Site banner

“Đảo dừa” ở Trường Sa

Từ lâu, hình ảnh cây dừa đã hiện hữu và dần trở thành một trong những loại cây kinh tế chủ lực của đất nước hình chữ S. Tại đảo Nam Yết (huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa), ngoài việc tạo nên cảnh quan môi trường, những sản phẩm từ cây dừa đã góp phần không nhỏ vào việc phục vụ đời sống cho các cán bộ, chiến sĩ nơi hải đảo.

Nói đến dừa, người ta thường nghĩ ngay đến Bến Tre vì nó đã gắn liền với đời sống con người và mảnh đất trĩu nặng phù sa. Thế nhưng, trong chuyến hành trình về với biển đảo vào những ngày đầu năm 2013, chúng tôi thật sự bất ngờ về sự hiện hữu và sức sống mãnh liệt của cây dừa nơi đầu sóng ngọn gió. Được mệnh danh là "đảo dừa", Nam Yết hiện có hàng trăm cây dừa, trong đó có dừa xiêm và cả dừa ta. Những hàng dừa thẳng tấp lối đi, vị ngọt của những trái dừa đã làm mát lòng các chiến sĩ sau những giờ tập luyện mệt nhọc trong cái nắng, cái gió của biển.

Trung tá Trần Minh Thuần – Chỉ huy trưởng đảo Nam Yết cho biết: Đảo Nam Yết là vùng đất khá màu mỡ nên cây xanh nói chung và cây dừa nói riêng nơi đây phát triển rất tốt. Cây dừa đã xuất hiện trên đảo khá lâu. Dừa ở đảo chủ yếu có nguồn gốc xuất xứ từ Bến Tre và có một ít từ các nước như: Philippines, Malaysia… trôi dạt từ biển Đông vào bờ. Nhưng phải công nhận rằng, giống dừa ở Bến Tre có chất lượng cao hơn so với các loại dừa khác. Trên đảo hiện nay có trên hai trăm cây dừa, và một nửa trong số này đang cho trái. Mỗi cây dừa cho sản lượng từ 30 đến 40 trái/năm. Chúng tôi đang có kế hoạch trồng rộng khắp đảo nhằm góp phần tạo cảnh quan môi trường tươi đẹp cũng như khai thác các sản phẩm từ dừa.

Dạo quanh một vòng đảo Nam Yết dưới hàng dừa rợp bóng đã cho tôi cảm giác như mình đang ở quê nhà của ba dải cù lao. Thỉnh thoảng tôi lại bắt gặp hình ảnh vài chiến sĩ hải quân trèo bẻ và thưởng thức vị ngọt của nước dừa. Tôi bước đến, cả nhóm rúi rít "chào anh" - một lời chào thật thân thiện và gần gũi. Một chiến sĩ trong nhóm mời tôi ly nước dừa mới vừa chặt. Không ngần ngại, tôi cảm ơn và cầm ly nước dừa. Hớp một ngụm, tôi cảm nhận được vị ngọt thanh của nước dừa nơi đây không kém gì  so với ở quê mình. Nhưng nước dừa nơi đây có điểm đặc biệt hơn là có vị hơi mặn. Chúng tôi bắt đầu huyên thuyên câu chuyện về dừa. Em Nguyễn Văn Được (chiến sĩ ở Cụm chiến đấu 2) chia sẻ: Dừa ở đảo nhiều lắm anh à! Những khi dừa cho trái rộ là chúng em được uống mệt nghỉ luôn. Em rất thích uống nước dừa. Em thích nhất là sau những giờ huấn luyện mệt nhọc có một trái dừa uống là sướng.

Các chiến sĩ hải quân thưởng thức nước dừa sau những giờ luyện tập. Ảnh Q.H

Ngoài tác dụng giúp giải khát thì các sản phẩm khác từ dừa như: thân dừa, tàu dừa, cọng dừa, mụn dừa… cũng được các chiến sĩ nơi đây tận dụng triệt để. Chẳng hạn như cọng dừa được dùng để bó chổi, mụn dừa được ủ cho oai rồi làm phân bón cho cây, tàu dừa dùng để che mát cho các vườn rau. Đặc biệt, một số bộ phận trên cây dừa cũng được quân y trên đảo sử dụng trong việc điều trị một số bệnh. Thạc sĩ bác sĩ Dương Quang Hiến - Trưởng Bệnh xá đảo Nam Yết cho biết: Cây dừa ngoài có giá trị về mặt kinh tế thì bên cạnh đó nó còn có giá trị về y học. Ngoài tác dụng giải nhiệt, chúng tôi dùng nước dừa để bổ sung lượng nước cho các cán bộ, chiến sĩ ở đảo khi bị bệnh tiêu chảy. Ngoài ra, chúng tôi còn dùng vỏ quả dừa xiêm (còn non) sắc với nước để rửa vết thương phần mềm hay một số bệnh ngoài da…

Có thể nói, trong thời chiến cũng như thời bình, trong điều kiện thuận lợi cũng như khó khăn, cây dừa vẫn bám lấy đất để phát triển và tạo cho đời những trái ngon vị ngọt. Nhìn hình ảnh cây dừa với những tàu lá chao nghiêng trước gió của biển cả bao la đã gợi trong tôi nhớ về hình ảnh của người con gái Bến Tre, dũng cảm, trung hậu, đảm đang. Trong tiếng sóng biển xào xạc, bất chợt tôi nhớ đến giai điệu bài hát Dáng đứng Bến Tre của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý: "…Ai đứng như bóng dừa tóc dài bay trong gió/ Có phải người còn đó là con gái của Bến Tre…".

Quốc Hùng