Site banner

Mối nguy hiểm từ trạm điện hạt nhân Trung Quốc định triển khai ở Biển Đông

Một viện nghiên cứu hàng đầu của Trung Quốc đang phát triển dự án trạm điện hạt nhân nhỏ nhất thế giới với kích cỡ vừa đủ để đặt vào trong một tàu container, sau đó lắp đặt hệ thống cấp điện này lên các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh ngang nhiên xây dựng trái phép trên Biển Đông trong vòng 5 năm tới.


Một mô hình lò phản ứng để sản xuất điện được trưng bày tại Trung Quốc hồi tháng 4 (Ảnh: SCMP)

Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), Viện Công nghệ an toàn năng lượng hạt nhân thuộc Viện Khoa học Trung Quốc đang tham vọng cho ra đời trạm điện hạt nhân với tên gọi hedianbao, có nghĩa là “trạm điện hạt nhân di động”. Viện này có trụ sở đặt tại thành phố Hợp Phì thuộc tỉnh An Huy, Trung Quốc.

Mặc dù kích cỡ của trạm điện này tương đối nhỏ, được thiết kế để đặt trọn vào trong khoang của một tàu container dài khoảng 6,1m và cao khoảng 2,6m, nhưng nó có thể sản xuất được 10 megawatt nhiệt, và nếu được chuyển tải thành điện, nó sẽ cung cấp đủ điện năng cho khoảng 50.000 gia đình.

Dự án nghiên cứu này được Lực lượng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc tài trợ một phần kinh phí, theo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng. Các nhà nghiên cứu hy vọng có thể đưa trạm điện đầu tiên lên tàu ra biển trong 5 năm tới.

“Một phần trong kinh phí phát triển dự án đến từ quân đội, nhưng chúng tôi hy vọng công nghệ này rốt cục sẽ phục vụ cho mục đích dân sự”, giáo sư Huang Qunying, nhà khoa học hạt nhân tham gia vào dự án, cho biết.


Trạm điện mini có kích cỡ đủ để lắp vừa trong khoang một tàu container (Ảnh: SCMP)

Các nhà khoa học Trung Quốc cũng thừa nhận rằng công nghệ mà họ đang phát triển tương tự như công nghệ của lò phản ứng nhiệt hạch mà lực lượng hải quân Liên Xô từng sử dụng trên các tàu ngầm hạt nhân của nước này vào những năm 1970. Tuy nhiên, Trung Quốc có lẽ là quốc gia đầu tiên trên thế giới lắp đặt các cơ sở sử dụng công nghệ vốn dùng cho mục đích quân sự này trên mặt đất.

Mặc dù các trạm điện hạt nhân của Trung Quốc có thể cung cấp sản lượng điện lớn nhưng cũng có thể gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng về môi trường nếu xảy ra sự cố, các nhà khoa học cảnh báo. Nếu bất kỳ trạm điện nào gặp sự cố, lượng phóng xạ bị rò rỉ sẽ không chỉ ảnh hưởng đến các quốc gia lân cận mà còn lan ra trên phạm vi toàn cầu do tác động của các con sóng trên Biển Đông.

Một chuyên gia môi trường biển thuộc Đại học Hải dương Trung Quốc cảnh báo rằng nếu đi vào hoạt động, nước thải phóng xạ với sức nóng cao từ các trạm điện hạt nhân nếu chảy xuống biển sẽ làm thay đổi hệ thống sinh thái đại dương của toàn bộ khu vực xung quanh đảo nơi lắp đặt trạm điện đó.

“Nếu một thảm họa hạt nhân xảy ra trên Biển Đông, nó sẽ không ảnh hưởng ngay đến người dân sống ở trên đất liền vì khoảng cách địa lý khá xa, nhưng chất thải phóng xạ sẽ xâm nhập vào cơ thể của các loài cá cũng như các sinh vật biển khác, và tất cả cuối cùng sẽ tới bàn ăn của mọi người trên đất liền. Các dòng chảy trên biển có thể đưa những chất thải này tới các bờ biển dù đảo ở khoảng cách xa so với đất liền”, nhà nghiên cứu cho biết thêm.

Ngoài các trạm điện hạt nhân, Trung Quốc cũng đang xem xét xây dựng các nhà máy điện nổi quy mô nhỏ, sử dụng công nghệ truyền thống để cung cấp điện cho các đảo nhân tạo trái phép mà Bắc Kinh ngang nhiên bồi đắp trên Biển Đông.

Nguồn Vietnam.vn