Kỳ 12: Tư tưởng Tianxia (Thiên hạ) mới
Mức độ chồng chéo lợi ích giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á ở Biển Đông quả là đáng kể. Sự kết hợp về mặt địa chính trị và kinh tế đã đem lại nhiều lợi ích cho mỗi quốc gia. Mỗi quốc gia đều quan tâm đến sự phát triển bền vững của nguồn cá dồi dào và các nguồn sinh vật sống ở Biển Đông. Mỗi quốc gia đều có nền kinh tế đang phát triển và có nhu cầu ngày càng tăng tương đối với hydrocarbon (chất hóa học hữu cơ) để phục vụ cho chính quốc gia mình. Mỗi nước đều quan tâm đến an ninh quốc gia, điều này phần phụ thuộc vào an ninh khu vực ngoài biển khơi. Điều đáng chú ý, một trong những lý do chính dẫn đến thất bại trong việc tăng cường lợi ích từ Biển Đông là cách giải quyết tranh chấp khi các cơ chế đều lựa chọn giải pháp thắng-thua: quả đúng vậy, chủ quyền lãnh thổ và quyền tài phán – những cơ chế đảm bảo lợi ích an ninh quốc gia ở khu vực Biển Đông đều là giải pháp thắng – thua.
Vì các quần đảo và rặng đá ngầm ở Biển Đông từ nhiều thế kỷ nay luôn mở rộng cửa đón chào các ngư dân và thương lái đến từ các quốc gia ven biển như Việt Nam, Trung Quốc, Ma-lai-xia và Phi-líp-pin - mỗi một quốc gia đều phát triển liên hệ và quan tâm nhất định đối với những quần đảo này. Tương tự như vậy, trong nhiều thế kỷ, khu vực nhiều cá luôn mở rộng cho người dân đánh bắt cá mà không phải lo sợ bị ngăn cấm hay áp chế từ nước khác. Ngay cả khi Trung Quốc cho rằng quốc gia này đã thực thi chủ quyền đối với các quần đảo và lãnh hải trong giai đoạn này, đây là tính chủ quyền dựa trên Tianxia (thiên hạ) – nghĩa là hoàng đế có quyền cai quản tất cả mọi thứ ở hạ giới. Một yếu tố của Tianxia cần khôi phục lại đó là chủ quyền cần được thực thi một cách nhẹ nhàng và vì lợi ích của các quốc gia Đông Nam Á. Các vị hoàng đế đều hiểu rằng, điều mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc thời nay dường như đã quên, đó là khi quyền lực khoan dung, quyền lực của họ sẽ được tôn trọng; khi quyền lực chỉ thu hẹp mang tính cá nhân, quyền lực đó đáng bị lo ngại. Do đó, việc quay lại với những chính sách hòa hợp lợi ích chung sẽ thành công hơn phương pháp thắng-thua mà hiện nay các bên đang theo đuổi.
Để tiến triển hiệu quả, việc cần làm là hướng tới lối tư duy Tianxia hợp thời trong thế kỷ XXI, theo đó các giải pháp cho Ba Tranh chấp cần tìm ra đó là “có lợi đôi bên”, phương pháp tiếp cận dựa trên lợi ích phù hợp với tất cả và không loại trừ ai. Một nơi thích hợp để bắt đầu thảo luận và tiếp cận những lợi ích chung là thông qua Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông, trong đó tất cả các bên đều đồng ý với phương án tiếp cận hòa bình trong việc giải quyết nhiều tranh chấp hiện vẫn đang đe dọa hòa bình trong khu vực.
Tư tưởng Tianxia mới về chủ quyền
Trong suốt những năm từ 1975 đến 1995, quan điểm cứng nhắc của Trung Quốc trong việc chấm dứt chủ quyền của các quốc gia khác đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã khiến các quốc gia Đông Nam Á liên minh về chính trị và quân sự chống lại Trung Quốc. Thậm chí trong suốt 15 năm qua, các chính sách của Trung Quốc chủ yếu tập trung vào việc tạo đòn bẩy trong chính trị và kinh tế nhiều hơn trong quân sự nhưng đã thất bại vì họ vẫn duy trì quan điểm tập trung vào sự thống trị của người Trung Quốc đối với những khu vực mà trong lịch sử chưa bao giờ Trung Quốc kiểm soát được hoàn toàn, đây cũng là nơi người dân bản địa đã có truyền thống tự cai trị đất nước. Chính sách này đã thất bại bởi lẽ nó có thể chấm dứt lợi ích của các quốc gia khác trong khu vực đối với việc sử dụng phần lãnh thổ của quần đảo Trường Sa vì mục đích thương mại, nghiên cứu, cường an ninh quốc gia và khu vực, và du lịch. Điều này cho thấy những đề xuất trước đó về việc chia sẻ “quyền sở hữu” trong khu vực đối với các quần đảo nên được xem xét lại.
Một đề xuất đã từng được Mark Valencia, John Van Dyke và Noel Ludwig đưa ra nhằm thiết lập một hình thức “chủ quyền khu vực” đối với các quần đảo – nghĩa là chia sẻ chủ quyền đối với các quần đảo cho các quốc gia trong khu vực để ngăn chặn sự xâm nhập của các nước khác. Chủ quyền khu vực, được xác lập trên cơ sở thõa thuận giữa các bên đòi quyền lợi, có thể thực thi thẩm quyền này trên quần đảo, hải phận và không phận. Việc chia sẻ chủ quyền lãnh thổ có thể diễn ra dưới nhiều hình thức, nhưng nên dựa trên cơ sở kết hợp các yếu tố như dân số, độ dài đường bờ biển và mở rộng việc sử dụng ở thời điểm hiện tại và trong lịch sử - các yếu tố này đều được luật pháp quốc tế công nhận và coi như cơ sở pháp lý để giải quyết tranh chấp lãnh hải. Điều này cũng cho phép các quốc gia đòi quyền lợi biển trong khu vực tiếp tục theo đuổi lợi ích trên lãnh thổ tự nhiên của Biển Đông thông qua một cơ chế chính trị được thiết lập nhằm quản lý hiệu quả lãnh thổ của mình.
Một ví dụ thứ hai có thể đưa ra xem xét – đó là quy chế của đảo Svalbard, nằm ở giữa biển Bắc của Na Uy và đảo Greenland. Để giải quyết tình trạng không rõ ràng của đảo Svalbard và để tránh xung đột quốc tế đối với nguồn tài nguyên của đảo, các nước liên quan đã tham dự hội nghị Paris sau khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ nhất để cùng đàm phán Hiệp ước Spritsbergen ngày 09 tháng 02 năm 1920. Hiệp ước này trao chủ quyền chính cho Na Uy, nhưng với những quyền liên quan đến nguồn tài nguyên đối với tất cả các bên tham gia ký kết. Những bên tham gia ký kết hiệp ước ban đầu có Úc, Ca-na-đa, Đan Mạch, Pháp, Ý, Nhật, Hà Lan, Na Uy, Thụy Điển, Vương quốc Anh và Mỹ. Liên bang Xô Viết ký năm 1924, Đức năm 1925 và hiện nay có hơn 40 nước tham gia ký kết, trong đó có Trung Quốc. Khi Hiệp ước có hiệu lực vào ngày 14 tháng 8 năm 1925, Na Uy có chủ quyền đối với đảo Svalbard với điều kiện tất cả các bên có quyền được săn bắt cá và “tự do bình đẳng tiếp cận và đi vào khu vực này vì bất kỳ lí do nào [và] tiến hành các hoạt động biển, công nghiệp, mỏ và thương mại mà không gặp bất kỳ sự cản trở nào trên cơ sở bình đẳng tuyệt đối. Phương pháp sáng tạo này đối với chủ quyền, hài hòa lợi ích chung của các bên với sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, đã góp phần vào an ninh khu vực thông qua việc tránh xung đột, quản lý hiệu quả nguồn tài nguyên sinh vật và phi sinh vật, và góp phần hiệu quả vào nghiên cứu khoa học quốc tế. Do đó, đây có thể được coi là một mô hình tiềm năng đối với việc đưa ra một quyết định đàm phán trong tranh chấp xung quanh quần đảo Trường Sa
Tư tưởng Tianxia mới về quyền tài phán
Có rất nhiều ví dụ về những thể chế hợp tác nhằm chia sẻ quyền tài phán đối với tài nguyên biển và có thể áp dụng hiệu quả đối với Biển Đông, bao gồm các quốc gia ở phía Đông và Đông Nam châu Á. Khu vực đánh cá chung của Việt Nam và Trung Quốc ở vịnh Bắc Bộ là một ví dụ về phương pháp tiếp cận đối với việc chồng chéo các quyền tài phán, chia sẻ lợi ích chung và lâu dài. Các yếu tố có ích trong thỏa thuận này bao gồm các khu vực phân định ranh giới của luật trong nước, khu vực hợp tác quản lý với cơ sở pháp lý chung và một thỏa thuận quản lý hợp tác.
Theo thỏa thuận này, Ủy ban hỗn hợp ngư nghiệp – Joint Fishery Committee (JFC) đã thành lập bao gồm đại diện của mỗi bên. Hợp tác cùng nhau, các bên quản lý những công việc chung như nghiên cứu nghề, tư vấn với các thành viên trong ngành cá và những gợi ý liên quan đến hạn ngạch đánh bắt cá của các loài khác nhau. JFC có thẩm quyền trong việc kết hợp các phương pháp bảo tồn và quản lý nhằm đảm bảo cho các đàn cá không bị đe dọa nghiêm trọng khi săn bắt quá nhiều. Các quyết định được đưa ra trên cơ sở đồng thuận, điều này giúp thúc đẩy sự thống nhất giữa các bên. Trong những phiên họp hàng ngày, JFC thực hiện một “phương pháp quản lý khối lượng” nhằm định ra tổng lượng được phép đánh bắt (TAC) đối với mỗi loài, áp dụng với một vài loại trọng tâm, và số lượng tàu lớn có thể đánh cá. Tổng lượng được phép đánh bắt được dựa trên tình trạng của mỗi loài, độ mở rộng của hoạt động đánh bắt cá truyền thống, ảnh hưởng của các phương pháp đánh bắt hiện đại và ảnh hưởng của kỹ thuật quản lý.
Có một tổ chức đa phương có thể được coi như mô hình mẫu cho Biển Đông là Tổ chức Nghề cá Tây Bắc Đại Tây Dương (NAFO). NAFO quản lý lượng cá ngoài biển khơi trong khu vực Tây Bắc Đại Tây Dương. “Mục tiêu của NAFO là góp phần thông qua tư vấn và hợp tác nhằm sử dụng được nguồn các tốt nhất, quản lý và bảo tồn hợp lý nguồn tài nguyên cá trong Vùng quy định của Công ước”. Công ước lập ra một Hội đồng Ngư nghiệp với mục đích “sử dụng tài nguyên cá tốt nhất” và áp dụng hạn ngạch đánh bắt cá mỗi năm, theo từng loài, do Hội đồng của các thành viên xác định, có cân nhắc đến các mô hình đánh bắt cá truyền thống và cộng đồng dân cư ven biển, những người sống chủ yếu là nhờ nguồn tài nguyên cá trên biển.
Hội đồng cũng chịu trách nhiệm trong việc áp dụng “các phương pháp quốc tế trong quản lý và thực thi quy định”, theo đó, mỗi quốc gia thành viên có thể tham gia vào quy định thực hiện hạn ngạch chung. Các phương pháp thực thi quy định chung bao gồm 1) sử dụng hệ thống bắt buộc để giám sát tàu đánh cá thông qua vệ tinh theo dõi để cập nhật vị trí của tàu mỗi lần sau vài giờ, 2) một chương trình giám sát bắt buộc phải mang lên tàu một thiết bị giám sát độc lập và công bằng để theo dõi tất cả các hoạt động đánh cá và báo cáo nếu có bất cứ vi phạm nào, và 3) và một chương trình thanh tra và giám sát hỗn hợp, theo đó, các bên tham gia ký kết có nghiêm túc thực hiện các quy định và gửi báo cáo những trường hợp vi phạm lên chính phủ của bên tham gia ký kết có tàu cá vi phạm để điều tra sâu hơn và xử lý hành chính hoặc đưa ra pháp luật. Kế hoạch phát triển rất tốt của NAFO trong việc điều hòa lợi ích đa phương trong nghề cá và việc thực thi quy định chung có thể coi là một mô hình có lợi đôi bên đối với hướng tư duy Tianxia trong hợp tác ngư nghiệp ở Biển Đông.
Tư tưởng Tianxia mới về sự kiểm soát
Điều gì đã xảy ra tại Hà Nội trong Diễn đàn khu vực ASEAN mùa hè? Mỹ và các nước ASEAN đã nói rõ với Trung Quốc rằng tuyên bố của nước này là không bền vững theo luật quốc tế, động lực chính trị trong khu vực, và chính trị của các cường quốc lớn. Một báo cáo đã được xuất bản về các xích mích đang tăng lên trong khu vực về vấn đề an ninh và mong muốn của các quốc gia trong khu vực cho thấy sự quan tâm mới của Mỹ tới tình hình an ninh Đông Nam Á. Theo như một học giả quốc phòng của Úc nói: “Xuyên suốt từ đầu tới cuối, Trung Quốc đang chứng kiến sự thay đổi không khí vô cùng lớn… Ý niệm về các mối đe dọa của Trung Quốc, do những nỗ lực riêng của chính nước này, đang được hồi sinh”. Trong suốt những căng thẳng này, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã có cơ hội để nhắc nhở các bên tham gia vào Diễn đàn khu vực ASEAN rằng tự do hàng hải vì tất cả các mục đích, bao gồm các hoạt động quân sự, là một lợi ích quốc gia trọng yếu của Mỹ và là lợi ích của tất cả các nước phụ thuộc vào tuyến đường biển mở và an toàn này. Thật vậy, “tất cả” bao gồm cả Trung Quốc. Và chính điều này từ rất lâu đã gây bối rối cho các nhà phân tích an ninh của Mỹ về việc Trung Quốc đã theo đuổi một chính sách hướng tới luật pháp quốc tế mà dường như phần lớn dựa trên các mục tiêu khu vực và xung đột với lợi ích toàn cầu rộng lớn hơn của Trung Quốc.
Ẩn trong mối quan tâm của các quốc gia khác về quan điểm luật pháp quốc tế của Trung Quốc là câu hỏi Trung Quốc sẽ trở thành một cường quốc như thế nào khi nước này tiếp tục lớn mạnh? Liệu quốc gia này có sử dụng sức mạnh đang tăng để giành lấy lợi ích riêng của mình bất chấp lợi ích của quốc gia khác? Nếu vậy, con đường thắng – thua này ắt sẽ dẫn đến xung đột. Hoặc liệu Trung Quốc sẽ thực hiện vai trò lãnh đạo tích cực hơn trong cấu trúc hiện tại các chuẩn mực, thể chế, và luật pháp quốc tế và tìm cách phát triển các giải pháp thắng – thắng cho các vấn đề về chồng chéo lợi ích hay không? Liệu cuối thế kỷ XXI có chứng kiến một Mỹ mạnh mẽ, một Trung Quốc mạnh mẽ, hay một Mỹ và Trung Quốc cùng mạnh mẽ, một quan hệ đối tác khu vực hướng đến những lợi ích an ninh phi truyền thống là hướng tiếp cận thắng – thắng chứa đựng động lực về các lợi ích chung giữa những căng thẳng trong quan hệ quốc tế.
Kết luận
Ba tranh chấp trong Biển Đông là nguồn cơn của sự bất ổn định và thậm chí là xung đột trong hơn bốn thập kỷ qua. Chỉ từ khi bị phản ứng tiêu cực đối với sự cố Mischief Reef năm 1995 và sự chuyển đổi của Trung Quốc sang chính sách để tập trung hơn vào hội nhập khu vực và phát triển nguồn tài nguyên chung mới có một giai đoạn hòa bình tương đối. Hòa bình và an ninh trong tương lai ở Biển Đông đòi hỏi tất cả các nước trong khu vực phải duy trì tập trung vào lợi ích chung, hơn là chỉ theo đổi lợi ích quốc gia mình. Điều này sẽ bao gồm cam kết có sửa đổi của tất cả các nước trong khu vực để tập trung vào hội nhập chính trị, kinh tế và thương mại và phát triển chung của nguồn tài nguyên sinh vật và phi sinh vật biển đã hình thành một di sản chung của châu Á. Các quốc gia nằm ngoài khu vực mà có lợi ích trong khu vực, trong đó có Mỹ, có thể cung cấp hỗ trợ và giúp đỡ đầy ý nghĩa trong những nỗ lực này.
Đạt được một tình hình ổn định khu vực lâu dài đòi hỏi các cách tiếp cập mới. Những mưu cầu hiện tại về chủ quyền, quyền tài phán và việc kiểm soát đang dựa trên cách tiếp cận thắng – thua có thể dẫn đến một sự dàn xếp chỉ dựa trên quyền lực, nhưng những dàn xếp này có thể không phải là cuối cùng vì chúng không quan tâm đến lợi ích chung lâu dài của những quốc gia khác. Ngày nay là một thời đại kêu gọi tất cả các bên phải phát triển các hình thức mới của phương pháp giải quyết vấn đề thắng – thắng. Những phương pháp tiếp cận này liên quan đến quyền lực chia sẻ, hơn là quyền lực độc quyền, và tập trung vào lợi ích chung, hơn là chạy theo cách tiếp cận dân tộc chủ nghĩa chỉ đáp ứng nhu cầu của quốc gia đó. Chỉ có hình thức tư duy mới, tư tưởng Tianxia mới này mới đảm bảo rằng diễn biến của các sự kiện thế kỷ XXI không lập lại sự đối đầu và xung đột đã từng thống trị tất cả các sự kiện trong thế kỷ XX