Site banner

Không chỉ là vấn đề tranh chấp chủ quyền biển, đảo

Chia sẻ lo ngại của cộng đồng quốc tế về những diễn biến phức tạp tại biển Đông, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, đây không chỉ là vấn đề tranh chấp chủ quyền biển, đảo, mà còn là duy trì hòa bình, hợp tác, bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không ở biển Đông cũng như tôn trọng luật pháp quốc tế.

Bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 28-29 và các hội nghị cấp cao liên quan, sáng 8/9 tại Vientiane, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội kiến Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon. Ảnh: TTXVN

Ngày 8/9 tại Lào, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự các Hội nghị Cấp cao ASEAN+1 với Mỹ và Ấn Độ và Hội nghị Cấp cao Đông Á.

ASEAN thúc đẩy hợp tác với Ấn Độ, Mỹ

Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-Ấn Độ lần thứ 14, các lãnh đạo nhất trí tiếp tục thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư, phát huy tối đa tiềm năng của hai bên, hướng tới mục tiêu thương mại hai chiều đạt 200 tỷ USD năm 2022; tăng cường kết nối hàng hải, hàng không, hợp tác hiệu quả trong nông nghiệp, thực phẩm, giáo dục, năng lượng sạch, du lịch, y tế, giao lưu văn hóa, giao lưu nhân dân. Phía Ấn Độ thông báo dành thêm 50 triệu USD cho Quỹ Hợp tác ASEAN-Ấn Độ và muốn thúc đẩy các dự án kết nối số và cơ sở hạ tầng với ASEAN thông qua sử dụng khoản tín dụng 1 tỷ USD của Ấn Độ.

Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-Mỹ lần thứ 4, hai bên nhất trí tiếp tục triển khai hiệu quả và toàn diện Kế hoạch Hành động ASEAN-Mỹ giai đoạn 2016-2020; đẩy mạnh thương mại, đầu tư, thúc đẩy sáng tạo, khởi nghiệp, gia tăng cơ hội việc làm, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ; tăng cường hợp tác ứng phó các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống như khủng bố, bạo lực cực đoan, an ninh biển, buôn bán người, tội phạm mạng, di cư, biến đổi khí hậu, thiên tai, di cư. Các lãnh đạo cũng thảo luận về hỗ trợ nhân đạo, giảm nhẹ thiên tai, biến đổi khí hậu, hợp tác nghề cá, bảo tồn biển, giáo dục, y tế, giao lưu văn hóa và kết nối con người, xây dựng năng lực và khả năng lãnh đạo cho thanh niên, phụ nữ...

Đề nghị đưa hợp tác biển thành lĩnh vực ưu tiên mới

Tại Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 11, các lãnh đạo nhất trí tăng cường hợp tác kinh tế-thương mại, đẩy mạnh đàm phán các hiệp định thương mại tự do như TPP (Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương), RCEP (Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực) và tăng tính bổ sung lẫn nhau giữa các khuôn khổ này. Các lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của đầu tư cơ sở hạ tầng chất lượng ở Đông Á nhằm tạo thuận lợi cho thương mại, đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh về dịch vụ; và nhất trí tăng cường hợp tác ứng phó các thách thức đang nổi lên.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon chia sẻ quan ngại trước những thách thức hiện nay ở khu vực, và khẳng định Liên Hợp Quốc muốn hợp tác với các nước Đông Á triển khai các mục tiêu hợp tác chung, cùng ứng phó những thách thức toàn cầu. Các lãnh đạo EAS đã thông qua Tuyên bố Vientiane về thúc đẩy hợp tác phát triển cơ sở hạ tầng ở Đông Á và Tuyên bố EAS với tăng cường ứng phó với khủng hoảng di cư và buôn bán người.

Lãnh đạo các nước chia sẻ mối quan tâm, lợi ích chung và tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh an toàn, tự do hàng hải, hàng không ở biển Đông; đề cao việc giải quyết hòa bình các tranh chấp, tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, kiềm chế không có hành động làm phức tạp thêm tình hình, không quân sự hóa, ủng hộ ASEAN và Trung Quốc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và sớm hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử (COC) hiệu quả ở biển Đông.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói rằng, cần đề cao thượng tôn pháp luật, tuân thủ luật pháp quốc tế, tăng cường xây dựng và chia sẻ các chuẩn mực ứng xử trong quan hệ giữa các quốc gia cũng như khi tiến hành các hoạt động ở khu vực, tránh mọi hành vi đơn phương, áp đặt, đe dọa hoặc sử dụng sức mạnh. Thủ tướng cho rằng, cần tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của EAS, xem xét đưa hợp tác biển thành lĩnh vực ưu tiên mới.

Chia sẻ lo ngại về những diễn biến phức tạp tại biển Đông, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, đây không chỉ là vấn đề tranh chấp chủ quyền biển, đảo, mà còn là duy trì hòa bình, hợp tác, bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không ở biển Đông cũng như tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có thực hiện hiệu quả DOC và không tiến hành các hoạt động quân sự hóa. Thủ tướng nhấn mạnh, tất cả các bên cần thể hiện thiện chí và quyết tâm chuyển sang giai đoạn mới để đưa biển Đông thành khu vực hòa bình, ổn định và hợp tác, phát triển. Điều quan trọng là các bên tự kiềm chế, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực; giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao và pháp lý. Thủ tướng cũng cho rằng, thực tế hiện nay đòi hỏi đẩy mạnh các biện pháp xây dựng lòng tin thực chất và ngoại giao phòng ngừa trên biển, nhất là thực hiện hiệu quả DOC và sớm thông qua COC trong năm 2017…

Sáng 8/9 tại Vientiane, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội kiến Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull và Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-Moon. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Malcolm Turnbull nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, an ninh, hợp tác ở biển Đông, đề cao thượng tôn pháp luật, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982. Ông Ban Ki-moon khẳng định, các cơ quan của Liên Hợp Quốc sẽ sát cánh cùng Việt Nam thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững và ứng phó biến đổi khí hậu. Trước đó, chiều 7/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội kiến Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thủ tướng New Zealand John Key.

Nguồn Vietnam.vn