Kỳ 2: Các yêu sách
Công hàm nêu trên, mặc dù ở một số khía cạnh nào đó có mang tính mới, lặp lại những yêu sách mà Trung Quốc đã từng đưa ra trước đây. Hơn nữa, một số học giả Trung Quốc và Đài Loan đã đưa ra các cách giải thích của riêng mình cho “đường yêu sách chín đoạn”. Đứng trước những tranh cãi đó, chúng ta chỉ có thể chắc chắn một điều rằng những đòi hỏi của Trung Quốc ở Biển Đông không thể vượt quá ranh giới này. Những quan điểm này và tính pháp lý sẽ được thảo luận dưới đây.
- Yêu sách lịch sử
Thực tiễn quốc gia
Mặc dù những khẳng định như thế này dường như không phải đặc điểm trong chính sách của PRC, trước đây, ROC đã bảo vệ lập trường liên quan đến “đường chữ U” trong một loạt các tuyên bố. Ví dụ, vào năm 1991, tại một trong các Hội thảo về Biển Đông, một đại diện của Văn phòng Kinh tế và Thương mại Đài Bắc ở Jakarta (In-đô-nê-xia) đã tuyên bố.
“Biển Đông là một bộ phận biển thuộc quyền tài phán của ROC. ROC có các quyền và đặc quyền ở Biển Đông. Bất kỳ hoạt động nào ở biển Đông phải được sự chấp thuận của Chính phủ ROC”
Hướng dẫn Chính sách đối với Biển Đông năm 1993 (được Viện Hành chính xác nhận) lưu ý rằng:
“Về khía cạnh lịch sử, địa lý, luật quốc tế và thực tiễn, các quần đảo Nam Sa (Trường Sa), Tây Sa (Hoàng Sa), Trung Sa (Macclesfield), Đông Sa (Pratas) là một bộ phận lãnh thổ không thể tách rời của ROC; chủ quyền đối với các quần đảo đó thuộc về ROC. Khu vực Biển Đông nằm trong giới hạn vùng nước lịch sử là khu vực biển thuộc quyền tài phán của ROC, nơi mà ROC sở hữu tất cả quyền và lợi ích liên quan”
Năm 1994, một Bộ trưởng của Viện Hành chính, Chang Kinh-Yu tuyên bố rằng “các vùng biển nằm trong “đường chữ U” ở Biển Đông là vùng nước lịch sử của chúng tôi và ROC được hưởng tất cả các quyền tương ứng”.
Chính sách của Đài Loan sau đó cũng được củng cố qua các phản đối đối với các hoạt động của các quốc gia ven biển ở khu vực. Để phản ứng lại việc Ma-lai-xia chiếm đóng hai đảo ở Trường Sa và quyết định của Phi-líp-pin đưa bãi Scarborough vào bản đồ của mình, ROC đã tuyên bố:
“Biển Đông là một phần vùng biển của ROC. ROC có tất cả quyền và đặc quyền ở Biển Đông. Bất kỳ hoạt động nào (bao gồm thảo luận về hợp tác chung hay Bộ Quy tắc ứng xử…) ở Biển Đông phải được sự chấp thuận của Chính phủ ROC”.
Một số học giả Trung Quốc đã đưa ra các lập luận pháp lý biện minh cho yêu sách rất thiếu cơ sở này. Ví dụ, Zhao Guocai cho rằng: “Trung Quốc có quyền lịch sử đối với các đảo, đá, bãi cạn, bãi ngầm và vùng nước nằm trong đường “yêu sách chín đoạn”. Biển Đông được xem là vùng nước lịch sử của Trung Quốc, đã được công nhận rộng rãi vào thời gian đó. Tính đến bây giờ đã nửa thế kỷ trôi qua.
(còn nữa)