Trong thời gian qua, lực lượng các đồn biên phòng nói chung và Đồn Biên phòng Hàm Luông nói riêng, đã có nhiều nỗ lực trong công tác quản lý tàu thuyền, kịp thời hỗ trợ giúp ngư dân xử lý tình huống khi có sự cố xảy ra ở ngoài khơi. Điều này không những có tác dụng khuyến khích ngư dân an tâm bám biển, khai thác nguồn lợi thủy hải sản ở các ngư trường, mà qua đó đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế biển - ngành được xem là một trong những thế mạnh của tỉnh.
Theo thông tin của ngành chức năng, Bến Tre hiện có khoảng 4.000 tàu đánh bắt hải sản, trong đó có trên 1.500 tàu đánh bắt xa bờ. Hàng năm, ngư dân đánh bắt sản lượng hải sản đạt tới hàng chục ngàn tấn. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2013, ngư dân trên địa bàn tỉnh đã đánh bắt được 62.000 tấn hải sản. Ngư dân Bến Tre chủ yếu khai thác hải sản ở các ngư trường thuộc vùng biển phía nam như: Nam Côn Sơn, vùng biển ở cửa sông Đốc - Cà Mau… Hiện nay, hầu hết các tàu đều được trang bị thiết bị định vị hải đồ, máy điện đường dài, nhất là các tàu đánh bắt xa bờ, điều này góp phần giúp ngư dân giữ được thông tin với đất liền.
Ở các huyện biển, Ba Tri được xem là địa phương có nhiều phương tiện cũng ngư ngư đánh bắt hải sản. Ở 4 xã biên giới biển, gồm: An Thủy, Tân Thủy, Bảo Thạnh và Bảo Thuận, có khoảng 1.000 phương tiện khai thác đánh bắt hải sản, ở 3 tuyến: bờ, lộng và khơi, với hàng ngàn ngư dân tham gia đánh bắt. Ngư dân ở Ba Tri hoạt động đánh bắt theo từng đoàn, đội và khai thác ngư trường vùng biển Cà Mau, Kiên Giang. Với phương tiện đánh bắt hải sản và lực lượng như dân như thế, việc tuyên truyền, phổ biến các luật, nghị định, các văn bản liên quan về biển… góp phần nâng cao ý thức trong việc chấp hành tốt các quy định về khai thác hải sản ở ngư trường là điều hết sức cần thiết. Bởi trong thời gian qua, vì lợi nhuận kinh tế và thiếu kiến thức các quy định về biển nên một số ngư dân đã đánh bắt ra ngoài phạm vi chủ quyền biên giới biển của Việt Nam.
Theo ông Võ Văn Tường - Chính trị viên Đồn Biên phòng Hàm Luông: Để góp phần nâng cao nhận thức của ngư dân trong quá trình khai thác hải sản, lực lượng chiến sĩ Đồn Biên phong đã tăng cường công tác tuyên truyền về chủ quyền và quyền chủ quyền biển đảo. Thông qua các hình thức tuyên truyền trực tiếp đến từ chủ phương tiện hoặc lồng ghép vào các cuộc họp tổ nhân dân tự quản để phổ biến các nội dung về: Luật Biên giới quốc gia, Nghị định 161 của Chính phủ về Quy chế khu vực biên giới biển, Luật Biển Việt Nam. Ngoài ra, lực lượng chiến sĩ Đồn Biên phòng còn tổ chức tuyên truyền thông qua phát tờ bướm khi tàu thuyền vào neo đậu tại cảng… Một mặt tăng cường công tác tuyên truyền, mặt khác lực lượng chiến sĩ Đồn Biên phòng Hàm Luông luôn quan tâm, tổ chức quản lý phương tiện cũng như người khai thác hải sản một cách chặt chẽ. Chúng tôi thực hiện công tác quản lý theo hướng tận gốc và mang tính toàn diện. Đồng thời cũng luôn chú trọng đến việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính để giúp ngư dân thuận tiện hơn trong quá trình khai thác, đánh bắt hải sản.
Anh Nguyễn Hữu Tài đang liên lạc với ngư dân đang hoạt động đánh bắt tuyến khơi.
Trong những năm gần đây, việc thời tiết thay đổi thất thường, bão, áp thấp nhiệt đới xảy ra thường xuyên… đã gây thiệt hại không nhỏ đến người và tài sản của ngư dân địa phương. Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và của cho ngư dân đang khai thác đánh bắt hải sản, nhất là đối với tàu khai thác tuyến khơi, Đồn Biên phòng tăng cường các bản tin về thời tiết cũng như giữ liên lạc và hỗ trợ kịp thời thông qua thiết bị định vị và máy điện đường dài. Anh Nguyễn Hữu Tài - cán bộ phụ trách bộ phận thông tin và thông báo tàu thuyền hoạt động trên biển, cho biết: Hiện nay, 100% các tàu đánh bắt hải sản đều có lắp đặt hệ thống định vị và máy gọi đường dài, điều này giúp chúng tôi thuận tiện hơn trong công tác quản lý cũng như giữ liên lạc được với tàu. Chúng tôi đã hình thành được 3 tần số riêng ở 3 ngư trường, thuộc tọa độ: 08oN – 109oE, 07oN – 107oE và 08oN – 106oE, giữ liên lạc với các phương tiện khai thác đánh bắt. Với các tần số này, mỗi ngày, chúng tôi đều có liên lạc với các phương tiện đánh bắt hải sản tuyến khơi để nắm thông tin cũng như thông báo về tình hình thời tiết. Những khi thời tiết xấu hoặc có bão xảy ra, chúng tôi giữ liên lạc với ngư dân 24/24 để thông báo, giúp như dân kịp thời tránh, trú bão. Mới đây nhất, chúng tôi đã thông báo tình hình thời tiết và diễn biến, hướng đi của cơn bão số 6, số 7, giúp 1.500 tàu đánh bắt (bao gồm cả tàu ở các tỉnh bạn) chủ động tránh, trú bão an toàn…
Có thể nói, đối với ngư dân, Đồn Biên phòng luôn là điểm tựa vững chắc để họ ra khơi bám biển. Ngược lại, đây cũng chính là "tai, mắt" cho lực lượng chiến sĩ Đồn Biên phòng trong công tác bảo vệ chủ quyền biển Việt Nam. Đây còn được thể hiện cho một thế trận quốc phòng toàn dân, nền biên phòng toàn dân trên biển.
Bài, ảnh: Quốc Hùng