Site banner

Đoàn kết ASEAN chính là đối trọng với Trung Quốc

Lính Trung Quốc chiếm đến 3/4 trong số những người đang ở trái phép trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Thông tin mới nhất vừa được báo South China Morning Post dẫn lại từ Nhật báo Quân đội Trung Quốc cho biết, lính Trung Quốc chiếm đến 3/4 trong số những người đang ở (trái phép) trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam nơi đang bị Bắc Kinh chiếm đóng.

Rõ ràng, việc quân sự hóa tại các đảo Trung Quốc chiếm đóng đã thể hiện rõ. Giới chuyên gia nhận định, Bắc Kinh sẽ tiếp tục có những động thái ngày càng hung hăng, nhằm mục đích đòi chủ quyền phi lý trên các đảo, đá thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa mà nước này đã và chiếm đóng trái phép của Việt Nam...

“Miếng bánh” không dễ nuốt

Mới đây, Nhật báo Quân đội Trung Quốc (PLA Daily) tuyên truyền, hiện nay binh lính Trung Quốc chiếm đến 3/4 số người đang cư trú trái phép trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Với binh lực như trên, cùng với sự hiện diện của các khí tài mà nước này đã triển khai bất hợp pháp đã biến đảo Phú Lâm thành căn cứ “tiền duyên phòng ngự” hộ vệ tốt hơn cho hạm đội tàu ngầm của Trung Quốc ở đảo Hải Nam.

Đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, đang bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp - Ảnh: BBC.

Theo các chuyên gia quân sự, tiền đồn này sẽ trở thành “bàn đạp” để Bắc Kinh gia tăng các hoạt động khiêu khích, mở rộng “xâm lấn” xuống phía Nam, mà cụ thể sẽ đẩy nhanh hơn nữa, quy mô hơn nữa hoạt động xây dựng, bồi lấp các đảo, bãi cạn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Chuyên gia thuộc viện Xã hội học Trung Quốc – ông Học Lực mới đây còn cho rằng, Trung Quốc đang muốn áp dụng chiến lược mà nước này chiếm đóng trái phép quần đảo Hoàng Sa, sang sử dụng ở quần đảo Trường Sa, nơi mà Bắc Kinh đang xây dựng bồi đắp trái phép ít nhất 7 đảo nhân tạo.

Là một trong những vùng biển giàu tài nguyên, có vị trí chiến lược quan trọng và giá trị trao đổi thương mại hàng năm lên tới hàng ngàn tỉ USD nên Biển Đông hiện nay giữ vai trò cực kỳ quan trọng mà nước lớn nào cũng mong muốn tạo ra sự ảnh hưởng của mình ở đó.

Trung tướng Nguyễn Xuân Mậu – nguyên Phó Chính ủy Quân chủng Phòng không – không quân - Ảnh Tiền phong.

Liên quan đến vấn đề này, PV đã có cuộc trao đổi trực tiếp với Trung tướng Nguyễn Xuân Mậu – nguyên Phó Chính ủy Quân chủng Phòng không – không quân. Tướng Mậu nói rõ:

“Âm mưu lấn chiếm, mở rộng lãnh thổ và lãnh hải theo tôi là chiến lược xuyên suốt của các nhà cầm quyền ở Bắc Kinh. Song, có lẽ nó thể hiện rõ nhất trong thời điểm mấy năm trở lại đây.

Cụ thể, Trung Quốc đã liên tục thể hiện những bước đi mạnh mẽ trong việc thực hiện ý đồ “độc chiếm Biển Đông” với “Đường lưỡi bò” phi pháp bằng hàng loạt hoạt động ngang ngược. Tham vọng bá quyền của Trung Quốc ở Biển Đông dường như là bất biến”.

Tuy nhiên, cũng theo đánh giá của Trung tướng Mậu, “miếng bánh này” không hề dễ nuốt trôi. Ông lý giải, Trung Quốc mỗi lần thực hiện bước đi nào đó trên Biển Đông, đặc biệt là những hành động khiêu khích, quân sự hóa trên các đảo đã chiếm giữ trái phép của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa đều vấp phải sự phản ứng của cộng đồng quốc tế về sự ngạo mạn của mình.

Trước câu hỏi của PV, liệu những hành động mang tính khiêu khích bằng quân sự của Trung Quốc trên Biển Đông cũng như việc gia tăng sự hiện diện của quân đội Mỹ trong khu vực này sẽ dẫn đến một cuộc xung đột quân sự, Trung tướng Mậu cho rằng:

“Xét trên tình hình thực tế hiện nay, cả Trung Quốc và Mỹ đều không muốn để xảy ra xung đột vũ trang trên Biển Đông vì sẽ “lợi ít hại nhiều”. Theo tôi, chiến lược của Trung Quốc tại Biển Đông sẽ theo hướng đều đều, lúc nhanh lúc chậm, lúc ào ạt, lúc từ từ để hiện thực hóa âm mưu cả trên thực địa lẫn bàn ngoại giao.

Còn về phía Mỹ, họ cũng sẽ tăng cường các hoạt động hiện diện trong khu vực song cũng ở chừng mực nhất định. Đối trọng quan trọng hiện nay là việc các nước trong khối ASEAN phải đoàn kết, lên tiếng phản đối mạnh mẽ hơn nữa trước những động thái ngang ngược từ Trung Quốc”.

Thay đổi cách tiếp cận

Theo phân tích của các chuyên gia quân sự, quá trình mở rộng các đảo nhân tạo của Trung Quốc khiến cục diện chiến lược thay đổi nhanh chóng, theo chiều hướng có lợi cho Bắc Kinh.

Washington không thể nói miệng mà phải thực hiện một hành động cụ thể, trực quan đó là việc tăng cường các hoạt động tuần tra tại khu vực này. Mục tiêu chính của Washington là khuyến khích các nước khác có những tiếng nói mạnh mẽ hơn, cùng với những hành động quyết đoán hơn. Australia, Nhật Bản và cả Ấn Độ cũng đã tỏ ý sẽ tham gia tuần tra chung ở Biển Đông.

Khi tình hình Biển Đông ngày càng có những tiên liệu “xấu đi” do những hoạt động khiêu kích, ngang ngược, bành trướng từ phía Trung Quốc, nhiều học giả và các chuyên gia phân tích chiến lược về quân sự cũng đã đưa ra ý tưởng về một “lực lượng gìn giữ hòa bình chung” của ASEAN. Thực ra, trước đây, Malaysia đã đưa ra đề xuất này. Vậy liệu Việt Nam có tham gia hay kêu gọi tham gia vào “lực lượng gìn giữ hòa bình chung” này không?

PV cũng đã đặt tình huống trên khi trao đổi với Trung tướng Nguyễn Xuân Mậu. Theo lời Tướng Mậu, chúng ta đang áp dụng một phương pháp đấu tranh rất phù hợp là ủng hộ giải quyết tất cả các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982. Bên cạnh đó, kiên quyết và kiên trì bảo vệ chủ quyền cũng như các lợi ích hợp pháp của mình ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật quốc tế.

“Âm mưu thôn tính và chiếm giữ lâu dài Biển Đông của Trung Quốc đã được thể hiện rõ ràng rồi. Lúc này, cần phải lấy sức mạnh từ khối đoàn kết giữa các nước trong khối ASEAN để đấu tranh với những yêu sách ngang ngược từ phía Trung Quốc, căn cứ vào những hiệp định và quy tắc ứng xử trên biển mà quốc tế đã đưa ra. Bản thân Trung Quốc cũng chính là nước đã ký kết tham gia.

Chúng ta không liên minh liên kết quân sự. Chúng ta phản đối những hoạt động sai trái của Trung Quốc trên Biển Đông bằng con đường hòa bình nhưng luôn luôn cảnh giác và sẵn sàng, chủ động về mọi mặt, đặc biệt nguồn lực quân sự trong nước. Chúng ta không thể giữ vững chủ quyền chỉ bằng những... “phát ngôn””, Tướng Mậu nhận định.

Một số chuyên gia cho rằng, khó khăn nhất là xác định mục tiêu chung của tuần tra trong bối cảnh ASEAN còn nhiều chia tiết chưa thống nhất. Các rào cản về kỹ thuật chỉ là những khó khăn thứ yếu.

Một số ý kiến cho rằng, trước mắt không cần phải có quá nhiều nước trong ASEAN tham gia mà chỉ cần Mỹ, cùng một số nước khác như Nhật Bản và các nước có tranh chấp căng thẳng nhất tại Biển Đông như một “nhóm tiên phong”. Nhóm các nước này trước hết cùng theo đuổi một mục tiêu chung về mặt lợi ích: Đảm bảo tự do hàng hải và hạn chế khả năng bành trướng của Trung Quốc tại Biển Đông.

Việt Nam lên tiếng về động thái mới của Trung Quốc ở Biển Đông

Ngày 3/3, trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước việc Trung Quốc tuyên bố 3 trong 4 người sống ở đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam), là binh sỹ, cũng như vụ việc Trung Quốc đưa tàu công vụ tới chặn các tàu cá ở bãi Hải Sâm (thuộc quần đảo Trường Sa), người phát ngôn bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nhấn mạnh: “Một lần nữa, Việt Nam khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Mọi hoạt động của các bên tại khu vực này mà không có sự chấp nhận của Việt Nam đều là bất hợp pháp. Các bên liên quan cần có lời nói và hành động thiết thực trong việc duy trì hòa bình, an toàn, ổn định, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông và tuân thủ luật pháp quốc tế”.

Nguồn Vietnam.vn