Site banner

Dấu ấn truyền thông khẳng định chủ quyền biển đảo - kỳ 1

Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 là một sự kiện nổi bật, nhưng trước đó phải kể đến nỗ lực của truyền thông, báo chí, trong đó có triển lãm tư liệu.

Các em học sinh Bắc Ninh háo hức xem triển lãm (ảnh: Hồng Chuyên)

Có lẽ, chưa bao giờ người dân lại hiểu sâu, chia sẻ, bàn luận nhiều đến vấn đề chủ quyền biển đảo của Việt Nam như lúc này. Ngoài tác động của việc Trung Quốc ngang ngược đưa giàn khoan 981 xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế thềm lục địa Việt Nam thì phải kể đến sự tham gia tích cực của báo chí, truyền thông từ trước đó. Và hoạt động triển lãm bằng chứng về Hoàng Sa và Trường Sa là dấu ấn không phai trong việc cung cấp thông tin cho báo chí và công chúng.

Kỳ 1: Triển lãm bằng chứng Hoàng Sa, Trường Sa - sự cần thiết

Trước khi "Triển lãm Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam: Những bằng chứng lịch sử" bắt đầu vào tháng 6/2013, Báo Bưu điện Việt Nam/ Báo điện tử Infonet cũng đã đăng những phân tích của rất nhiều chuyên gia về sự cần thiết phải tập hợp và công bố những tư liệu, chứng lý về Hoàng Sa, Trường Sa.

TS Trần Công Trục cũng đã có bài phát biểu phân tích rất kỹ về sự cần thiết phải có nơi tập hợp, công bố bằng chứng về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa. Theo TS. Trục, trong bối cảnh hiện nay, mặt trận đấu tranh quan trọng nhất đó là mặt trận pháp lý (chính trị pháp lý và truyền thông). Ông nhấn mạnh: "Muốn cho cuộc đấu tranh về mặt pháp lý có hiệu quả, mạnh mẽ thì công tác truyền thông, thông tin, tuyên truyền giáo dục phải đi hàng đầu. Tại sao tôi lại nói như vậy? Vì vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh thổ là vấn đề phức tạp, vấn đề tranh chấp quyền chủ quyền, quyền tài phán trên biển càng phức tạp hơn, khó khăn hơn. Công tác truyền thông, tuyên truyền rất quan trọng bởi vì sao? Bởi vì muốn người dân chia sẻ với những chủ trương của Nhà nước thì phải làm cho người dân hiểu và có đủ thông tin cần thiết".

Bên cạnh đó, các chuyên gia uy tín khác cũng rất ủng hộ mong muốn này. PGS-TS Nguyễn Chu Hồi bày tỏ quan điểm: "Tôi rất ủng hộ. Nếu làm được một bảo tàng số về chứng lý Biển Đông thì quá tốt. Nếu có một bảo tàng đưa những bằng chứng pháp lý, lịch sử và bằng chứng khoa học cho vấn đề Biển Đông thì đây sẽ là cơ sở nâng cao nhận thức của người dân, chỗ dựa vững chắc cho nhà nghiên cứu mà còn là những bước chuẩn bị cho việc giải quyết tranh chấp này tại tòa án quốc tế..."

TS Mai Ngọc Hồng, người hiến tặng bản đồ Hoàng triều Trực tỉnh địa dư toàn đồ, (xuất bản đời Nhà Thanh năm 1904) cũng khẳng định: "Nên làm và cần làm sớm để tập hợp, công bố chứng cứ cần thiết về Biển Đông. Có làm như vậy, những chứng cứ, lý lẽ của dân tộc ta mới được người dân thế giới biết được."

Các đại biểu chương trình trại hè 2014 xem những hình ảnh tư liệu về chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa - Ảnh: Tr.Trung - Tuổi Trẻ

Sau khi Triển lãm này được tổ chức khoảng hơn một năm, tại buổi họp báo khai mạc triển lãm tại Bắc Ninh, TS Trần Đức Anh Sơn, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội TP Đà Nẵng đã chia sẻ: "Nếu chúng ta không công bố những bằng chứng chủ quyền của Việt Nam đến nhiều người thì nhiều người vẫn bị Trung Quốc tuyên truyền đánh lạc hướng, hiểu sai bản chất vấn đề Biển Đông". TS Trần Đức Anh Sơn đã chứng kiến không ít những câu chuyện về việc sau khi được biết về kho bằng chứng, tư liệu của Việt Nam thì nhiều người nước ngoài, trong đó có những học giả nước ngoài cũng đã có cái nhìn đúng đắn hơn.

Tính đến nay, sau hơn 1 năm triển lãm bắt đầu, Triển lãm Hoàng Sa Trường Sa là của Việt Nam những bằng chứng lịch sử và pháp lý đã được tổ chức tại 10 tỉnh thành không kể tại 3 đảo của Trường Sa. Sau khi triển khai, trưng bày trên các tỉnh, rất nhiều người dân và các địa phương ủng hộ. Nhiều địa phương muốn đăng ký được triển lãm và xin tư liệu để triển lãm.

Trong các cuộc họp tại Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son luôn đánh giá cao những nỗ lực, những thành công của triển lãm này. Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son từng nói: "Đây chỉ là một phần nhỏ những bằng chứng khẳng định chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Triển lãm này một lần nữa tri ân các thế hệ người Việt Nam đã hy sinh xương máu bảo vệ chủ quyền Việt Nam trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và một lần nữa cảm ơn đồng bào Việt Nam trong và ngoài nước đã sưu tầm gìn giữ những bằng chứng khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam"./.

Theo vietnam.vn