Site banner

Chiến lược Biển Đông của Trung Quốc đến đoạn cao trào

Sau thời kỳ 'ấp trứng', hiện tại, chiến lược biển Đông của Trung Quốc bước sang giai đoạn nở rộ các hành động thực địa.

Đây là nhận xét của GS Christopher Hughes, Trưởng ban Hợp tác Quốc tế tại trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London (LSE).

Theo GS Hughes, tham vọng của Trung Quốc thể hiện rõ ở 'đường 9 đoạn', chiếm giữ phần lớn cả vùng biển Đông.

Các việc làm từ nhiều năm nay cho thấy quyết tâm của lãnh đạo Bắc Kinh, không ngừng lấn tới.

Năm 2009 là một điểm quan trọng trong bức tranh tổng thể tranh chấp ở biển Đông, khi Trung Quốc lần đầu tiên công bố đường 9 đoạn trong tài liệu chính thức quốc tế, gửi lên Liên Hợp Quốc.

Trong vòng 5 năm trở lại đây, Trung Quốc đã ráo riết thúc đẩy tham vọng của mình trên mặt trận ngoại giao và có xu hướng không thỏa hiệp với các nước cùng có tranh chấp ở biển Đông.

Tàu Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu Việt Nam ở khu vực giàn khoan Hải Dương-981 trái phép

Đặc biệt đáng chú ý là tháng 5 vừa rồi, Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 ở vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Trung Quốc cũng tiếp tục áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương hằng năm trên diện tích đến hơn 60% biển Đông.

Bắc Kinh cũng tiếp tục và tăng cường quyết liệt hơn nữa việc bao vây, ngăn không cho các tàu của Philippines tiếp tế cho các đơn vị đồn trú trên Bãi Cỏ Mây (tên quốc tế là Second Thomas Shoal), nơi Việt Nam đã tuyên bố chủ quyền.

Có thể xem quá trình Trung Quốc giành quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough trên biển Đông từ tay Philippines là một hình mẫu cho thấy chiến lược và chiến thuật của họ, GS Hughes phân tích.

Sau khi đưa lực lượng tàu chính phủ áp đảo tàu của Philippines, Trung Quốc ở lỳ từ tháng 6/2012 nhằm đạt cho bằng được 'một nguyên trạng mới', bất chấp sự phản đối của các tàu bè cũng như nỗ lực ngoại giao của Philippines.

Để nắm chắc lấy những điều mình muốn, Trung Quốc thực hiện chiến thuật tổng hợp, như một nắm đấm gồm sức lực gộp lại của nhiều ngón tay.

GS Hughes chỉ ra 5 'ngón tay' đó gồm: Sử dụng sức mạnh của đội tàu trên biển; áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá; phô trương sức mạnh hải quân; sử dụng các yếu tố kinh tế xã hội và sáp nhập các cơ quan liên quan vào một Văn phòng đại dương để hợp lực đối phó với các bên tranh chấp.

Theo vietnam.vn