Site banner

Dư luận quốc tế trước việc Trung Quốc gây căng thẳng ở Biển Đông

Hành động nguy hiểm của Trung Quốc trên Biển Đông đã trở thành một vấn đề thu hút sự lưu tâm đặc biệt của dư luận thế giới. Dư luận thế giới lên tiếng ủng hộ Việt Nam đồng thời bày tỏ quan ngại trước những hành động vi phạm của Trung Quốc và kêu gọi một giải pháp hòa bình, ngoại giao để tránh khiến tình hình căng thẳng leo thang trong khu vực.

-  Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida ngày 9/5 tuyên bố, nước này coi hoạt động khoan thăm dò dầu khí của Trung Quốc ở các khu vực tranh chấp trên biển Đông là hành động "khiêu khích" đối với an ninh khu vực; Trung Quốc cần phải làm rõ với Việt Nam và cộng đồng quốc tế về cơ sở của những hoạt động hàng hải ngày một gia tăng này. Ông Kishida nhấn mạnh: "Chúng tôi quan ngại sâu sắc trước diễn biến leo thang căng thẳng ở khu vực liên quan tới hoạt động khoan thăm dò dầu khí đơn phương của Trung Quốc trên các vùng biển không có đường biên giới cố định này. Chúng tôi coi vụ việc mới nhất này là một phần trong hàng loạt hoạt động hàng hải đơn phương và khiêu khích của Trung Quốc. Chúng tôi cho rằng Trung Quốc cần phải giải thích rõ cơ sở và chi tiết những hoạt động đó với Việt Nam và cộng đồng quốc tế".

Tàu Trung Quốc dùng vòi rồng phun nước vào tàu kiểm ngư của Việt Nam khiến nhiều cán bộ bị thương.

- Tờ "Thời báo New York" của Mỹ  vừa đăng bài viết với tựa đề "Việt Nam đương đầu với Trung Quốc ở vùng biển tranh chấp" và nhận định: "Những tranh chấp này không có gì mới, nhưng một Trung Quốc ngày càng hùng mạnh, muốn khẳng định yêu sách chủ quyền của mình, trong những năm qua đã làm dậy sóng toàn khu vực". Cũng theo báo này, đường chín đoạn của Trung Quốc bị những người chỉ trích cho là không có cơ sở theo luật pháp quốc tế.

 

- Trang mạng của Tạp chí "Forbes" dẫn nguồn từ Nelson Report, một bản tin nội bộ của Washington, nhận định: "Với hành động lần này, Trung Quốc đã vượt qua hai ranh giới quan trọng. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc khoan ở vùng biển Việt Nam. Ngoài ra, đây cũng là lần đầu tiên Trung Quốc công khai sử dụng tàu hải quân để hỗ trợ tàu hàng hải dân sự". Bài báo viết: "Dù Trung Quốc có làm gì đi nữa thì các hành động của họ cũng cực kỳ nguy hiểm.

Việt Nam không có lịch sử lùi bước, ngay cả khi phải đối mặt với sự khiêu khích của người láng giềng khổng lồ Trung Quốc. Hà Nội không sợ người láng giềng phương Bắc. Không có khả năng người Việt Nam, vốn rất tự hào về dân tộc của họ, sẽ để yên cho Trung Quốc khoan ở gần vùng biển ngay sát họ". Bài báo phân tích: "Trung Quốc muốn sở hữu lãnh thổ và vùng biển của những nước xung quanh. Họ sẽ không dừng lại cho đến khi có ai ngăn họ lại. Và có thể chỉ có người Việt Nam mới ngăn họ được".

- Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain ngày 7-5 đã ra tuyên bố chỉ trích Trung Quốc cố tình gây căng thẳng ở Biển Đông. Phóng viên TTXVN tại Washington dẫn thông cáo báo chí của Thượng nghị sĩ John McCain cho rằng quyết định của Trung Quốc hạ đặt giàn khoan thăm dò dầu khí ở ngoài khơi Việt Nam cùng với việc triển khai hàng chục tàu hải quân để hậu thuẫn cho hành động mang tính khiêu khích này là đáng quan ngại và chỉ nhằm leo thang căng thẳng ở Biển Đông. Theo ông McCain, các tàu của Trung Quốc bao vây và tông vào các tàu của Cảnh sát biển Việt Nam là hành vi hung hăng và hiếu chiến. Trung Quốc phải gánh chịu hoàn toàn trách nhiệm về hành động đơn phương hòng thay đổi nguyên trạng này.

Thông cáo báo chí viết tiếp: "Các hành động của Trung Quốc dựa trên những yêu sách lãnh thổ không có cơ sở theo luật pháp quốc tế. Sự thực là hành động của Trung Quốc diễn ra trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã được xác định rõ ràng theo luật pháp quốc tế. Tất cả những quốc gia có trách nhiệm đều lên tiếng yêu cầu các nhà lãnh đạo Trung Quốc có ngay các bước đi giảm leo thang căng thẳng, trở lại với nguyên trạng.

- Với dòng tít "Trung Quốc dùng tàu chiến đâm vào tàu Việt Nam", báo Die Welt (Đức) viết rằng các tàu chiến Trung Quốc đã đâm vào tàu Việt Nam khi bị các tàu này ngăn cản hành động hạ đặt giàn khoan ở vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam tại Biển Đông. Theo bài báo, việc Trung Quốc đặt giàn khoan là "một trong hàng loạt hành động khiêu khích của Trung Quốc". Tờ báo cũng dẫn lời ông Ngô Ngọc Thu - Phó Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam  - cho biết các tàu Trung Quốc đã đâm thẳng vào tàu Việt Nam và dùng vòi rồng phun vào các tàu Việt Nam khiến nhiều kiểm ngư Việt Nam bị thương, nhiều tàu bị hư hại. Báo Die Welt bình luận đây là vụ đụng độ nghiêm trọng nhất giữa Trung Quốc và Việt Nam trong nhiều năm qua. Tờ báo cũng dẫn nguồn Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết, từ đầu tuần Việt Nam đã kịch liệt phản đối việc Trung Quốc đặt giàn khoan trong vùng biển Việt Nam, cách bờ biển Việt Nam khoảng 120 km.

Giàn khoan HD-981 của Trung Quốc nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

- Các báo Die Zeit, Die Spiegel cũng đưa tin đậm nét về căng thẳng ở Biển Đông khiến nhiều kiểm ngư Việt Nam bị thương và nhiều tàu bị hư hại. Các báo dẫn lời ông Ngô Ngọc Thu cho biết lực lượng cảnh sát và kiểm ngư Việt Nam đã, đang và sẽ hết sức kiềm chế. Nhưng nếu các tàu Trung Quốc vẫn tiếp tục đâm vào tàu Việt Nam, phía Việt Nam sẽ buộc phải tự vệ bằng hành động tương tự. Báo WD cho rằng nếu Trung Quốc không dừng lại, căng thẳng ở Biển Đông sẽ có nguy cơ leo thang thành các cuộc đụng độ nghiêm trọng hơn.

- Tại Mỹ, giới học giả nước này cũng bày tỏ bất bình trước các hành động của Trung Quốc, cáo buộc Bắc Kinh đang vi phạm chủ quyền lãnh hải của Việt Nam. "Việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD-981 ở vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là sự vi phạm trắng trợn chủ quyền của Việt Nam theo Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982", học giả Andrew Billo chuyên nghiên cứu về Đông Nam Á thuộc Hiệp hội châu Á (Asia Society) có trụ sở tại thành phố New York (Mỹ) nói. Theo ông Andrew, đây rõ ràng là thất bại của Trung Quốc trong việc tuân thủ Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) mà nước này đã ký với các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

"Cũng như Việt Nam, Trung Quốc đã tham gia UNCLOS. Vì thế Trung Quốc cần tôn trọng quyền hợp pháp đã được khẳng định của Việt Nam đối với vùng biển này", học giả này khẳng định.

Theo ông Andrew, các hành động leo thang căng thẳng của Trung Quốc bất chấp luật pháp quốc tế và không tôn trọng chủ quyền đã được công nhận của các quốc gia láng giềng sẽ chỉ làm cho tình hình ngày càng phức tạp hơn. Ông kêu gọi chính quyền Mỹ tiếp tục lên án các hành động của Trung Quốc và tìm các biện pháp thúc đẩy đàm phán giữa các bên liên quan để thảo luận điều khoản giúp quản lý tốt hơn tình hình tại Biển Đông.

- Hàng loạt nghị sĩ Mỹ ngày 9/5 đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ các hành động "gây lo ngại nghiêm trọng" của Trung Quốc ở Biển Đông, sau khi Bắc Kinh hạ đặt trái phép khoan HD 981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam.

"Việc Trung Quốc đưa một giàn khoan dầu, với sự hộ tống của các tàu quân sự và các tàu khác, vào Biển Đông ngoài khơi Việt Nam và các hành động hung hăng sau đó của các tàu Trung Quốc, trong đó có việc đâm vào các tàu Việt Nam, là rất đáng lo ngại", nhóm lưỡng đảng gồm 6 nghị sĩ cấp cao của Mỹ cho biết trong một tuyên bố hôm qua.

"Các hành động này đe dọa dòng chảy thương mại tự do toàn cầu tại một khu vực rất quan trọng", tuyên bố nói thêm.

Nhóm lưỡng đảng gồm 6 nghị sĩ, do Chủ tịch Ủy ban đối ngoại thượng viện Robert Menendez đứng đầu, cũng là những người bảo trợ cho một nghị quyết được đưa ra hồi tháng 4, vốn lên án việc sử dụng vũ lực và ủng hộ cách giải quyết hòa bình thông qua con đường ngoại giao đối với các tranh chấp biển đảo và lãnh thổ.

Tuyên bố của các nghị sĩ Mỹ được đưa ra sau khi Trung Quốc ngang ngược hạ đặt giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, vi phạm chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.

Không chỉ trái phép đưa giàn khoan trên vào vùng biển của Việt Nam, Trung Quốc còn cử khoảng 80 tàu cùng nhiều máy bay hộ tống việc lắp đặt. Các tàu và máy bay của Trung Quốc còn hung hăng tấn công các tàu cảnh sát biển của Việt Nam khi bị ngăn cản hành động hạ đặt giàn khoan trái phép trên vùng biển thuộc chủ quyền lãnh hải của Việt Nam.

- Ngoại trưởng Singapore K Shanmugam: 'ASEAN không thể im lặng khi biển Đông sôi sục'. Ông nói Biển Đông "là chuyện gây quan ngại nghiêm trọng" mà "ASEAN không thể im lặng".

Ông Shanmugam phát biểu như vậy với báo chí bên lề Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN diễn ra sáng nay 10.5 tại Naypyitaw (Myanmar) trong khuôn khổ Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 24.

Chính vì căng thẳng gia tăng từng ngày bởi các hành động ngang ngược, leo thang của Trung Quốc ở đảo Tri Tôn của Việt Nam, "ASEAN sẽ ra tuyên bố riêng về vấn đề này", ông K Shanmugam cho biết trước khi các Ngoại trưởng thông qua bản thảo Tuyên bố do các quan chức ngoại giao cấp cao soạn thảo trong các cuộc họp trù bị ngày 9.5.

"Không đưa ra một tuyên bố như thế sẽ tiếp tục làm tổn thương uy tín của ASEAN. Chúng ta không thể im lặng khi biển Đông đang sôi sục", ông Shanmugam nói. Ông Shanmugam cũng nói rằng: "Vì lợi ích của toàn khu vực, chúng ta cần có hòa bình chứ không phải biến cố".

"Những gì đang xảy ra tạo nên yêu cầu khẩn cấp hơn về việc phải có một bộ Quy tắc ứng xử biển Đông" giữa ASEAN và Trung Quốc.

-  Ngày 10/5, trong một động thái chưa có tiền lệ trong các cuộc họp Ngoại trưởng trước một Hội nghị thượng đỉnh ASEAN, khi các quốc gia thành viên thống nhất được quan điểm về một tuyên bố chung cho riêng một vấn đề đang nóng bỏng.

Nguyên văn bản "Tuyên bố của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN về Tình hình biển Đông hiện nay" có 4 điểm:

1. Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN bày tỏ quan ngại sâu sắc về các vụ việc đang diễn ra trên biển Đông, đã làm gia tăng tình hình căng thẳng tại khu vực.

2. Các Bộ trưởng yêu cầu các bên liên quan, trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc đã được thừa nhận chung của luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982, thực hiện kiềm chế và tránh các hành động có thể làm phương hại đến hòa bình và ổn định của khu vực; giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.

3. Các Bộ trưởng khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định an ninh, an toàn hàng hải, tự do hàng hải và hàng không ở biển Đông, cũng như Nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về Biển Đông và Tuyên bố cấp cao ASEAN – Trung Quốc lần thứ 15 kỷ niệm Tuyên bố chung của các bên về Quy tắc ứng xử trên biển Đông (DOC).

4. Các Bộ trưởng đồng thời kêu gọi các bên tham gia DOC thực hiện đầy đủ tuyên bố này nhằm tạo môi trường tin cậy và xây dựng lòng tin. Các Bộ trưởng cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC).

- Ngày 9/5, Ông Michael Mann-Người phát ngôn của Đại diện Cấp cao về Chính sách Đối ngoại và An ninh của Liên minh châu Âu kiêm Phó Chủ tịch Ủy Ban châu Âu đã ra tuyên bố về những căng thẳng leo thang gần đây tại Biển Đông.

Liên minh Châu Âu (EU) quan ngại về những diễn biến gần đây giữa Trung Quốc và Việt Nam liên quan đến việc di chuyển giàn khoan HD-981 của Trung Quốc. Liên minh Châu Âu (EU) đặc biệt quan ngại rằng những hành động đơn phương có thể ảnh hưởng đến môi trường an ninh trong khu vực, như đã được thể hiện trong các báo cáo về  vụ va chạm gần đây giữa các tàu của Việt Nam và Trung Quốc. Chúng tôi thúc giục các bên liên quan tìm kiếm các giải pháp hòa bình và hợp tác phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật  Biển và tiếp tục đảm bảo an toàn và tự do hàng hải.

"Chúng tôi cũng kêu gọi các bên tiến hành các biện pháp làm giảm căng thẳng leo thang và kiềm chế mọi hành động đơn phương có thể phương hại đến hòa bình và ổn định trong khu vực. EU sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ các diễn biến này", ông Michael Mann tuyên bố.

- Ngày 9-5, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc (TTK LHQ) Ban Ki-Moon đã lên tiếng kêu gọi các bên liên quan hết sức kiềm chế, giải quyết tranh chấp bằng con đường hòa bình.

Trong cuộc họp báo cùng ngày, trang web un.org dẫn lời người phát ngôn  người phát ngôn của TTK LHQ, ông  Farhan Haq cho biết Tổng thư Ký Ban Ki- Moon quan ngại về những căng thẳng leo thang ở biển Đông giữa Trung Quốc và Việt Nam.

Ông hối thúc các bên liên quan kiềm chế tối đa và giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, thông qua đối thoại và phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Hiến chương Liên Hiệp Quốc.

- Sri Lanka ủng hộ lập trường của Việt Nam về vấn đề Biển Đông. Phát biểu tại cuộc hội kiến Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chiều 9/5, Thủ tướng Jayaratne khẳng định, Sri Lanka ủng hộ lập trường và quan điểm chính đáng của Việt Nam về vấn đề Biển Đông.

Đề cập tới vấn đề Biển Đông, Thủ tướng Sri Lanka cho rằng, việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông phải bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, các bên liên quan không tiến hành các hành động đơn phương gây căng thẳng tình hình.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng Jayaratne khẳng định quan điểm của Sri Lanka là ủng hộ lập trường, quan điểm chính đáng của Việt Nam và yêu cầu Trung Quốc nghiêm túc chấp hành luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm1982, Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông, đồng thời rút ngay giàn khoan HD981 đang hoạt động phi pháp ra khỏi thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế biển của Việt Nam, bảo đảm hòa bình, ổn định ở khu vực.        

 Tờ Thời báo Kinh tế (The Economic Times), ngày 12/5 có bài viết "Tình hình trên Biển Đông tiếp tục diễn biến căng thẳng hơn sau những hành vi khiêu khích của Trung Quốc". Bài viết nêu rõ, các hành vi ngang ngược, hung hãn của Bắc Kinh như hạ đặt giàn khoan nước sâu tại Biển Đông, chủ ý đâm thẳng vào tàu của lực lượng cảnh sát biển Việt Nam – là các hành vi vi phạm chủ quyền của Việt Nam và vô hình chung, đã để lại "bài học cho các nước", trong đó có Ấn Độ - vốn đang có quan hệ tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc.

Bài viết nêu rõ, Ấn Độ - nước có nhiều lợi ích kinh tế, chiến lược trong khu vực, bày tỏ quan ngại đặc biệt trước những diễn biến gần đây ở Biển Đông. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ấn Độ Syed Akbaruddin nêu rõ: "Chúng tôi theo dõi tình hình trên Biển Đông với một mối quan ngại sâu sắc. Chúng tôi tin rằng, việc duy trì hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng trong khu vực là mối quan tâm chung của cộng đồng quốc tế. Chúng tôi kêu gọi các bên tìm kiếm giải pháp cho vấn đề thông qua con đường hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế. Xét theo khía cạnh này, chúng tôi cũng nhấn mạnh lập trường nhằm duy trì tự do hàng hải ở Biển Đông, kêu gọi hợp tác nhằm bảo đảm và tăng cường an ninh hàng hải".

Bên cạnh đó, tờ The Economic Times cũng dẫn lời một số quan chức chính phủ Ấn Độ cho rằng, New Delhi đang theo dõi sát sao những diễn biến trong một khu vực vốn có nhiều tác động đến lợi ích của quốc gia này. Tình hình trên Biển Đông đã trở nên căng thẳng ngay trước thời điểm thành lập một chính phủ mới tại Ấn Độ và thái độ "hung hăng" của Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ có nguy cơ sẽ tạo ra "một thách thức mới" trong bối cảnh chính phủ mới của Ấn Độ đang nỗ lực gây dựng quan hệ với các nước láng giềng phía Bắc.

Tờ Brisbanetimes của Australia, ngày 11/5 có bài viết khẳng định, các nước trong khu vực đang gia tăng quan ngại trước diễn biến căng thẳng gần đây trên Biển Đông. Bài viết dẫn lời một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Australia khẳng định, nước này đang theo dõi sát sao diễn biến trên Biển Đông và kêu gọi các bên kiềm chế, tránh những hành động làm gia tăng căng thẳng.

Tờ The New York Times có bài bình luận "Điều phiền toái trên Biển Đông", trong đó nêu rõ Trung Quốc đã làm gia tăng căng thẳng nguy hiểm trên Biển Đông sau khi lần đầu tiên đưa giàn khoan nước sâu vào một vùng biển của Việt Nam. Động thái này của Trung Quốc rõ ràng sẽ khiến nhiều nước trong khu vực cảm thấy bị "đe dọa". Bên cạnh đó, bài viết này cũng bác bỏ những luận điệu do Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra nhằm đổ lỗi cho Việt Nam gây nên tình hình căng thẳng hiện nay trên Biển Đông khi cho rằng "quan điểm của Trung Quốc đưa ra là không thuyết phục bởi sẽ không có tình huống căng thẳng nào nếu như Bắc Kinh không hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981".

Ngày 12/5, Tướng Daniel Schaeffer - nguyên Tùy viên quân sự Pháp tại Việt Nam và Trung Quốc, nguyên cố vấn của Bộ Quốc phòng Pháp và là một nhà nghiên cứu có uy tín về Biển Đông - nhận định rằng, bằng hành động đưa giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Trung Quốc đã vượt quá các quyền hạn của mình và vi phạm chủ quyền của Việt Nam. Tướng Daniel Schaeffer cho rằng hành động của Trung Quốc là bước đi mới trong tổng thể các hành động hòng độc chiếm Biển Đông bằng cái gọi là "đường chín đoạn" mà Trung Quốc đã đưa ra trước đó.

Cùng ngày, ông Anton Svetov, chuyên viên Hội đồng Đối ngoại Nga, cho rằng việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 tại thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là hành động được lên kế hoạch bài bản. Theo ông Svetov, các vụ gây hấn tương tự của Trung Quốc đã từng xảy ra nhiều lần trong quá khứ, song lần này đi xa hơn và nguy hiểm hơn. Việc Trung Quốc huy động một đội tàu hùng hậu để hộ tống giàn khoan đã nói lên tất cả.

Trong khi đó, ông Vladimir Kolotov, Trưởng bộ môn lịch sử các nước phương Đông thuộc Đại học Tổng hợp quốc gia Saint Petersburg (Nga), nhấn mạnh sự bành trướng của Trung Quốc ở các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đang gây căng thẳng, làm phương hại lòng tin trong khu vực.

Chuyên viên cao cấp Viện Nghiên cứu phương Đông (Nga) Dmitry Mosyakov cũng khẳng định hành động của Trung Quốc là hết sức nguy hiểm, không chỉ gây căng thẳng trong khu vực, mà còn phá vỡ các nỗ lực và kế hoạch nhằm xây dựng mối quan hệ hợp tác hữu nghị Trung - Việt nói riêng và giữa Trung Quốc với các nước khác nói chung./.

Nguồn: vietnam.vn