Site banner

Đại sứ New Zealand tại Việt Nam thăm và làm việc tại xã An Thạnh, huyện Thạnh Phú

Ngày 01/10/2014, Đại sứ New Zealand tại Việt Nam, ông Haike Manning đã đến thăm và làm việc tại xã An Thạnh. Đây là một trong sáu xã của huyện Thạnh Phú tham gia Dự án "Xây dựng khả năng ứng phó, phục hồi và thích nghi với rủi ro thảm họa và khí hậu cho phụ nữ và nam giới tại tỉnh Bến Tre", gọi tắt là Dự án RADCC. Cùng đi với đoàn có phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn, Ban Quản lý Dự án RADCC tỉnh. Ông Nguyễn Minh Cảnh, chủ tịch UBND huyện cùng tiếp đoàn.

Tháng 5/2012, xã An Thạnh chính thức được Dự án RADCC đầu tư và đến nay đã nhận được sự tài trợ với 3 hợp phần gồm: Nâng cao năng lực giảm nhẹ rủi ro và thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH), Nâng cao năng lực sản xuất và thu nhập cho người nghèo thông qua mô hình sinh kế thích ứng BĐKH và học nghề, Cải thiện nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường cho người nghèo.

Tìm hiểu thêm về hoạt động của dự án trên địa bàn xã An Thạnh

Để triển khai các hợp phần có hiệu quả, xã đã tổ chức "đánh giá tình trạng dễ bị tổn thương và khả năng của cộng đồng có sự tham gia, lồng ghép về giới" và lồng ghép vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch phòng chống lụt bão – tìm kiếm cứu nạn hàng năm. Ngoài tổ chức các lớp tập huấn nâng cao khả năng thích ứng với BĐKH, diễn tập phòng chống lụt bão, Dự án đã hỗ trợ xã xây dựng đường di dân tránh bão cho 60 hộ dân xóm Rều, ấp An Ngãi A dài 1.500m; hỗ trợ hệ thống cảnh báo sớm với 16 cụm loa phóng thanh; truyền thông, giáo dục hành động cho hơn 400 hộ. Bên cạnh đó, hỗ trợ 40 dê cái cho 40 hộ tại các ấp An Thạnh, An Ngãi A và An Ngãi B phát triển kinh tế. Đến nay đã sinh được 18 dê con, 30 con đang mang thai. Mặt khác, bàn giao 50 cống trữ nước ngọt và 75 bồn nhựa cho 125 hộ dân ở 2 ấp An Ngãi A và An Thạnh. Tổng kinh phí Dự án hỗ trợ cho xã đến nay là hơn 1,2 tỷ đồng.

Nhìn chung, sau thời gian thực hiện, Dự án đã tác động làm thay đổi nhận thức của người dân xã An Thạnh về khả năng ứng phó, phục hồi và thích nghi với rủi ro thảm họa và khí hậu. Từ mô hình sinh kế, nhiều hộ dân không thuộc diện hưởng lợi từ Dự án cũng đã lựa chọn mô hình chăn nuôi mới; nhiều hộ biết quan tâm hơn trong việc tích trữ nước cho sinh hoạt, ăn uống; hiểu rõ những hành động có lợi và cải thiện theo hướng tích cực…

Thăm hộ nuôi dê ở ấp An Ngãi B

Tại buổi làm việc, xã An Thạnh cũng đã giới thiệu cho Đại sứ New Zealand nắm rõ về tiến trình đánh giá tình trạng dễ bị tổn thương của cộng đồng, kết quả phân tích hiểm họa, sinh kế của người dân, cách truyền thông bằng phương pháp giáo dục hành động… mà địa phương đã thực hiện trong quá trình tham gia Dự án.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Haike Manning nhấn mạnh, Việt Nam là đối tác quan trọng của New Zealand trên tất cả các lĩnh vực. Chương trình viện trợ của Chính phủ nước này cho Việt Nam tập trung vào nông nghiệp và thích ứng với BĐKH. Từ năm 2012, New Zealand đã triển khai dự án 5 năm trị giá 5,5 triệu đôla New Zealand tại tỉnh Bến Tre nhằm hỗ trợ tăng khả năng thích ứng và ứng phó của người dân, nhất là hộ nghèo đối với BĐKH. Sau gần 3 năm triển khai, Dự án đã giới thiệu được nhiều giải pháp hiệu quả trong lĩnh vực nông nghiệp, quản lý rủi ro thiên tai, nước sạch và vệ sinh cho người dân.

Tham gia buổi họp nhóm cùng sở thích nuôi dê tại ấp An Ngãi

Đại sứ Haike Manning chia sẻ: "Trong chuyến thăm Bến Tre lần này, chúng tôi rất ấn tượng với sự quan tâm phối hợp và sự cam kết mạnh mẽ không chỉ của lãnh đạo tỉnh, huyện, cấp xã mà còn nhiều tổ chức đoàn thể khác cũng như là của người dân trong thực hiện Dự án. Đây là một cơ hội tốt để tôi không chỉ đến đây xem dự án được triển khai như thế nào, mà còn giúp hiểu thêm về văn hóa của các bạn, hiểu rõ hơn về cuộc sống của người dân nơi đây để tiếp tục có giải pháp hỗ trợ phù hợp. Đối với ba hợp phần mà Dự án đang triển khai trên địa bàn xã An Thạnh nói riêng và Bến Tre nói chung có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, chẳng hạn như các mô hình về sinh kế sẽ cố gắng tạo ra tính bền vững về kinh tế trước tác động của BĐKH. Hoặc là thông qua các hoạt động truyền thông, hoạt động giáo dục mục đích là để nâng cao nhận thức của cộng đồng, giúp họ có thể đưa ra những mô hình sinh kế phù hợp hơn trong bối cảnh tác động của BĐKH ngày càng mạnh mẽ hơn, không chỉ ở Bến Tre mà còn là cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long…".

Sau buổi làm việc, Đại sứ New Zealand đã đến thăm buổi họp nhóm cùng sở thích mô hình nuôi dê sinh sản và truyền thông giáo dục hành động, thăm hộ nuôi dê Trương Thị Mỹ ở ấp An Ngãi B; hộ Nguyễn Văn Tán, ấp An Ngãi A hưởng lợi từ mô hình nước sạch, đường bờ Rều và hệ thống cảnh báo sớm khu vực dễ bị tổn thương. Qua đó, tìm hiểu thêm về việc truyền thông, kỹ thuật làm phân compost, cách sử dụng nước sinh hoạt và hiệu quả trong việc sử dụng đường di dân tránh bão…/.

                                                                          Bài, ảnh: Quốc Vinh