Site banner

Đường lưỡi bò - Một yêu sách phi lý - Kỳ 19

KỲ 19: Quan điểm của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa

Khác với quan điểm của Trung Hoa dân quốc (trước năm 1996) như nêu ở trên, mặc dù “đường lưỡi bò” vẫn thường xuất hiện trên các bản đồ do Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa xuất bản từ năm 1984, nhưng không có một hồ sơ nào công bố các tọa độ chính xác của đường này và chưa bao giờ Bắc Kinh đưa ra bất kỳ một lời giải thích nào về cơ sở pháp lý của nó cũng như coi vùng biển nằm phía trong là “vùng nước lịch sử” của Trung Quốc. Có lẽ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa cũng sơ bộ đánh giá được nhược điểm quá rõ trong cơ sở pháp lý và tính không vững chắc của các yêu sách đó một khi cuộc tranh chấp ở Biển Đông được giải quyết trên cơ sở tôn trọng và áp dụng luật pháp quốc tế. Vì thế, trong một thời gian dài, Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa giữ thái độ im lặng.

Cũng cần thấy rõ là chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa chưa bao giờ chính thức coi “đường lưỡi bò” như một đường biên giới bất khả xâm phạm đối với chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông duy trì biểu tượng của đường này trên các bản đồ do Bắc Kinh xuất bản có thể nhằm tiếp tục gây tình trạng mập mờ về thực chất của những yêu sách của Trung Quốc, một tình trạng kéo dài xuất phát từ thực tế là hầu hết người dân Trung Quốc đều cho rằng đây đơn giản là sự khẳng định đối với “việc đã rồi” và vì thế không việc gì phải bàn đi cãi lại.

Tuy nhiên, cách tiếp cận của một số học giả Trung Quốc, khi đề cãp đến việc giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông, đã cho thấy sự không thống nhất trong các lập luận của họ về cơ sở pháp lý của “đường lưỡi bò” và bản chất pháp lý của vùng biển bên trong nó đối với tình hình thực tế diễn ra từ trước đến nay ở Biển Đông. Trong một bài bình luận về Tuyên bố Lãnh hải của Trung Quốc ngày 04 tháng 9 năm 1958, có đề cập đến một số vũng và vịnh như Vịnh Bột Hải và eo biển Quỳnh Châu mà Trung Quốc đòi là “vịnh lịch sử” hay “vùng nước lịch sử” nhưng lại không có một đề cập đến yêu sách “lịch sử” đối với một vùng biển rộng lớn như ở Biển Đông. Trái lại, bài này cho thấy “vùng biển nằm ngoài lãnh hải (12 hải lý) là biển cả”.

Trong năm 1973, khi tham gia thảo luận về các vấn đề Luật Biển của Liên hợp quốc, về định nghĩa thềm lục địa, đại biểu Trung Quốc đã đưa ra lời tuyên bố lấp lửng rằng “trong định nghĩa về thềm lục địa cần có một mức độ uyển chuyển nào đó” và “giới hạn tối đa của thềm lục địa cần có thể được xác định thông qua tham khảo ý kiến giữa các nước…” Cách đề nghị của Trung Quốc muốn dành cho các nước có quyền xác định thềm lục địa riêng của mình không được Hội nghị Luật Biển III chấp nhận.

Ngay Luật Lãnh hải và Vùng tiếp giáp của Trung Quốc ngày 25 tháng 02 năm 1992, cũng đánh bật yêu sách của Trung Quốc đối với vùng biển nằm bên trong “đường lưỡi bò”. Giống như Tuyên bố năm 1958, Luật năm 1992 chỉ đòi lãnh hải rộng 12 hải lý xung quanh những quần đảo mà họ yêu sách chủ quyền cộng thê với vùng tiếp giáp 12 hải lý. Luật này cũng không xác định bất kỳ cơ sở nào cho quyền cộng thêm với vùng tiếp giáp 12 hải lý. Luật này cũng không xác định bất kỳ cơ sở nào cho quyền chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc trên biển nằm trong “đường lưỡi bò” ngoài những căn cứ cho các quyền thông thường trong lãnh hải và vùng tiếp giáp của Trung Quốc. Ngoài ra, trong một bài bình luận về Luật năm 1992 nói trên, có một bản đồ kèm theo vẽ biên giới bao quanh từng quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm cách xa nhau nhưng cách lục địa Trung Quốc bởi biển cả và không thể hiện “đường lưỡi bò”. Thêm vào đó, Giáo sư Cao Chí Quốc, nguyên Giám đốc Viện Chiến lược phát triển biển thuộc Cục Hải dương Trung Quốc, cho rằng “đường biên giới này (“đường lưỡi bò”) trên bản đồ của Trung Quốc hoàn toàn chỉ là đường phân vạch quyền sở hữu các đảo hơn là một đường biên giới biển theo nghĩa thông thường của nó”. Ngay bản thân Chính phủ Trung Quốc “đã không xác định tại thời điểm công bố các bản đồ chính thức”, “bản chất pháp lý của đường chín đoạn đứt quãng đó”.

Trước năm 1979, Trung Quốc ít nói thẳng ra điều gì. Tuy nhiên, sau khi trở thành thành viên của Công ước Luật Biển 1982, vấn đề đặt ra đối với Trung Quốc là phải làm cho những yêu sách bí ẩn chứa phía sau “đường lưỡi bò” phù hợp các quy định của Công ước, thế nhưng ở mức độ nào đó thì họ vẫn chưa xác định rõ các đòi hỏi về biển của họ phù hợp với các quy định của Công ước này. Thay vào đó, họ đưa ra những mô hình méo mó so với các quy định của Công ước trong việc hoạch định các vùng biển. Theo học giả Phan Thạch Anh, khi lập luận về “danh nghĩa lịch sử” vốn có của Trung Quốc, ông ta cho rằng, về nội dung, “địa vị” của nó (ám chỉ “vùng nước lịch sử”) không giống với công hải, cũng không giống với lãnh hải mà là một khu vực tự thành, một loại hình riêng biệt, tức là tương đượng với địa vị pháp lý của vùng đặc quyền kinh tế mà luật biển hiện đại xác nhận. Về kỹ thuật, ông ta cho rằng “đường lưỡi bò” được vạch theo cách giống như đối với đường biên giới chưa xác định, đại thể nằm cách đều giữa các đảo, đá ở rìa ngoài bốn quần đảo Nam Hải và đường bờ biển các nước láng giềng, đảm bảo công bằng thỏa đáng. “Yêu sách lịch sử” hay “đường lưỡi bò” của Trung Quốc ở Biển Đông vẫn mập mờ, nó không rõ ràng cả về độ chính xác và cả về cơ sở pháp lý. Cũng có thời điểm, theo đánh giá của một số nhà phân tích chiến lược biển của Trung Quốc, có dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang từ bỏ “đường chín đoạn tưởng tược về mặc lịch sử” đối với các đòi hỏi dựa trên các quy định của Công ước Luật Biển 1982.

Chỉ đến năm 2007, trong các cuộc trao đổi song phương cấp Chính phủ Việt Nam – Trung Quốc về biên giới – lãnh thổ, Trung Quốc mới chính thức nêu với Việt Nam yêu sách theo “đường lưỡi bò”, coi đây là “đường quản lý lịch sử”, “đường chủ trương truyền thống” và “vùng quản lý truyền thống” của Trung Quốc trên Biển Đông, một cách gọi khác so với trước đây. Gần đây nhất, ngày 07 tháng 5 năm 2009, kèm theo công hàm của Trung Quốc phản đối các Báo cáo của Việt Nam và Việt Nam – Ma-lai-xia xác định ranh giới thềm lục địa vượt ra ngoài 200 hải ký, là bản đồ thể hiện yêu sách “đường lưỡi bò” với đòi hỏi “Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với các quần đảo trên biển Nam Trung Hoa và các vùng biển kế cận, có quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển có liên quan cũng như đáy biển và lòng đất dưới đáy biển ở đó (xem bản đồ kèm theo)” (Hình 2).

Vấn đề đáng lưu ý ở đây là (i) lời văn của công hàm không có gì mới so với các lần Trung Quốc tuyên bố trước đây, nhưng khi đó không có bản đồ kèm theo để chỉ rõ các quyền nói trên của Trung Quốc ở đâu, và (ii) những lần Trung Quốc thể hiện bản đồ “đường lưỡi bò” lại không có một lời giải thích nào về cơ sở pháp lý của nó và bản chất pháp lý của vùng biển bên trong nó. Vì vậy, có thể nói rằng, thông qua con đường phổ biến ở Liên hợp quốc, lần đầu tiên trong hơn 60 năm qua, Trung Quốc thể hiện quan điểm chính thức trước toàn thể thế giới yêu sách của họ trên một vùng biển rộng lớn ở Biển Đông nằm trong “đường lưỡi bò”, coi nó như là vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa của Trung Quốc.

Tóm lại, thực tế cho thấy, “đường lưỡi bò” như diễn giải ở trên được vẽ rất “tùy tiện”, thay đổi theo thời gian và không xác định được chính xác tọa độ vị trí của nó. Cho dù có thể hiển được đây là yêu sách của Trung Quốc đối với các quần đảo và các vùng biển trên Biển Đông, nhưng ngay các học giả, ở Trung Quốc và nước ngoài, nghiên cứu về các vấn đề chính sách và luật biển cũng còn có những tranh luận về vấn đề này, vì rằng các Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Trung Hoa dân quốc chưa bao giờ giải thích đầy đủ cơ sở hay nguồn gốc của đường này cũng như yêu sách của họ đối với vùng biển rộng lớn nằm bên trong nó. Như một học giả nghiêm cứu về các cuộc cuộc tranh chấp ở Biển Đông nhận xét, “cơ sở yêu sách của Trung Quốc rất ít khi được giải thích một cách chi tiết, người Trung Quốc chỉ thích lập luận bằng những từ ngữ đại cương rằng toàn bộ vùng biển đó đã thuộc về họ từ ‘thời xa xưa’. Họ vẽ ra ‘cái đường yêu sách lịch sử trên các bản đồ chính thức ôm lấy khoảng 80% biển Nam Trung Hoa, rõ ràng đòi có quyền đối với tất cả mọi thứ - vùng nước, các đảo, đáy biển – nằm bên trong đường đó”. Cũng vì thế, “tại các hội thảo về Biển Nam Trung Hoa do In-đô-nê-xia đăng cai từ năm 1990, các học giả Trung Quốc ‘lúng túng’ khi bị người khác chất vấn về đó”.

Các lập luận này ngày nay của Trung Quốc chủ yếu tập trung vào “quyền lịch sử” của họ đối với các quần đảo ở Biển Đông để từ đó biện minh cho các quyền của họ trong phạm vi “đường lưỡi bò”. Về các lập luận đó của Trung Quốc, một tài liệu của Văn phòng Luật sư Covington & Burling (1995) của Mỹ đã mổ xẻ và phân tích đầy đủ, và đánh giá của tài liệu về vấn đề này có thể thay cho kết luận của phần này rằng, bất kỳ một yêu sách hữu hiệu nào về “vùng nước lịch sử” – thậm chí cứ cho là một yêu sách như thế có thể được đưa ra để đòi hỏi các vùng biển rộng lớn trên đại dương – sẽ không chỉ phải là một yêu sách rõ ràng, không mập mờ và có được sự thừa nhận của các nước bị ảnh hưởng khác, mà cũng cần phải chứng minh được rằng nước đưa ra yêu sách “[đã] thực hiện các quyền thuộc chủ quyền một cách rõ ràng, có hiệu quả, liên tục trong một thời gian dài trên khu vực yêu sách đó”. Trên thực tế, không có một bằng chứng nào cho thấy Trung Quốc đã từng thực thi bất kỳ một “quyền thuộc chủ quyền” nào trên bất kỳ một khu vực nào, chứ đừng nói gì đến toàn bộ vùng biển và/hoặc đối với đáy biển và lòng đất dưới đáy Biển Đông phía trong “biên giới chín đoạn đứt quãng”. Đó là một lý do nữa cho thấy tại sao yêu sách “quyền lịch sử” đối với vùng biển này của họ không có một giá trị thực chất hay đáng giá nào, trái với sự phát triển toàn diện của luật biển quốc tế hiện đại và không thể coi là một vấn đề luật pháp nghiêm chỉnh.

Bộ Ngoại giao - UB Biên giới Quốc gia