Site banner

Đường lưỡi bò - Một yêu sách phi lý - Kỳ 16

Kỳ 16: YÊU SÁCH “ĐƯỜNG ĐỨT KHÚC 9 ĐOẠN” CỦA TRUNG QUỐC DƯỚI GÓC Độ QUỐC TẾ

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Thao – Đại học Quốc gia Hà Nội

Gần đây dư luận đang ngày càng quan tâm về những hành động của Trung Quốc trên Biển Đông. Các hoạt động này rộ lên từ đầu năm 2009, bắt đầu từ vụ đụng độ tàu Mỹ và Trung Quốc ngày 08 tháng 3 trên Biển Đông, Lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc từ ngày 16 tháng 5 năm 2009, tăng cường lực lượng tàu ngư chính xuống Biển Đông, đề xuất của Hải quân Trung Quốc phân chia quyền kiểm soát Thái Bình Dương giữa Trung Quốc và Mỹ, tới tuyên bố của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNOOC) ngày 16 tháng 6 năm 2009 sẽ tiến hành khoan sâu thăm dò khai thác trong Biển Đông trong năm 2009, Trung Quốc chính thức yêu cầu lưu truyền trong cộng đồng các nước thành viên Liên hợp quốc bản đồ thể hiện “đường lưỡi bò” (hay còn gọi là “đường chữ U”, “đường đứt khúc 9 đoạn”) trên Biển Đông, yêu sách không chỉ các đảo, đá mà toàn bộ vùng biển trong đó.

  1. Sự hình thành “đường đứt khúc 9 đoạn” và những điều không rõ ràng

Cho đến ngày 07 tháng 5 năm 2009, các Chính quyền Trung Quốc đều chưa có giải thích gì về con “đường chữ U” trong Biển Đông. Theo các tác giả Trung Quốc, “đường lưỡi bò” lần đầu tiên xuất hiện trên bản đồ các đảo trong Biển Nam Trung Hoa – The Location Map of the South China Sea Islands (Nanhai zhudao weizhi tu) do Fu Jiaojin, Wang Xiguang biên soạn và được Vụ Địa lý của Bộ Nội vụ Trung Quốc xuất bản vào năm 1947. Một số người khác còn cố đẩy thời gian xuất xứ của con đường này xa hơn nhằm mục đích giải thích có lợi cho Trung Quốc. Họ cho rằng “đường chữ U” này do một người tên là Hu Jinjie vẽ từ năm 1914 và đến tháng 12 năm 1947, một viên chức của Trung Hoa dân quốc tên là Bai Meichu vẽ lại đường này trong một bản đồ cá nhân để thể hiện cảm xúc của mình khi nghe tin về việc Pháp chiếm đóng các đảo Trường Sa năm 1933. Tuy nhiên, các tác giả Trung Quốc cũng phải khách quan thừa nhận “không rõ khi vẽ đường này Bai Meichu có đủ hiểu biết và kiến thức về luật biển quốc tế đương đại hay không?”. Deniel Schaeffer trong “Biển Đông: Những điều hoang tưởng và sự thật của đường lưỡi bò” và các nghiên cứu nước ngòai khác cũng cho rằng bản đồ đường đứt khúc này xuất hiện trong một tập bản đồ tư nhân (chứ không phải của Nhà nước).

“Đường đứt khúc” gồm 11 đoạn vẽ bao gộp các quần đảo Đông Sa, Hoàng Sa, Trường Sa và bãi ngầm Trung Sa và có điểm giới hạn phía Nam là vĩ tuyết 40. Tuy nhiên năm 1953 đường 11 đoạn đã được điều chỉnh thành 9 đoạn, bỏ 2 đoạn trong Vịnh Bắc Bộ, không rõ nguyên nhân. Trên thực tế đến nay không có bất kỳ một tài liệu nào cho biết tọa độ cũng như vị trính chính xác của “đường lưỡi bò”. Chính quyền Trung Quốc cũng chưa bao giờ đề cập “đường lưỡi bò” như là một ranh giới bất khả xâm phạm đối với chủ quyền Trung Quốc mặc dù các bản đồ Biển Nam Trung Hoa đều có thể hiện đường này. Chính vì vậy đã có nhiều bàn luận giải thích về ý nghĩa của đường này. Các học giả Trung Quốc đưa ra ba cách giải thích:

  1. Giáo sư Gao Zhiguo, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển biển, Cục Hải dương quốc gia Trung Quốc cho rằng đường này yêu sách hữu các đảo nằm bên trong hơn là một đường biên giới biển. Ông nhận xét: “Nghiên cứu kỹ các tài liệu Trung Quốc cho thấy Trung Quốc chưa bao giờ yêu sách toàn bộ cột nước của Biển Nam Trung Hoa mà chỉ có các đảo và vùng nước xung quanh các đảo nằm trong đường này”.
  2. Pan Shiying (Phan Thạch Anh) cho rằng con đường này đã tồn tại một nửa thế kỷ nay, không quốc gia nào phản đối và vì vậy, đã tạo ra một danh nghĩa lịch sử cho Trung Quốc, là con đường biên giới quốc gia. Trung Quốc yêu sách chủ quyền không chỉ các đảo, đá của bốn quần đảo Đông Sa, Tây Sa (Hoàng Sa), Trung Sa (bãi ngầm Macclefield) và 6 Sa (Trường Sa) mà toàn bộ vùng nước trong “đường chữ U” đó. Theo ông, “Chính phủ Trung Quốc thông qua việc ấn bản các bản đồ này muốn gửi ba thông điệp tới cộng đồng quốc tế:

“1 -  Khu vực nằm trong đường biên giới này là các đảo, đá và các vùng nước kế cận của chúng đã thuộc chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc trong lịch sử.

2 – Phù hợp với các công ước quốc tế, vị trí và hướng đi của con “đường đứt khúc 11 đoạn” này (sau thay bằng chín đoạn) đã được vạch theo cách gần như là đường cách đều giữa rìa ngoài của bốn quần đảo trong Biển Nam Trung Hoa với đường bờ biển của các quốc gia kế cận. Điều này đã và đang là hợp pháp vào thời gian đó củ chiếm cứ, chiếm hữu và quản lý.

3 – Thực tiễn sử dụng các đường đứt khúc hơn là một đường liên tục để đánh dấu một số các khu vực chủ chốt đã chỉ ra thực chất của việc “chưa dứt điểm”, để lại khả năng đưa ra những điều chỉnh cần thiết trong tương lai”.

Nói cách khác, vùng nước do con đường này bao bọc là vùng nước lịch sử theo chế độ nội thủy của Trung Quốc. Con đường này chỉ là hình thức, còn danh nghĩa lịch sử của Trung Quốc trên vùng biển này mới là nội dung.

  1. Zou Keyuan cho rằng yêu sách của Trung Quốc không nên xem như yêu sách vùng nước lịch sử theo nghĩa truyền thống mà giống như một dạng yêu sách các quyền chủ quyền và quyền tài phán lịch sử chứ không phải là yêu sách chủ quyền hoàn toàn và tuyệt đối. Nói cách khác, đây là sự ngụy biện liên hệ “đường lưỡi bò” với các khái niệm quyền chủ quyền và quyền tài phán trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của luật biển hiện đại.

Rõ ràng nguồn gốc và ý nghĩa của “đường lưỡi bò” này hoàn toàn mập mờ, không chính xác đến nỗi bản thân các học giả Trung Quốc củng không thống nhất được một giải thích hợp lý nào. Yenn Huei Song còn cho rằng “không có cơ sở nào trong luật quốc tế cho yêu sách lịch sử đó”.

Bộ Ngoại giao - UB Biên giới Quốc gia