Kỳ 3: Phân tích khía cạnh pháp lý
Phân tích các bài viết của các học giả liên quan đến yêu sách lịch sử đối với các vùng biển đã tạo ra rất nhiều tranh cãi xoay quanh các thuật ngữ. Các thuật ngữ thích hợp như quyền lịch sử/danh nghĩa lịch sử vùng nước lịch sử, vịnh lịch sử không dễ gì phân biệt và giải thích được. Để tránh việc đi sâu vào phân tích dài dòng và ở một mức độ nào đó không cần thiết nhằm phân biệt giữa quyền lịch sử và danh nghĩa lịch sử, chỉ cần làm rõ rằng “vùng nước lịch sử” nằm trong nội hàm của “quyền lịch sử”. Và “vịnh lịch sử” nằm trong nội hàm của “vùng nước lịch sử”. Trong bối cảnh “đường chín đoạn”, các yêu sách của Trung Quốc có vẻ như ám chỉ đến các yêu sách về vùng nước lịch sử đối với phần lớn Biển Đông.
Chưa có một định nghĩa nào về vùng nước lịch sử được chấp nhận rộng rãi, nhưng theo nghĩa rộng, vùng nước lịch sử bao hàm các quyền thuộc về một quốc gia ven biển liên quan đến các vùng biển mà thông thường quốc gia đó không được hưởng. Phạm vi của các quyền liên quan đến vùng nước lịch sử khác nhau tùy trường hợp. Các khía cạnh pháp lý để đạt được vùng nước lịch sử được đưa ra xem xét trong một nghiên cứu năm 1962 của Văn phòng Luật pháp của Ban thư ký Liên hợp quốc (OLA) theo đề nghị của Ủy ban Luật Quốc tế. Theo quan điểm của OLA:
“Dường như có sự nhất trí tương đối chung rằng có ít nhất ba yếu tố phải được xem xét khi quyết định một quốc gia có đạt được danh nghĩa lịch sử đối với một vùng biển hay không. Những yếu tố này bao gồm: (1) Việc thực thi chủ quyền đối với vùng biển mà quốc gia có yêu sách quyền lịch sử; (2) Tính liên tục của việc thực thi chủ quyền đó; (3) Quan điểm của các quốc gia khác”.
Thực tiễn của ROC và PRC không đáp ứng được các yêu cầu này. Các điều kiện 1 và 2 nhấn mạnh tính cần thiết của việc các quốc gia yêu sách thực thi chủ quyền thông qua các hoạt động biểu hiện chủ quyền với mức độ thường xuyên và hiệu quả. ROC/PRC chỉ thỉnh thoảng thực thi chủ quyền và việc thực thi chủ quyền chỉ quan đến các đảo chứ không phải các vùng biển. Do đó, quyền tự do đánh cá và hàng hải của các quốc gia không bị cản trở. Vì vậy, ROC/PRC không thể duy trì yêu sách lịch sử của mình. Nội dung của điều kiện 3 không chắc chắn. Về cơ bản, thảo luận xoay quanh việc liệu các quốc gia có cần phải chấp nhận hay việc không thể hiện bất kỳ phản ứng nào là đủ. Nhưng dù ai theo quan điểm nào, tất cả dường như nhất trí rằng phản đối từ các quốc gia bên ngoài có thể ngăn chặn việc thực thi chủ quyền hòa bình và liên tục, và đó chính xác là những gì đã diễn ra ở Biển Đông (xem phần V.b).
Một số đã vòng vo cho rằng yêu sách của Trung Quốc phải được xem xét dưới ánh sáng các quy tắc của luật quốc tế tồn tại vào thời điểm bản đồ “đường chữ U” được đưa ra, tức là năm 1946 (còn được gọi là học thuyết luật đương đại). Điều này hoàn toàn khác thường bởi cách tiếp cận chỉ làm yếu thêm một lập luận đã hoàn toàn không mang tính thuyết phục. Vào thời điểm đó, chiều rộng lãnh hải được công nhận chỉ tối đa 3 hải lý, làm cho các yêu sách lịch sử càng thêm xa vời. Nếu tính đến thực tế rằng vùng nước lịch sử thông thường hoặc liên quan đến các vịnh, hoặc một khu vực vùng lãnh hải không hề ngạc nhiên khi lưu ý rằng một bài nghiên cứu gần đây về vùng nước lịch sử không thấy cần thiết phải dẫn chiếu đến yêu sách lịch sử của đường chín đoạn” này.
Hơn nữa, ngay cả nếu vì lập luận cho Trung Quốc, có ai đó dám vạch ra học thuyết rằng Trung Quốc có khả năng đưa ra một yêu sách lịch sử mở rộng chưa hề có trước đây (quod non), nên nhớ một đều rằng các yêu sách lịch sử không tạo ra quy chế erga omnes, mà phụ thuộc vào sự công nhận công khai hay ngầm trên cơ sở các quốc gia, như một học giả nhấn mạnh gần đây.
Một lưu ý cuối cùng, việc sử dụng rộng rãi thuật ngữ “Biển Nam Trung Hoa” không trao chủ quyền lịch sử cho Trung Quốc. Theo luật quốc tế, chỉ riêng việc đặt tên một vùng lãnh thổ không thiết lập chủ quyền đối với vùng đó. Tên gọi này đã bị các quốc gia liên quan, bao gồm Việt Nam phản đối mạnh mẽ. Các bản đồ nước ngoài sử dụng tên Biển Nam Trung Hoa chỉ đơn giản tuân thủ cách sử dụng các thuật ngữ biển trong cuốn Ranh giới Biển và Đại Dương năm 1953 của Tổ chức Thủy văn học quốc tế, không hề có giá trị nào về mặt chính trị. Do đó, sự chọn lựa thuật ngữ không nhằm ám chỉ sự công nhận chủ quyền của Trung Quốc của các quốc gia phương Tây. Đồng thời, Trung Quốc đã từng sử dụng các tên gọi khác nhau cho vùng biển này: “Biển Giao Chỉ” (Triều Tống và Minh) và “Nam Hải” (Triều Thanh (1905)), ROC (1913), PRC (1952 và 1075)).