Diễn biến nóng gần đây ở Biển Đông là một trong những chủ đề quan trọng được bàn thảo tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 25 diễn ra ở thủ đô Naypyidaw của Myanmar trong 2 ngày 12 và 13-11-2014, nhưng các bên đã không đạt được tiến triển đột phá.
ASEAN muốn thúc đẩy để Trung Quốc có cách tiếp cận ít hung hăng hơn với vấn đề Biển Đông tại hội nghị Thượng đỉnh thứ 25 của khối.
Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần này nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác khu vực trong việc duy trì hòa bình, ổn định, an toàn, an ninh trên Biển Đông. Cũng tại Hội nghị này, ASEAN và Nhật Bản chia sẻ lập trường về giải quyết tranh chấp chủ quyền trên biển bằng biện pháp hòa bình, trong đó các bên cần kiềm chế và tránh các hành động khiến tình hình trở nên phức tạp hơn. ASEAN và Nhật Bản nhất trí tăng cường hợp tác để tạo môi trường an ninh khu vực ổn định và hòa bình.
Trung Quốc áp dụng sách lược "rút củi dưới đáy nồi"
Hội nghị thượng đỉnh ASEAN năm 2014 diễn ra trong bối cảnh các nước trong và ngoài khu vực chưa hết nghi ngại về tham vọng của Trung Quốc độc chiếm Biển Đông được thể hiện trong việc Bắc Kinh công khai và ngang ngược hạ đặt dàn khoan Hải Dương-981 trên thầm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và đã bị dư luận rộng rài trên khắp thế giới lên án.
Để phần nào giải tỏa những nghi ngại đó, tại diễn đàn Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) được tổ chức đồng thời với Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần này, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết, Trung Quốc sẵn sàng là đối tác đối thoại đầu tiên ký kết với ASEAN một "hiệp ước hữu nghị và hợp tác". Ông còn cho biết thêm, Trung Quốc sẵn sàng ký kết các văn bản pháp lý với nhiều nước trong khu vực để xây dựng tình hữu nghị và láng giềng thân thiện.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường phát biểu tại hội nghị ASEAN-Trung Quốc lần thứ 16 tại Brunei - Ảnh: Reuters
Giới phân tích nhận định, đề xuất này của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường là sách lược "rút củi dưới đáy nồi" của Bắc Kinh nhằm tạm thời gạt bỏ những nghi ngại của các nước trong và ngoài khu vực, trước hết là các nước thành viên ASEAN, về mối đe dọa từ chính sách cường quyền của Trung Quốc.
Tuy nhiên, trong Hội nghị này, Thủ tướng Trung Quốc vẫn nêu lại yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông cũng như quan điểm giải quyết tranh chấp thông qua cơ chế song phương hơn là đa phương, Trung Quốc cũng từ chối giải pháp thông qua trọng tài quốc tế. Bằng cơ chế này, Trung Quốc thực hiện sách lược "bẻ đũa từng đôi mà không bẻ cả nắm" nhằm chia rẽ các nước ASEAN trong vấn đề Biển Đông. Như cả thế giới đã biết, Trung Quốc tuyên bố chủ quyền 90% diện tích Biển Đông, chồng lần vào vùng biển của nhiều nước ASEAN như Malaisia, Philippine, Brunei và Việt Nam.
Chủ đề Biển Đông tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN
Ngay sau khi Hội nghị thượng đỉnh ASEAN khai mạc ngày 12/11/2014, Ban thư ký ASEAN đã ra thông báo cho biết, tại Hội nghị thượng đỉnh lần này, mọi vấn đề nóng trong khu vực và quốc tế đang được các nước Đông Nam Á quan tâm đều được thảo luận, đặc biệt là những vấn đề có ảnh hưởng đáng kể đến hòa bình và an ninh khu vực, như vấn đề Biển Đông.
Tuy nhiên, trái với dự định ban đầu về việc các nước Đông Nam Á sẽ tích cực thảo luận về những tranh chấp trên Biển Đông trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh ASEAN, ngoài Việt Nam và Philippine, đa số các thành viên khác của ASEAN đều tỏ ra dè dặt về chủ đề này
Về lập trường của Việt Nam, trong bài phát biểu tại phiên họp toàn thể tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã đặc biệt nêu lên vấn đề Biển Đông, trong đó nhấn mạnh rằng, đến nay tình hình Biển Đông vẫn tiếp tục phức tạp, trong đó có việc bồi đắp quy mô lớn, làm thay đổi căn bản cấu trúc của nhiều đảo đá, bãi ngầm. Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, những việc làm này là trái với quy định của Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc đã từng đặt bút ký với ASEAN.
Từ đó, Thủ tướng Việt Nam yêu cầu các bên liên quan tôn trọng và thực hiện đầy đủ mọi quy định của DOC. Cụ thể là kiềm chế, không mở rộng hoặc gia tăng căng thẳng, không làm phức tạp thêm tình hình; không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực; giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình; tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS). Trên cơ sở đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lên tiếng kêu gọi ASEAN và Trung Quốc thực hiện đầy đủ DOC, đẩy mạnh đàm phán nhằm sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) có tính ràng buộc.
Về lập trường của Philippine. Đây là lần đầu tiên Tổng thống Philippine, ôngBegnino Aquino gặp các đồng nhiệm Đông Nam Á, trước hết là những nước cũng có tranh chấp chủ quyền với Bắc Kinh, kể từ tháng 3-2014 khi Philippine quyết định đệ đơn kiện Trung Quốc lên Tòa án trọng tài Liên Hiệp Quốc về bản đồ "đường lưỡi bò" do Trung Quốc áp đặt lên Biển Đông. Giới phân tích cũng như dư luận cho rằng, tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần này Tổng thống Begnino Aquino sẽ tỏ rõ lập trường cứng rắn của Philippine với Trung Quốc bởi trước khi diễn ra Hội nghị, ông đã nói là sẽ nêu lên các hành động gây hấn gần đây của Bắc Kinh ở vùng Biển Đông, mà Manila gọi là Biển Tây Philippine.
Tuy nhiên, theo giới phân tích, phát biểu của Tổng thống Philippine Begnino Aquino tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần này tuy cụ thể nhưng không gay gắt với Trung Quốc như dự kiến. Phải chăng, đây là hệ quả của cuộc gặp trước đó giữa ông Begnino Aquino với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, bên lề Hội nghị thượng đỉnh APEC ở Bắc Kinh vừa kết thúc ngay trước khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh ASEAN? Theo lời Cố vấn của Tổng thống Philippine, cuộc gặp này là một "bước phát triển tích cực" giữa hai lãnh đạo Philippine và Trung Quốc.
Về lập trường các nước ASEAN khác. Trước hết, cần nói tới lập trường của nước chủ nhà Myanmar. Trong bài diễn văn khai mạc Hội nghị thượng đỉnh ASEAN năm nay, Tổng thống Myanmar Thein Sein đã không trực tiếp đề cập vấn đề Biển Đông, mà chỉ kêu gọi những người đồng nhiệm ở các nước Đông Nam Á tiến tới "một khối ASEAN dựa trên luật pháp và dựa trên các chuẩn mực". Tuyên bố này được coi là ngầm nhắc tới lời kêu gọi của Philippine giải quyết các tranh chấp chủ quyền bằng luật pháp quốc tế về biển. Rõ ràng là ông Thein Sein tránh bị lôi kéo vào vấn đề tranh chấp giữa một số nước ASEAN với Trung Quốc-một đồng minh quan trọng của Myanmar. Phát biểu tại Hội nghị, Tổng thống Indonesia, ông Joko Widodo, với vai trò trung gian, đã kêu gọi các bên tự kềm chế, không sử dụng vũ lực và nhanh chóng đàm phán để hoàn tất COC.
Vì thế, Tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị cấp cao ASEAN 25 về vấn đề Biển Đông chỉ khẳng định lại những gì ASEAN đã đạt được trước đó trong vấn đề Biển Đông. Đó là, khẳng định lại tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định, bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông; tiếp tục nhấn mạnh các nguyên tắc đã được nêu trong DOC, Tuyên bố Nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về Biển Đông, Tuyên bố chung của Hội nghị cấp cao ASEAN-Trung Quốc lần thứ 15 về kỷ niệm 10 năm ASEAN và Trung Quốc ký kết DOC cũng như các Tuyên bố liên quan của ASEAN được thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 24.
ASEAN hoan nghênh kết quả tích cực trong tham vấn về thực hiện DOC và nhất trí phấn đấu sớm đạt được COC trên cơ sở đồng thuận. Theo đó, ASEAN nhất trí thúc đẩy tham vấn với Trung Quốc về các biện pháp và cơ chế nhằm bảo đảm và tăng cường hơn nữa việc triển khai đầy đủ và hiệu quả toàn bộ DOC và sớm đạt được COC.
ASEAN tiếp tục quan ngại về tình hình trên Biển Đông và tái khẳng định các cam kết chung về bảo đảm giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với các nguyên tắc đã được thừa nhận chung của luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982; không đe dọa hay sử dụng vũ lực, thực hiện kiềm chế và không được có các hoạt động gây phức tạp thêm tình hình, hay mở rộng gia tăng căng thẳng trong khu vực. ASEAN tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của các cam kết chung của các nước thành viên đối với hòa bình, ổn định, an ninh hàng hải và lòng tin chung trong khu vực và nhấn mạnh sự cần thiết tạo dựng các điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết hòa bình các tranh chấp.
Vấn đề Biển Đông tại cuộc đối thoại cấp cao ASEAN-Trung Quốc
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh rằng, hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông là lợi ích và quan tâm chung của các nước trong và ngoài khu vực. Do đó, các bên liên quan cần nghiêm túc tuân thủ luật pháp quốc tế, Ảnh: TTX
Tại cuộc đối thoại cấp cao ASEAN-Trung Quốc, các nhà lãnh đạo hai bên dành thời gian trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, trong đó có vấn đề Biển Đông. Hai bên nhấn mạnh hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không là lợi ích và mối quan tâm chung của các nước trong và ngoài khu vực; theo đó cần bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông; giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 và DOC, sớm đạt được COC.
Về vấn đề Biển Đông, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh rằng, hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông là lợi ích và quan tâm chung của các nước trong và ngoài khu vực. Do đó, các bên liên quan cần nghiêm túc tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước luật biển của Liên hợp quốc năm 1982; giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực; thực hiện đầy đủ và nghiêm túc DOC, nhất là thực hiện Điều 5 của DOC về kiềm chế, không có hành động làm phức tạp thêm, gia tăng căng thẳng, hay thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông.
Phát biểu tại cuộc đối thoại Hội nghị cấp cao ASEAN-Trung Quốc, Tổng thống Philippine Begnino Aquino nhấn mạnh, các quốc gia Đông Nam Á "quan ngại về những diễn tiến trên Biển Đông" khi đề cập những hoạt động khai thác đất của Trung Quốc và sự chiếm đóng các đảo nhỏ và các rạn san hô ở vùng biển Tây Philippines, tên gọi do Manila tự đặt cho phần thuộc Biển Đông nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 370km của Philippines.
Tổng thống Begnino Aquino cho biết, sau khi quyết định đệ đơn kiện Trung Quốc lên Tòa án trọng tài quốc tế của Liên Hợp Quốc, Philippine hối thúc ASEAN cùng với Trung Quốc hoàn tất COC nhằm ngăn ngừa các yêu sách phi lý của Bắc Kinh trên Biển Đông. Ông Begnino Aquino nhấn mạnh, là một đối tác của ASEAN, Trung Quốc phải "chứng minh với phần còn lại của thế giới" rằng họ có thể cùng với các nước Đông Nam Á xua tan các lo ngại về an ninh trong khu vực dựa trên cơ sở các hành động theo quy định của luật pháp.
Tổng thống Philippine Begnino Aquino cho rằng ASEAN và Trung Quốc đang hợp tác thiết thực, trong đó có các thỏa thuận thiết lập đường dây nóng cùng các thỏa thuận tìm kiếm và cứu hộ, nhưng những hoạt động này chỉ có thể có ý nghĩa nếu có những phát triển tích cực, cụ thể trong các vùng lãnh hải ở Biển Đông. Do đó, ông thúc giục Trung Quốc cùng với ASEAN sớm kết thúc quá trình xây dựng COC.
Không có đột phá nào trong vấn đề Biển Đông
Các cuộc thảo luận về Biển Đông đã không đạt được kết quả đột phá nào tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 25
Dù được coi là chủ đề chính tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN và Hội nghị cấp cao Đông Á lần này nhưng các cuộc thảo luận về Biển Đông đã không đạt được kết quả đột phá nào xuất phát từ thực tế là tranh chấp ở Biển Đông là một vấn đề phức tạp và ASEAN đang phải ứng phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc- một cường quốc không chỉ ở khu vực Châu Á mà trên cả phạm vi thế giới.
Ông Carl Thayer, chuyên gia về an ninh tại học viện Quốc phòng Australia nhận định: "Trung Quốc thường tiết chế cách hành xử của mình trước các hội nghị cấp cao ASEAN. Một số người cố gây ấn tượng trong các cuộc họp thượng đỉnh cuối năm, nhưng không có tiến triển đáng kể nào".
Đề cập tới sự cải thiện giữa Trung Quốc và các nước thành viên ASEAN có tranh chấp lãnh hải tại Biển Đông, Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh cho biết trong cuộc phỏng vấn với đài VOA ngày 11/11/2014: "Có khoảng cách lớn hơn giữa các cam kết chính trị và các hành động thực tế. Tôi muốn nói tới tình hình thực tế trên biển. Và đó là thách thức mà chúng ta phải vượt qua". Còn Bộ trưởng Thông tin Myanmar Ye Htut chia sẻ quan điểm: "Trông đợi của chúng tôi trong Hội nghị hượng đỉnh ASEAN lần này là tất cả các nước có thể nhất trí về việc làm sao thực hiện được bộ COC càng sớm càng tốt"./.
Theo vietnam.vn