Site banner

Hiệu quả từ mô hình “5 không” ở một vùng biển

Đánh giá về kết quả thực hiện Mô hình "5 không", đồng chí Bí thư Chi bộ ấp Hưng Nhơn, xã Tân Hưng (Ba Tri) cho rằng: Mô hình này mang lại nhiều hiệu quả thiết thực trên một số lĩnh vực, như: tình hình trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được kéo giảm, không còn bạo lực gia đình và trẻ em bỏ học… Qua đó đã góp phần cùng với chính quyền địa phương nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân trên địa bàn xã.

Đồng chí Phạm Văn Khâu - Bí thư Chi bộ ấp Hưng Nhơn, Trưởng Ban vận động thực hiện Mô hình "5 không" cho biết: Mô hình này được thực hiện từ tháng 4-2012, với sự phối hợp của Hội Phụ nữ xã và Mặt trận, đoàn thể các cấp. Nội dung của "5 không" đó là: không vi phạm phát luật và tệ nạn xã hội; không có bạo lực gia đình; không sinh con thứ ba trở lên; không có trẻ suy dinh dưỡng; không có trẻ bỏ học. Để giúp mọi người hiểu được hiệu quả của mô hình và nhiệt tình hưởng ứng, Ban vận động đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng chi hội các đoàn thể tuyên truyền vận động rộng rãi đến mọi người dân trên địa bàn với nhiều hình thức, như: thông qua phương tiện truyền thông đại chúng, các cuộc họp ở chi hội, tổ hội, tổ nhân dân tự quản. Mỗi nội dung tuyên truyền, Ban vận động phân công từng cán bộ phụ trách ở từng lĩnh vực, qua đó nội dung tuyên truyền được đi vào chiều sâu.

Các tập thể cá nhân được khen thưởng có thành tích xuất sắc trong bảo vệ an ninh trật tự vùng biên giới. Ảnh Q.H

Để góp phần thực hiện thành công mô hình "5 không", Ban vận động tiến hành khảo sát tổng số hộ trên toàn ấp để từ đó nắm bắt tình hình thực tế cũng như phân loại các đối tượng. Kết quả cho thấy, trên địa bàn ấp vẫn còn tình trạng nhậu say càng quấy, bạo lực gia đình về thể xác, tinh thần, kinh tế và trẻ em bỏ học vẫn còn. Khi xác định được đối tượng, Ban vận động tiến hành vận động với sự phối hợp của cán bộ ở từng đoàn thể. Với phương châm "đi từng ngõ, gõ từng nhà", Ban vận động đã đến gặp trực tiếp từng người để vận động thuyết phục khắc phục khuyết điểm và cho ký cam kết không tái phạm. Qua thời gian triển khai thực hiện Mô hình "5 không", Ban vận động đã vận động và cho ký cam kết 8 trường hợp nhậu say càng quấy, 5 trường hợp tụ tập đá gà và đánh bài, 8 trường hợp bạo lực gia đình, vận động 2 trường hợp tiếp tục cắp sách đền trường; phối hợp với ngành chức năng xử lý 11 trường hợp trộm cắp vặt đối với trẻ vị thành niên…

Chị Nguyễn Thị Hồng Sương - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Tân Hưng, Phó Ban vận động thực hiện Mô hình "5 không" chia sẻ: Để vận động có hiệu quả, Ban vận động xác định đối tượng vi phạm để có giải pháp tuyên truyền vận động, trong đó đặc biệt chú trọng đến khâu tiếp cận đối tượng cần vận động. Việc tiếp cận đối tượng cũng được Ban vận động xác định nên chọn nam hay nữ là người đi vận động. Ngoài ra còn chú trọng đến phương thức tiếp cận, ví dụ như đối tượng này phù hợp tiếp cận tuyên truyền vận động trên bàn trà, nhưng cũng có khi đối tượng cần tuyên truyền vận động ngay trong bàn nhậu… Qua thời gian thực hiện, kinh nghiệm từ thực tiễn cho thấy, việc tuyên truyền vận động không có công thức cụ thể mà phải tùy vào đối tượng mà mình vận dụng phương thức một cách uyển chuyển sao cho phù hợp, quan trọng nhất đó là phải nắm được đối tượng như thế nào.

Từ mô hình "5 không" tại ấp Hưng Nhơn, đến nay đã được triển khai rộng rãi đến tất cả các ấp trên địa bàn xã. Điều này cho thấy tính thiết thực và hiệu quả của mô hình "5 không" mang lại. Việc thực hiện tốt mô hình "5 không" cũng đồng nghĩa với việc góp phần hoàn thành một trong những tiêu chí xây dựng nông thôn mới theo tinh Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy.

Quốc Hùng