Site banner

Đường lưỡi bò - Một yêu sách phi lý - Kỳ 23

Kỳ 23: Phân tích các yêu sách về “đường lưỡi bò” theo luật quốc tế

  1. Yêu sách của Trung Hoa dân quốc

Khái niệm “vịnh lịch sử” hay “vùng nước lịch sử” mà ở đó một quốc gia thực hiện quyền lực thuộc chủ quyền của mình đã được luật pháp quốc tế chấp nhận trong một số hoàn cảnh hạn chế. Điều 10 (6) của Công ước Luật Biển 1982 thừa nhận sự tồn tại của một vùng nước như vậy, và một số các vịnh biển mà không đáp ứng được các tiêu chuẩn chính thức của mộ “vịnh” theo Điều 10 đã được trao cho quy chế này theo thời gian. Tuy vậy, các cường quốc trên biển, đặc biệt là Mỹ, đã nổ lực giữa cho khái niệm này không được chấp nhận rộng rãi nhằm duy trì sự tự do hàng hải.

Khái niệm về yêu sách lịch sử được chấp nhập vào năm 1951 bởi Tòa án quốc tế (ICJ) khi phán xét về yêu sách của Na Uy về vùng nước nằm tiếp liền bờ biển của nước này. Những yêu sách về chủ quyền lịch sử cũng được chấp nhận trong những hoàn cảnh thích hợp tại Công ước 1958 về Lãnh hải và Vùng tiếp giáp lãnh hải. Gần đây, trong Vụ án Vịnh Fonseca, Toà án quốc tế đã chấp nhận Vịnh Fonseca là một vịnh lịch sử và vùng nước của nó là vùng nước lịch sử.

Năm 1962, Ủy ban Pháp luật quốc tế đã thực hiện một nghiên cứu với tựa đề: “Quy chế pháp lý của vùng nước lịch sử, bao gồm cả vịnh lịch sử”, trong nghiên cứu này đã có những câu trả lời cho câu hỏi những tiêu chuẩn nào sẽ được áp dụng để xác định tính hợp pháp của một yêu sách chủ quyền lịch sử.

Theo đó thì một vịnh hay một vùng nước được coi là lịch sử, căn cứ theo tập quán quốc tế và các phán quyết của Tòa án phải thỏa mãn ít nhất ba điều kiện sau: 1) Quốc gia ven biển thực thi chủ quyền của mình đối với vùng được yêu sách; 2) Sự liên tục của việc thực thi quyền lực đó theo thời gian; 3) Quan điểm của các quốc gia khác với yêu sách đó. Ngoài ra, một quốc gia yêu sách danh nghĩa lịch sử phải có trách nhiệm đưa ra bằng chứng đối với các vùng nước có vấn đề đang tranh cãi này.

Bất cứ chính quyền nào yêu sách vùng nước nằm trong “đường lưỡi bò” là vùng nước lịch sử thì quy chế pháp lý đối với vùng nước này như thế nào, nếu các vùng nước này được yêu sách như vùng nội thủy thì các chính quyền yêu sách đó phải chứng minh được họ đã thực thi chủ quyền một cách liên tục đối với các vùng nước bao bọc trong “đường lưỡi bò” qua một thời gian tương đối giống như đã thực thi chủ quyền đối với các vùng nội thủy khác. Nếu các vùng nước này được yêu sách như lãnh hải thì quốc gia yêu sách phải chỉ ra được rằng họ đã thực thi chủ quyền đối với các vùng lãnh hải khác. Cũng tương tự như vậy nếu họ muốn yêu sách các vùng nước bị bao bọc như là vùng nước lịch sử.

Đối với yêu sách như các vùng nội thủy

Theo chế độ pháp lý của các vùng nội thủy, một quốc gia ven biển thực thi chủ quyền đầy đủ đối với vùng nước nằm phía bện trong đường cơ sơ để tính chiều rộng lãnh hải, tàu nước ngoài không có quyền đi qua không gây hại trong vùng nội thủy của quốc gia ven biển, trừ khi được sự đồng ý của quốc gia đó.

Vậy vùng nước bị bao bọc bởi “đường lưỡi bò” có thể được coi là vùng nội thủy không? Câu trả lời đến ngay từ một học giả Đài Loan là không, bởi những lý do sau đây: Thứ nhất, chính quyền Trung Hoa dân quốc chưa bao giờ yêu sách vùng nước bên trong “đường lưỡi bò” như là vùng nội thủy. Thứ hai, tàu nước ngoài, trong đó có tất cả tàu chiến vẫn thực hiện quyền đi lại trên vùng nước nằm trong “đường lưỡi bò” này từ khi “đường lưỡi bò” xuất hiện trên bản đồ do Trung Hoa dân quốc xuất bản năm 1948, và chính quyền Trung Hoa dân quốc đã không có một hành động nào ngăn cản các tàu nước ngoài qua lại vùng này.

Đối với yêu sách như lãnh hải

Theo quy định tại Điều 3 Công ước Luật Biển 1982 thì: “Mọi quốc gia đều có quyền ấn định chiều rộng lãnh hải của mình; chiều rộng này không vượt quá 12 hải lý kể từ đường cơ sở được vạch ra theo đúng Công ước”. Mọi quốc gia có quyền thực thi chủ quyền đối với vùng lãnh hải của mình. Tàu thuyền nước ngoài chỉ được hưởng quyền đi qua không gây hại cho trong vùng lãnh hải của các quốc gia ven biển, trừ khi có các điều khoản, điều ước chuyên môn khác. Đối với vùng trời phía trên lãnh hải, các máy bay nước ngoài không có quyền bay qua không gây hại.

Vậy thì câu hỏi tiếp theo là các vùng nước bên trong “đường lưỡi bò” có thể được coi là lãnh hải của Trung Quốc không? Câu trả lời của Yann Huei Song cũng là không. Máy bay nước ngoài đã qua vùng trời phía trên của vùng nước này là năm 1948 khi bản đồ được xuất bản. Như đã trình bày ở trên, máy bay của nước ngoài không có quyền bay qua khong gây hại trên vùng trời phía trên của lãnh hải quốc gia ven biển.      

Đối với yêu sách như các vùng nước quần đảo

Khái niệm về các vùng nước quần đảo là một khái niệm mới trong luật biển quốc tế, được đưa ra trong Hội nghị Liên hợp quốc về Luật Biển lần III, theo đó, các vùng nước nằm bên trong đường cơ sở thẳng của quần đảo là vùng nước quần đảo, nó không phải là nội thủy, cũng không phải là lãnh hải. Một quốc gia quần đảo có quyền thực thi chủ quyền đối với vùng nước quần đảo mình. Chủ quyền quốc gia “được mở rộng đến vùng trời phía trên của vùng nước quần đảo cũng như đến đáy của vùng nước đó và lòng đất tương ứng và đến các nguồn tài nguyên ở đó”. Tàu nước ngoài được quyền đi qua không gây hại tại vùng nước quần đảo, tàu biển và máy bày nước ngoài được quyền có đường hàng hải, đường hàng không đi qua vùng nước quần đảo.

Do chế độ pháp lý của “các vùng nước quần đảo” được phát triển trong giai đoạn Hội nghị Liên  hợp quốc về Luật Biển lần III (từ năm 1973-1982) và bản đồ thể hiện “đường lưỡi bò” xuất bản lần đầu tiên năm 1948, nên khó có thể chứng minh được vùng nước bên trong “đường lưỡi bò” đó có được quy chế pháp lý của các vùng nước quần đảo, Trung Hoa dân quốc đã không thực thi chủ quyền và quyền tài phán của mình đối toàn bộ toàn bộ các vùng nước bên trong “đường lưỡi bò” này, tàu và máy bay nước ngoài vẫn tiếp tục được hưởng quyền tự do hàng hải và hàng không trong vùng nước nằm trong đường này, thay cho quyền đi qua không gây hại và quyền được qua lại các tuyến hàng hải và hàng không đã được ấn định của vùng nước quần đảo. Vì thế, có thể kết luận là toàn bộ các vùng nước bên trong “đường lưỡi bò” không thể được xem là cá vùng nước quần đảo của Trung Hoa dân quốc.

  1. Yêu sách của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa

Với công hàm ngày 07 tháng 5 năm 2009 có kèm bản đồ “đường chữ U”, có vẻ như Trung Quốc đòi hỏi cộng đồng quốc tế phải thừa nhận “tính chất lịch sử của đường lưỡi bò, coi Biển Đông như một vịnh lịch sử”. Đường nay sẽ được ngộ nhận là đường biên giới quốc gia trê biển của Trung Quốc. Họ cũng rất khép kết hợp con đường này với các khái niệm đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của luật biển quốc tế hiện đại bằng tuyên bố dưới dạng Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi với các vùng nước phụ cận của quần đảo Nam Sa (Trường Sa theo tên Việt Nam). Như vậy, toàn bộ Biển Đông sẽ trở thành ao hồ của Trung Quốc.

Theo các tiêu chí để thỏa mãn một vùng nước được coi là vùng nước lịch sử, thì Trung Quốc cũng phải chứng minh được họ đã thực thi chủ quyền trên toàn bộ vùng nước trong “đường lưỡi bò” này một cách thật sự và liên tục trong một thời gian dài. Điều này thật không đơn giản, bởi vì: Các văn kiện chính thức của Nhà nước phong kiến Trung Quốc, như Đại Nguyên nhất thống chí (1294), Đại Minh nhất thống chí (1461), Đại Thanh nhất thống chí (1842), trước năm 1909 đều khẳng định “cực Nam của lãnh thổ Trung Quốc là Nhai huyện, đảo Hải Nam”. Các bản đồ lãnh thổ Trung Quốc của người nước ngoài cùng thời cũng vẽ và giải thích phù hợp với cách hiểu này của người Trung Quốc. Bản đồ Trung Quốc thế kỷ XVII của Peter de Goyer và Jacob de Keyzer thuộc Công ty Đông Ấn – Hà Lan cũng có lời giải thích rất rõ: “nơi xa nhất của Trung Quốc bắt đầu từ phía Nam đảo Hải Nam ở 18 độ vĩ Bắc, rồi từ đó ngược lên phía Bắc đến vĩ độ 42 độ. Trung Quốc chỉ thực sự bước chân lên quần đảo Hoàng Sa, cho tới tận năm 1932, Công hàm ngày 29 tháng 9 năm 1932 của Phái đoàn Ngoại giao Trung Hoa dân quốc tại Paris vẫn còn khẳng định các nhóm đảo “Amphitrite” (Lưỡi Liềm) và “Croissant” (An Vĩnh) của quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa) “tạo thành phần lãnh thổ Trung Quốc nằm tận cùng ở phía Nam”.

Trung Quốc đã không đưa ra được các bằng chứng nào có sức thuyết phục về việc họ đã thực thi chủ quyền trên toàn bộ vùng biển rộng lớn này một cách liên tục, hòa bình từ thời xa xưa. Các sách Hán văn cổ đều ghi nhận các hoạt động của dân đánh cá và dân buôn Ả Rập, Ấn Độ, Malay, Việt, và vùng Vịnh trong vùng biển này, không có một bằng chứng nào cho thấy Biển Đông hoàn toàn là “ao hồ Trung Quốc”. Các chính quyền phong kiến Trung Quốc cũng không thiết lập hoặc duy trì có lợi cho họ một sự độc tôn nào trong vùng biển này, khả dĩ có thể loại bỏ hoạt động khai thác của các đội Hoàng Sa và Bắc Hải của triều Nguyễn. Ngược lại còn có những hành động thừa nhận tính hợp pháp của các hoạt động đó như trường hợp năm 1774: Quan huyện Văn Xương giúp đội viên đội Hoàng Sa khi đi làm nhiệm vụ bị bão dạt vào đất Trung Quốc.

“Đường lưỡi bò” không phải là con đường có tính ổn định và xác định. Từ 11 đoạn, năm 1953, Trung Quốc đã phải bỏ đi hai đoạn trong Vịnh Bắc Bộ vì quá vô lý. Tính chất không liên tục của con đường này được các tác giả Trung Quốc giải thích là để cho “những điều chỉnh cần thiết trong tương lai”. Đặc tính quan quan trọng nhất của một đường biên giới quốc tế là sự ổn định và dứt khoát. “Đường lưỡi bò” không thể hiện được đặc tính đó, thêm nữa, vị trí của nó lại không được xác định tọa độ rõ ràng, vì thế khó mà biểu thị là một đường biên giới được.

Vấn đề thứ hai, theo Yann Huei Song thì mặc dù “đường lưỡi bò” đã xuất hiện trên các bản đồ xuất bản ở Trung Hoa lục địa từ năm 1949, nhưng chưa bao giờ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa yêu sách chính thức các vùng nước nằm trong đường này như các vùng nước lịch sử. Đại diện của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã tuyên bố như vậy trong Hội nghị Công ước Luật Biển lần III. Theo luật pháp quốc tế, các hành vi mà quốc gia thể hiện phải mang tính công khai ý chí thực thi chủ quyền trên lãnh thổ đó. Những hành vi bí mật không thể tạo nên cơ sở cho quyền lịch sử, ít nhất các quốc gia khác phải có cơ hội được biết những gì đang diễn ra.

Như vậy, kể cả Trung Hoa dân quốc lẫn Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đều chưa bao giờ công bố chính thức yêu sách về vùng biển bên trong “đường lưỡi bò” đó.

Đặc biệt, Điều 1 Tuyên bố năm 1958 về lãnh hải của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã nhấn mạnh rằng: “Chiều rộng lãnh hải nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là 12 hải lý. Điều khoản này áp dụng cho tất cả các lãnh thổ của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, bao gồm lục địa Trung Quốc và các đảo ven bờ của lục địa cũng như các đảo Đài Loan và xung quanh đó, quần đảo Penghu (Bành Hồ) và tất cả các đảo khác thuộc Trung Quốc bị phân cách với đất liền và các đảo ven bờ biển của nó bởi biển cả”.

Như vậy, Tuyên bố 1958 của Trung Quốc xác định rõ ràng các đảo bị tách biệt với lục địa bởi biển cả, chứ không phải là vùng nước lịch sử. Chẳng lẽ lại tồn tại vùng biển cả nằm trong nội thủy của Trung Quốc? Không thể có điều vô lý đó. Do vậy, Tuyên bố và các đạo luật của các nhà chức trách Trung Quốc, đặc biệt Tuyên bố năm 1958 của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là không phù hợp với yêu sách lịch sử được phân định bởi “đường lưỡi bò”.

Tuyên bố về đường cơ sở của Trung Quốc ngày 15 tháng 5 năm 1996 càng là cho sự mập mờ này của họ tăng lên lởi họ yêu sách một đường cơ sở nối cả Hoàng Sa nhưng lại không đề cập gì đến Trường Sa.

Hơn nữa, tại Hội nghị Sa Francisco tháng 9 năm 1951, các quốc gia tham gia đã khước từ đề nghị trao trả cho Trung Quốc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, và thực tế tranh chấp chủ quyền đối với toàn bộ hay một phần quần đảo Trường giữa Việt Nam, Ma-lai-xia, Phi-líp-pin và Trung Quốc cho thấy không thể nói là “đường lưỡi bò” được các quốc gia khác công nhận. Như vậy, có thể nói là yêu sách này chưa bao giờ có được sự thừa nhận của cộng đồng quốc tế.

Kết luận

Yêu sách về “đường lưỡi bò” bắt đầu từ một bản đồ của Trung Hoa dân quốc xuất bản lần đầu tiên vào năm 1948. Sau này, cả Đài Loan và Bắc Kinh đều đã dựa vào bản đồ đó để biện minh cho yêu sách về vùng biển này trên Biển Đông.

Bản chất thực sự của yêu sách này vẫn đang bị bao phủ bởi sự bí ẩn, cả Trung Quốc và Đài Loan đều mập mờ với các tuyên bố không rõ ràng. Tuy nhiên, những hoạt động của Trung Quốc cho thấy Trung Quốc thực tế đang yêu sách tất cả các vùng nước và tài nguyên nằm trong vùng biển này.

Những phân tích về yêu sách này theo luật pháp quốc tế cho thấy vì cơ sở pháp lý thiếu thuyết phục cho nên “Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa không đưa ra những yêu sách lịch sử của mình với các tọa độ rõ ràng, và giữ im lặng về bản chất của “đường lưỡi bò” và chế độ pháp lý của vùng biển được bao bọc bởi đường đó”. Ngay cả các học giả Trung Quốc cũng không nhất trí được với nhau về chế độ pháp lý của vùng biển bị bao bọc bởi “đường lưỡi bò” này.

Các học giả Trung Quốc đã nổ lực tìm mọi luận cứ biện minh cho yêu sách này của họ, còn các học giả nước ngoài thì đưa lại những ý kiến khách quan hơn. Nhóm Mark J.Valencia cho rằng: “Một yêu sách của Trung Quốc coi biển Nam Trung Hoa là một vùng nước lịch sử không thể đứng vũng được dưới góc độ luật pháp hiện đại”.

Xa hơn nữa, Hamzah cho rằng: “ Một số nước yêu sách toàn bộ Biển Nam Trung Hoa như là riêng họ dựa trên cơ sở lịch sử. Các yêu sách như vậy chẳng có gì là lạ và chẳng đáng đề cập đến… Yêu sách đơn phương đối với toàn bộ Biển Nam Trung Hoa của một quốc gia sẽ chẳng có gì chú ý đến. Dù suy diễn như thế nào chăng nữa cũng không thể coi biển Nam Trung Hoa như là vùng nội thủy hoặc hồ lịch sử để làm cơ sở khẳng định yêu sách. Vì vậy, khu vực yêu sách này là phù phiếm, không có căn cứ và không hợp lý… Tôi cố gắng thuyết phục tất cả các quốc gia bác bỏ các yêu sách đối với toàn bộ biển Nam Trung Hoa (hay đòi hỏi một khu vực có liên quan) vì không có cơ sở nào trong luật cũng như trong lịch sử”.

Dựa trên pháp luật quốc tế hiện đại, chúng ta có thể kết luận về yêu sách về “đường lưỡi bò” này của Trung Quốc “không có cơ sở nào trong luật quốc tế cho yêu sách lịch sử đó”, “yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền lịch sử và quyền đối với hầu hết Biển Đông và/ hoặc đối với đáy biển và lòng đất của nó là trái với sự phát triển toàn diện của luật biển quốc tế hiện đại và không thể coi là một vấn đề pháp luật nghiêm chỉnh”.

Bộ Ngoại giao - UB Biên giới Quốc gia