông đã bắt đầu đề ra các hoạt động nhằm ứng phó với bước đi mới trong âm mưu độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc.

Theo những thông tin mới nhất trên báo chí, bất chấp tín hiệu Trung Quốc và Nhật Bản có nỗ lực cải thiện quan hệ song phương, trong đó dự kiến sẽ có cuộc gặp cấp cao giữa Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong thời gian diễn ra Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại Bắc Kinh vào tháng 11/2014, quan hệ Trung - Nhật vẫn tiếp tục căng thẳng liên quan tới vấn đề biển đảo.

Tuần trước, truyền thông Nhật Bản đưa tin chính phủ Nhật Bản đã ra quyết định kể từ ngày 1/10 tới, nước này sẽ thực hiện pháp lệnh mở rộng thềm lục địa. Theo đó, thềm lục địa đảo của Okinotori (Trung Quốc gọi là bãi đá ngầm Xung Chi Điểu) sẽ được mở rộng thêm về phía Bắc 3.000 km2. Trong khi đó, thềm lục địa của đảo Okindaito sẽ được mở rộng về phía Nam 174.000 km2.
 
Bên cạnh đó, Nhật Bản sẽ thúc đẩy khai thác tài nguyên biển như kim loại, dầu khí... Với việc mở rộng này, Nhật Bản sẽ có thêm quyền chủ quyền để khai thác tài nguyên dưới đáy biển. Ông Suga tuyên bố Nhật Bản sẽ nỗ lực để Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của Liên Hợp Quốc sớm công nhận thềm lục địa của nước này.

Cũng trong thời gian này, tổng thống Philippines ông Benigno Aquino lại đi châu Âu nhằm tìm sự ủng hộ trong các vấn đề về Biển Đông bên cạnh mục đích tăng cường hợp tác kinh tế. Được biết, tổng thống Aquino sẽ thuyết phục lãnh đạo các nước châu Âu ủng hộ "3 phương thức giải quyết" mà chính phủ Philippines đang theo đuổi trong các tranh chấp với Trung Quốc ở biển Đông thông qua trọng tài quốc tế.

Philippines tiếp tục theo đuổi chính sách cứng rắn với Trung Quốc

Ngoài ra, ngày 18/9, ông Aquino sẽ diễn thuyết tại Viện Quan hệ quốc tế Pháp (IFRI), là một think-tank hàng đầu tại Pháp để tranh thủ sự đồng tình của các học giả châu Âu.Theo giới phân tích, các nước châu Âu sẽ ủng hộ phương thức giải quyết theo luật quốc tế của Philippines. Tuy nhiên, do quan hệ kinh tế với Trung Quốc quá lớn nên sự ủng hộ này sẽ không mạnh mẽ như Mỹ mà sẽ có phần kín đáo hơn và ngoại giao hơn.

Thêm vào đó, tổng thống Philippines cũng tuyên bố với báo giới rằng một trong những điểm nhấn của chuyến thăm là thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực an ninh quốc phòng với các nước châu Âu, đặc biệt là với Pháp.

Trong vài năm trở lại đây, Philippines rất chú trọng đến việc nâng cấp quốc phòng để đối phó với các hoạt động đe dọa và gây hấn từ Trung Quốc. Trước đó, chính phủ Philippines đã có các hiệp định quốc phòng với Mỹ nên trên lý thuyết sẽ không có trở ngại đáng kể nào trong việc thúc đẩy hợp tác an ninh, quốc phòng với các nước NATO ở châu Âu, đặc biệt là Pháp và Đức

Tình hình Biển Đông căng thẳng buộc nhiều nước tăng cường sức mạnh quân sự

Cũng trong  ngày 14/9, lực lượng phòng không Đài Loan thông báo đội chiến đấu cơ chủ lực sẽ diễn tập cất cánh, hạ cánh trên xa lộ nhằm ứng phó cuộc tấn công tiềm ẩn từ Trung Quốc.

Theo các chuyên gia quân sự, cuộc diễn tập này dựa trên giả định một cuộc tấn công từ Trung Quốc sẽ phá hủy đường băng của các căn cứ ở Đài Loan, buộc lực lượng trên không phải dựa vào xa lộ trong các trường hợp cần cất/hạ cánh khẩn cấp. Ngoài ra, cuộc diễn tập cũng nhằm kiểm tra khả năng thực hiện việc tiếp liệu và tiếp tế cho các chiến dịch trong thời chiến./.

Theo vietnam.vn