Site banner

Mùa xuân trên đảo Trường Sa

Không ồn ào và náo nhiệt như những thành phố lớn, nhưng không khí Tết ở Trường Sa đủ để làm cho mỗi người con xa quê đang làm nhiệm vụ nơi đầu sóng ngọn gió ấm lòng. Mùa xuân ở Trường Sa thường đến sớm hơn so với các vùng miền khác trên Tổ quốc. Điều đặc biệt của cái Tết nơi đây đó là sự hội tụ nền văn hóa trên mọi miền đất nước, nào là những đòn bánh tét, cành mai vàng rực rỡ của phương Nam hay những đòn bánh chưng, bánh dày và cành đào đỏ thắm của phương Bắc… tất cả như tô thêm vẻ đẹp hùng vĩ nơi đây. Hơn thế nữa, tình đồng chí, đồng đội sum vầy và quay quần bên mâm cỗ ngày Tết đã cho chúng tôi hiểu hơn về tinh thần đoàn kết, gắn bó keo sơn của người con đất Việt.

Với đôi bàn tay khéo léo, các chiến sĩ Trường Sa đã tạo nên những nhánh mai vàng rực rỡ đón xuân. Ảnh Q.Hùng

Không khí đón Tết ở Trường Sa

Đến với Trường Sa vào mùa gió chướng, hình ảnh mà chúng tôi dễ dàng nhận thấy đó là các chiến sĩ chuẩn bị trang hoàng cây mai, cành đào và các nguyên vật liệu gói bánh chưng, bánh dầy. Dường như chưa bao giờ lỗi hẹn, cứ vào dịp tết, xuân về là các chiến sĩ Trường Sa lại cùng nhau bắt tay vào trang trí hội trường - nơi sẽ tổ chức làm lễ đón giao thừa. Tại đảo Song Tử Tây, một nhóm các chiến sĩ đang hăng say gắn những bông hoa mai bằng vải, chùm đèn chóp nhấp nháy với đủ màu sắc lên cây phong ba. Thiếu úy Lê Văn Chinh cho biết: Năm nào cũng vậy, cứ Tết đến xuân về là chúng tôi lại háo hức công việc trang trí cành mai cũng như hội trường để chuẩn bị cho các chiến sĩ đón giao thừa. Tuy không phải là mai thật nhưng qua đó góp phần tạo nên không khí xuân, làm vơi bớt nỗi nhớ nhà của các chiến sĩ hải đảo. Ngoài ra, chúng tôi còn chưng mâm ngũ quả. Tất cả các vật liệu được mang ra từ đất liền…

Không chỉ là những cành mai, cành đào, ở khu vực hậu cần, không khí xuân cũng không kém phần nhộn nhịp. Các anh nuôi đang tất bậc với công việc mổ gà, giết heo để chuẩn bị cho bữa cơm giao thừa. Trong khi đó, một nhóm các chiến sĩ khác đang chuẩn bị lá dong, lá bàn vuông để gói bánh chưng, bánh dày. Đại úy Kiều Lữ Vinh bày tỏ: Ở đây hầu như ai cũng biết gói bánh. Ban đầu mới ra còn bỡ ngỡ nhưng ở đây riết rồi cũng quen. Gói bánh đòi hỏi phải chặt tay để khi nấu ra nếp được dẻo. Thường chúng tôi gói bánh với lá dong nhưng cũng có lúc chúng tôi gói bánh với lá bàn vuông – một loại lá đặc trưng ở Trường Sa. Gói bằng loại lá bàn vuông, bánh không chỉ mang vị chát ngọt của lá mà nó còn mang cả hương vị mặn mòi của biển. Cũng chính từ đó mà món bánh chưng gói bằng lá bàn vuông đã trở thành một đặc sản của lính đảo Trường Sa.

Các chiến sĩ Trường Sa gói bánh chưng. Ảnh Q.Hùng

Không chỉ các chiến sĩ hải đảo tất bậc với phần việc chuẩn bị đón xuân mà ngay tại các ngôi nhà lập nghiệp trên đảo Song Tử Tây cũng không kém phần nhộn nhịp. Trong ngôi nhà ấm cúng và được trang hoàng khá tươm tất, anh Huỳnh Viên và chị Nguyễn Thị Thúy Vân đang bận rộn để hoàn tất các công việc dọn dẹp nhà cửa và chuẩn bị mâm ngũ quả đế cúng Tổ tiên. Nói về công việc chuẩn bị đón Tết, chị Thúy Vân cho biết: Năm nào cũng vậy, mỗi lần tàu có chuyến công tác ra đảo vào cận Tết là các gia đình ở đây đều được người thân trong đất liền gửi ra các nhu yếu phẩm để dùng trong những ngày Tết. Vì thế, đón tết ở trên đảo cũng không khác gì nhiều so với đất liền…

Đêm giao thừa của lính đảo

Dù đêm giao thừa của lính đảo Trường Sa thiếu vắng không khí gia đình, nhưng bù lại các anh có tình đồng đội, đồng chí luôn kề vai sát cánh để vượt qua bao thử thách khắc nghiệt nơi vùng đất tiền tiêu. Trong những giây phút cận kề tiễn đưa năm cũ và chào đón năm mới, các chiến sĩ hải đảo thường quây quần với nhau để cùng nhìn lại những thành quả của năm cũ và đề ra một số kế hoạch cho năm mới. Trung úy Hoàng Anh Tuấn (đảo Sơn Ca) chia sẻ: Thường những đêm giao thừa chúng tôi hay tề tựu lại với nhau để cùng thưởng thức bánh mức và tâm sự với nhau về những gì mà mình đã trải qua sau một năm công tác. Những chuyện vui buồn ở đơn vị hay những kỷ niệm về những lần đón giao thừa với đình trên đất liền…

Các chiến sĩ đảo Đá Lớn đang hân hoan đón chào năm mới. Ảnh Q.Hùng

Lần đầu tiên đón xuân trên đảo Trường Sa, chiến sĩ Trương Minh Phúc (đảo Song Tử Tây) không khỏi những phút xuyến xao khi nghĩ về người thân, gia đình và nhất là khi nghĩ về người yêu ở quê nhà. Minh Phúc bày tỏ: Lần đầu tiên đón giao thừa trên đảo tâm trạng em cảm thấy buồn buồn. Tuy nhiên, sau khi được sự động viên của chỉ huy, đồng đội nên em cũng thấy vơi đi phần nào. Gia nhập vào môi trường quân đội em mới cảm nhận được tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái của đồng chí, đồng đội. Mùa xuân ở đảo cũng có thú vị riêng của nó. Tuy đón giao thừa không có pháo hoa hay cảnh người đông ken chen chút nhau ra phố nhưng ở đảo em được ngắm biển trời bao la và cả những tiếng sóng biển vỗ rì rầm, tạo nên một bản nhạc giao hưởng với âm điệu trầm bỗng, vu vương…

Trong thời buổi công nghệ phát triển như hiện nay, các chiến sĩ Trường Sa tận dụng hệ thống internet để nói chuyện, gặp gỡ và cùng đón giao thừa. Trung tá Nguyễn Mạnh Hùng - Chỉ huy Trưởng đảo Song Tử Tây cho biết: Hàng năm, nếu đón xuân ở đảo thì chúng tôi thường sử dụng hệ thống internet để kết nối với người nhà. Qua đó, chúng tôi có thể thấy mặt nhau, trò chuyện và cùng đón giao thừa với nhau. Tuy cách xa về mặc địa lý, nhưng chúng tôi vẫn có thể cảm nhận được sự gần gũi bên người thân.

Xuân ở Trường Sa là thế! Cái tết của những người lính nơi mảnh đất tiền tiêu không chỉ là sự giao hòa giữa đất trời mà nó còn là tình yêu biển đảo luôn chất chứa trong trái tim mỗi chiến sĩ với khát vọng hòa bình vì một Trường Sa thân yêu.

Quốc Hùng